BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Vì sao Venezuela có thể quốc hữu hoá các công ty nước ngoài?

Vì sao Venezuela có thể quốc hữu hoá các công ty nước ngoài?
Venezuela đã tịch thu tài sản, quốc hữu hoá (nationalization) 39 công ty dầu mỏ tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi thông qua đạo luật cho phép chính phủ kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp “vàng đen”. Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố tài sản của 39 công ty tư nhân và nước ngoài bị tịch thu từ nay sẽ thuộc sở hữu của Venezuela.
Năm 1998, ông Hugo Chavez được bầu làm tổng thống Venezuela, khởi xướng một cuộc “cách mạng cho Venezuela” theo như lời ông nói. Ông sửa đổi hiến pháp để tăng nhiệm kỳ tổng thống từ năm năm lên sáu năm. Ông vượt qua nhiều thử thách chính trị trong nước nhằm lật đổ ông như cuộc đình công của Công ty Dầu khí quốc gia (PDVSA) tháng 12/2002 và một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2004. Ông tái đắc cử chức tổng thống năm 2006.
Năm 2007, ông đề xướng tu chính hiến pháp cho phép tổng thống được tái ứng cử nhiều lần, thu hẹp quyền tự chủ của Ngân hàng Trung ương và tăng thẩm quyền sung công quốc gia, nhưng qua trưng cầu ý dân tháng 12/2007 đề xướng tu chính hiến pháp của ông bị bác.
Là một người khuynh tả, ông chống đối các nước phương Tây ra mặt, nhất là với Mỹ, khi ông thừa nhận chủ quyền của nước Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia. Không ngạc nhiên khi Venezuela đã quốc hữu hoá khá nhiều công ty có vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu.
Ông Chavez đã quốc hữu hoá như thế nào?
Quốc hữu hoá là việc một quốc gia tước quyền sở hữu tài sản của một cá nhân hoặc một tổ chức để chuyển tài sản đó thuộc quyền sở hữu quốc gia. Trong một số trường hợp, tài sản bị quốc hữu hoá là các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, và hậu quả là sẽ có những vấn đề pháp lý phát sinh vượt quá thẩm quyền của toà án địa phương.
Có nhiều lý do để biện minh cho hành động quốc hữu hoá nhưng dù thế nào đi chăng nữa, trong một thế giới toàn cầu hoá hợp tác thương mại, hành vi quốc hữu hoá vốn đầu tư nước ngoài có thể mang lại những hiệu quả không mong đợi về mặt chính trị, nhất là trong trường hợp nhà đầu tư có vốn bị quốc hữu hoá là công dân của một quốc gia không có mối quan hệ hữu hảo với quốc gia đã có hành vi quốc hữu hoá.
Quốc hữu hoá phải được hiểu dưới hai góc độ: có bồi thường và không được bồi thường. Quốc hữu hoá mà không bồi thường gọi là tịch thu hay sung công (expropriation). Trong trường hợp các công ty dầu mỏ vừa bị quốc hữu hoá, đó là trường hợp tịch thu vì chủ sở hữu không được bồi thường.
Khía cạnh luật pháp quốc tế liên quan
Hành vi quốc hữu hoá thường được biện minh bằng học thuyết được luật pháp quốc tế gọi là học thuyết “hành vi quốc gia” (the acts of state doctrine), theo đó cho phép một quốc gia có chủ quyền được toàn quyền hành động trên phạm vi lãnh thổ của mình mà không bị xét xử bởi một toà án của quốc gia khác. Đây là một hình thức đặc quyền dành cho quốc gia (immunity of state). Nói cách khác, học thuyết “hành vi quốc gia” cho rằng toà án của một quốc gia không có thẩm quyền xét xử một quốc gia khác khi: (1) quốc gia đó đã thực hiện một hành vi thể hiện uy quyền quốc gia và (2) hành vi được thực hiện trên chính lãnh thổ của quốc gia đó. Học thuyết này làm phát sinh nguyên tắc mà người ta gọi là “nguyên tắc giới hạn thẩm quyền của một toà án địa phương đối với một quốc gia khác”.
Học thuyết “hành vi quốc gia” không phải là một nguyên tắc được chế định bởi luật pháp quốc tế (tức là không được tạo ra từ hiệp ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế), nhưng vẫn được áp dụng như một nguyên tắc tổng quát của luật quốc tế nhờ vào sự thừa nhận áp dụng từ các toà án Liên bang Hoa Kỳ. Nói rõ ra là sự thừa nhận nguyên tắc này của các toà án Hoa Kỳ không nhằm bảo vệ chủ quyền của các quốc gia khác mà chỉ nhằm vào công việc nội bộ chính quyền Hoa Kỳ, tức là nhằm bảo vệ quyền lực của ngành hành pháp Hoa Kỳ trong hoạt động bang giao với các nước khác, mà không bị ràng buộc bởi thẩm quyền xét xử từ toà án của các nước đó mà thôi.
Học thuyết “hành vi quốc gia” thường được đặt ra trước toà án từ sự kiện một quốc gia nhận đầu tư quốc hữu hoá tài sản của các công ty nước ngoài nằm trên lãnh thổ của mình. Một án lệ điển hình thường được nghiên cứu cho trường hợp thừa nhận học thuyết “hành vi quốc gia” là vụ kiện khá nổi tiếng: vụ Banco Nacional de Banco kiện Sabbatino (1964).
Đây là vụ kiện phát sinh khi Chính phủ Cuba quốc hữu hoá mà không bồi thường cho một công ty đường do nhiều công dân Hoa Kỳ đầu tư. Mặc dù nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã chịu tổn thất lớn vì mất vốn đầu tư vào nhà máy đường bị Chính phủ Cuba quốc hữu hoá, nhưng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã chấp nhận áp dụng học thuyết “hành vi quốc gia” để bác đơn kiện Chính phủ Cuba của các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Vấn đề bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài theo luật quốc tế
Quốc hữu hoá đôi khi là trường hợp của sự trả đũa về chính trị khi bang giao giữa các quốc gia liên quan - ở đây là quốc gia nhận vốn đầu tư với quốc gia của nhà đầu tư - không được tốt đẹp. Và trong những trường hợp này, thường tài sản bị quốc hữu hoá là từ các nhà đầu tư thuộc quốc gia “không được thân thiện” về mặt bang giao.
Với tài sản của những quốc gia có quan hệ hữu hảo có thể không bị ảnh hưởng nhiều vì đã có những hiệp ước song phương cam kết bảo hộ những khoản đầu tư giữa hai chính phủ. Chẳng hạn, nếu Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Venezuela đã có những cam kết bảo hộ đầu tư song phương, thì chắc chắn vốn đầu tư của Việt Nam tại Venezuela không bị ảnh hưởng gì.
Về phương diện pháp lý, luật pháp quốc tế cũng có những nguyên tắc bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài. Một công ước quốc tế có tên “Công ước về giải quyết các tranh chấp đầu tư giữa một quốc gia với công dân của quốc gia khác” do Ngân hàng Thế giới bảo trợ ra đời vào năm 1965 (còn gọi là Công ước Washington 1965). Mục tiêu của Công ước Washington 1965 là thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các quốc gia khó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì những bất ổn chính trị xã hội khiến vốn đầu tư của họ có nguy cơ bị quốc hữu hoá.
Để thực hiện mục tiêu này, qua Công ước Washington 1965, Ngân hàng Thế giới thiết lập một toà án để giải quyết các tranh chấp đầu tư phát sinh giữa một bên là chính phủ nhận đầu tư với một bên là nhà đầu tư nước ngoài. Toà án này có tên là Trung tâm Giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID) và thủ tục áp dụng của trung tâm là thủ tục tố tụng trọng tài. Hầu hết các quốc gia trên thế giới là thành viên của Công ước Washington. Riêng Việt Nam chưa hoàn thành thủ tục tham gia công ước này.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét