Nike - tranh cãi về nhà máy gia công bóc lột
DẪN NHẬP
Xét về nhiều mặt,
Nike là một tập đoàn có tiếng tăm trên toàn cầu. Được thành lập vào năm 1972
bởi Phil Knight, một cựu ngôi sao điền kinh của trường đại học Oregon, ngày nay
Nike là một trong những nhà tiếp thị hàng đầu thế giới về các sản phẩm giày và
trang phục thể thao. Năm 2006, doanh thu của công ty đạt 15 tỷ USD, và sản phẩm
của Nike có mặt trên khoảng 140 quốc gia. Nike không đảm trách việc sản xuất.
Họ chỉ phụ trách thiết kế và tiếp thị sản phẩm, rồi đặt hàng sản xuất từ mạng
lưới 600 nhà máy trên phạm vi toàn cầu với số lượng nhân công khoảng 650.000
người. Chính nhờ sự hùng mạnh của tập đoàn đã đưa người sáng lập Phil Knight
lên vị trí một trong những người giàu nhất nước Mỹ. Khẩu hiệu tiếp thị của Nike
”Hãy cứ hành động” (Just Do It), và logo “swoosh” (mô phỏng chiếc cánh của bức
tượng nữ thần chiến thắng của Hy Lạp), hay những gương mặt của các nhân vật nổi
tiếng đại diện cho công ty như Michael Jordan và Tiger Woods, đã trở nên rất
phổ biến.
Vì tất cả sự
thành công của mình, trong hơn một thập kỷ qua, công ty đã kiên trì đấu tranh
trước những cáo buộc liên tục và mạnh mẽ rằng sản phẩm Nike được làm từ những
nhà máy gia công bóc lột nơi mà những công nhân, phần lớn là trẻ em, bị buộc
làm việc trong những điều kiện độc hại với mức lương không đủ sống. Những người
chỉ trích cho rằng sự giàu có của Nike có được là nhờ bóc lột người nghèo trên
thế giới. Trong nhiều năm, Nike đã trở thành một biểu tượng “ác quỷ của toàn
cầu hóa”, một tập đoàn phương Tây giàu có đang khai thác người nghèo trên thế
giới nhằm đem lại sự hài lòng và tiện nghi tối đa cho giới tiêu dùng tại các
quốc gia phát triển bằng những đôi giày và trang phục thể thao đắt tiền. Những
cửa hàng của Nike trở thành tâm điểm công kích chủ yếu của những người chống
lại toàn cầu hóa. Một số tổ chức phi chính phủ như Global Exchange tại San
Francisco, một tổ chức nhân quyền nỗ lực vì sự công bằng xã hội, chính trị và
môi trường trên toàn cầu, đã không ngừng chỉ trích và phản đối nhắm vào hoạt
động kinh doanh của Nike. Các tổ chức báo chí như 48 Giờ của CBS, do Dan Rather làm tổng biên tập, đã phơi bày điều
kiện làm việc tại các nhà máy nước ngoài cung cấp hàng cho Nike. Các sinh viên
tại một số trường đại học lớn của Mỹ mà Nike đang tài trợ các khoản học bổng
lớn cũng phản đối việc Nike bóc lột lao động.
Về phần mình,
Nike đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đương đầu với những người phản đối. Công
ty thừa nhận rằng đã và đang tồn đọng một số vấn đề tại các nhà máy ở nước
ngoài. Công ty tiến hành xoa dịu dư luận bằng các cam kết sẽ cải thiện điều
kiện làm việc. Công ty yêu cầu những nhà sản xuất nước ngoài phải đáp ứng các
tiêu chí tối thiểu về trả lương và điều kiện làm việc. Công ty còn bố trí đội
ngũ thanh tra độc lập chịu trách nhiệm kiểm tra các nhà máy. Nếu nhà máy nào
không đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra thì công ty buộc chấm dứt hợp đồng. Mặc
cho mọi nỗ lực đã thực hiện, công ty vẫn tiếp tục là mục tiêu của sự phản đối
và là một biểu tượng của sự bất đồng.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP CHỐNG ĐỐI NIKE
Điển hình cho
trường hợp chống đối Nike là bài báo đăng trên tờ CBS 48 Giờ ngày 17/10/1996. Phóng viên Roberta Basin đã tham quan nhà
máy của Nike tại Việt Nam, với hình ảnh chụp tại nhà máy cùng với lời bình như
sau:
Hình ảnh về việc người Mỹ đang săn tìm lao động rẻ mạt có ở khắp nơi. Có
hàng triệu lao động phổ thông, có kỉ luật, và đang mong mỏi việc làm. Thị trấn
Nike, khu vực giáp ranh với Sài Gòn, là một trong số bốn nhà máy gia công cho
Nike khoảng một triệu đôi giày mỗi tháng. Tại đây có 25.000 công nhân, hầu hết
là phụ nữ trẻ, cứ làm đi (Just Do It).
Những công nhân ở đây không được chia sẻ từ lợi nhuận khổng lồ của Nike. Họ
phải làm việc sáu ngày một tuần chỉ để nhận 40 USD/ tháng, tính ra chỉ 20
cents/giờ.
Baskin phỏng vấn
Lập, một phụ nữ trẻ trong số những công nhân tại nhà máy. Baskin kể lại:
Mặc dù là tổ trưởng tổ may, lương căn bản của chị vẫn dưới mức lương tối
thiểu…. Cũng như hầu hết các công nhân nữ trẻ làm giày khác, chị không có nhiều
lựa chọn, phải chấp nhận mức lương thấp và làm việc nhiều giờ. Nike yêu cầu
những nhà máy cần tuân thủ pháp luật địa phương, nhưng Lập vẫn phải làm việc
tăng ca vượt quá mức pháp luật cho phép hàng năm: 200 tiếng.
Baskin hỏi Lập
nếu chị muốn xin nghỉ thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu chị bệnh hoặc có người thân
bị bệnh cần được chăm sóc thì chị có được phép nghỉ không? Thông qua người
phiên dịch, Lập cho biết:
Bạn phải hoàn thành số lượng quy định trước khi về nhà, nếu không làm xong
đủ số giày thì không thể về được.
Minh chứng rõ
ràng của câu chuyện cho thấy Nike đã có lỗi trong việc dung túng cho điều kiện
làm việc như vậy tồn tại ở nhà máy tại Việt Nam, sở hữu bởi một công ty Hàn
Quốc.
Một trường hợp
khác chống đối thực tế ở các nhà máy gia công của Nike xuất hiện vào tháng
6/1996 từ Made in the USA, một tổ chức được tài trợ bởi liên đoàn lao động và
các nhà sản xuất may mặc nội địa. Họ lên tiếng phản đối việc tự do thương mại
với các quốc gia có mức lương thấp. Theo Joel Joseph, chủ tịch Made in the USA,
dòng sản phẩm giày thể thao cao cấp đang bán chạy của Nike, “Air Jordans”, được làm bởi những trẻ em 11 tuổi ở
Indonesia để kiếm 14 cents/giờ. Người phát ngôn của Nike, Donna Gibbs, cho rằng
điều này không đúng sự thật. Theo Gibbs, mỗi công nhân trung bình kiếm được
240.000 đồng rupi (khoảng 103 USD) mỗi tháng, làm việc tối đa 54 tiếng/tuần,
tính ra khoảng 45 cents/giờ. Hơn nữa, Gibbs cho biết Nike còn cử nhân viên của
mình đến các nhà máy để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật địa phương về lao động
trẻ em và mức lương tối thiểu.
Một trường hợp
khác chỉ trích Nike được lấy từ bài viết của Global Exchange như sau:
Suốt thập niên 1970, hầu hết giày Nike được sản xuất tại Nam Triều Tiên và
Đài Loan. Khi công nhân ở đó giành được quyền tự do tổ chức, lương của họ bắt
đầu được cải thiện, Nike đã tìm kiếm “những cánh đồng xanh ngát hơn”. Họ tìm ra
Indonesia và Trung Quốc và bắt đầu sản xuất tại đó vào thập niên 1980, và gần
đây là tại Việt Nam. Đa số giày Nike được sản xuất tại Indonesia và Trung Quốc,
những quốc gia còn ngăn cấm hoạt động của các hiệp hội độc lập và ấn định mức
lương tối thiểu tương đối thấp. Chính phủ Indonesia thừa nhận lương tối thiểu
chưa đủ để đáp ứng nhu cầu căn cản của một người dân, nói chi đến cả gia đình
họ. Vào đầu năm 1997, mức lương khởi điểm rất ít ỏi chỉ 2,46 USD/ngày. Các nhóm
lao động ước tính mức lương đủ để trang trải cuộc sống phải vào khoảng 4
USD/ngày.
Tại Việt Nam, mức lương trả thậm chí còn thấp hơn – chỉ 20 cents/giờ, khoảng
1,6 USD/ngày. Nhưng tại khu vực thành thị Việt Nam, chi phí cho ba bữa ăn đơn
giản khoảng 2,1 USD/ngày, ngoài ra còn các chi phí thuê nhà, đi lại, quần áo,
chăm sóc sức khỏe…. Theo Tổ chức Quan sát Lao động Việt Nam cho biết, thu nhập
đủ sống tại Việt Nam ít nhất là 3 USD/ngày.
Một tình huống
khác phản đối Nike là vào tháng 9/1997, Global Exchange công bố một bản báo cáo
về điều kiện làm việc của bốn nhà máy gia công sản xuất của Nike và Reebok ở
miền Nam Trung Quốc. Global Exchange, phối hợp với hai tổ chức nhân quyền của
Hồng Kông, đã thực hiện phỏng vấn công nhân tại các nhà máy vào năm 1995 và một
lần nữa vào năm 1997. Theo Global Exchange, tại một nhà máy mà chủ sở hữu là
người Hàn Quốc nhận gia công sản phẩm Nike, những công nhân trẻ chỉ mới 13 tuổi,
thu nhập 10 cents/giờ, làm việc vất vả 17 tiếng/ngày, và luôn phải phải giữ yên
lặng. Theo bản báo cáo, nhà máy không cho phép công nhân nói chuyện trong lúc
làm việc, người nào vi phạm bị phạt từ 1,2 đến 3,6 USD. Nhà máy đã vi phạm luật
lao động Trung Quốc, quy định cấm trẻ em dưới 16 tuổi làm việc và mức lương tối
thiểu là 1,9 USD cho một ngày làm việc tám tiếng. Nike lên án bản báo cáo sai
sự thật vì đã đưa thông tin không chính xác về mức lương công nhân và những lời
cáo buộc vô trách nhiệm.
Tuy nhiên, Global
Exchange vẫn tiếp tục những đòn công kích mạnh về phía Nike. Vào tháng 11/1997,
tổ chức này đã công bố một bản báo cáo mật do công ty kiểm toán Ernst &
Young thực hiện theo ủy nhiệm của Nike về nhà máy gia công của Nike tại Việt
Nam. Nhà máy có 9.200 công nhân và sản xuất 400.000 đôi giày mỗi tháng. Bản báo
cáo của Ernst & Young mô tả một bức tranh lao động ảm đạm của hàng ngàn lao
động nữ trẻ, hầu hết dưới 25 tuổi, làm việc 10,5 giờ/ngày, sáu ngày mỗi tuần,
trong nhiệt độ nóng bức, đầy tiếng ồn và môi trường không khí ô nhiễm chỉ để
kiếm được 10 USD/tuần. Bản báo cáo còn cho biết những công nhân gặp phải vấn đề
về da và hô hấp đã không được chuyển sang những bộ phận miễn tiếp xúc với hóa
chất khác để làm việc, và hơn một nửa số công nhân phải tiếp xúc với các hóa
chất nguy hiểm mà không được trang bị mặt nạ và bao tay bảo vệ. Bài viết phản
ánh công nhân một số nơi tại nhà máy làm việc trong môi trường tiếp xúc với các
hóa chất có nguy cơ gây ung thư vượt quá mức cho phép 177 lần và 77% số công nhân
gặp phải những vấn đề về hô hấp.
Một lần nữa để tự
vệ, Nike triệu tập một cuộc họp báo và hành động trên cơ sở những vấn đề bản
báo cáo đưa ra. Công ty cho biết họ đã triển khai một kế hoạch hành động nhằm
giải quyết những vấn đề bản báo cáo đề cập, và đã cắt giảm việc tăng ca, cải
thiện điều kiện làm việc an toàn, giảm thiểu mức độ sử dụng hóa chất độc hại.
Công ty cũng nhấn mạnh rằng bản báo cáo đã cho thấy hệ thống kiểm soát nội bộ
đã hoạt động tốt. Theo một đại diện phát ngôn cho biết, ”Điều này cho thấy hệ thống giám sát của chúng tôi hiệu quả…. Chúng tôi
đã sớm phát hiện ra những bất cập này, và chúng tôi đã nhanh chóng điều chỉnh.”
NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA NIKE
Qua nhiều năm,
Nike triển khai một số chiến lược và chiến thuật nhằm giải quyết những vấn đề liên
quan đến điều kiện làm việc và trả lương tại những nhà máy gia công. Năm 1996,
Nike thuê một Đại sứ người Mỹ đến Liên Hợp Quốc và cựu thành viên Hội đồng Thị
trưởng Atlanta, Andrew Young để đánh giá điều kiện làm việc tại các nhà máy gia
công trên toàn cầu. Sau khi hoàn tất chuyến công tác hai tuần điều tra 15 nhà
máy ở ba quốc gia, Young công bố một bản báo cáo về Nike vào giữa năm 1997. Ông
cho biết Nike đang thực hiện rất tốt việc đãi ngộ công nhân mặc dù họ còn có
thể làm tốt hơn nữa. Theo Young, ông đã không thấy
những nhà máy gia công bóc lột hay điều kiện làm việc khắc nghiệt… Tôi đã
thấy những nhà trọ đông đúc công nhân… nhưng các công nhân đã có ít nhất hai
bữa ăn cho một ngày làm việc và tôi cũng nghe nói rằng họ kiếm được mức lương
đủ sống.
Young bị chỉ
trích mạnh mẽ bởi những nhóm lao động và nhân quyền vì đã không mang theo người
phiên dịch riêng của mình và thực hiện những cuộc điều tra rẻ tiền, điều mà ông
luôn phủ nhận.
Năm 1996, Nike
tham gia vào một lực lượng do chính phủ thiết kế nhằm tìm ra giải pháp dẹp bỏ
tình trạng những nhà máy gia công bóc lột trong ngành công nghiệp giày và may
mặc. Lực lượng bao gồm những công ty đầu ngành điển hình như Nike, đại diện từ
các tổ chức nhân quyền, và những người đứng đầu các tổ chức lao động. Vào tháng
4/1997, lực lượng công bố một thỏa thuận về quyền của người lao động mà các
công ty Mỹ có thể chấp nhận khi sản xuất ở nước ngoài. Giới hạn số giờ làm việc
trong tuần tối đa 60 giờ và buộc phải thực hiện việc trả lương ít nhất bằng mức
lương tối thiểu theo quy định của nước sở tại ở các nhà máy nước ngoài. Lực
lượng cũng đồng ý thành lập một hiệp hội quản lý độc lập - về sau lấy tên là
Hiệp hội Lao động Công bằng (FLA) - để đánh giá liệu các công ty có tuân thủ
những quy định hay không.
FLA hiện bao gồm
những thành viên gồm Ủy ban Luật sư về Nhân quyền, Hội đồng Nhà thờ Quốc gia,
Quỹ Quyền Lao động Quốc tế, và khoảng 135 trường đại học (những trường có cam
kết sử dụng rộng rãi những đồng phục thể thao của những công ty như Nike), và
những công ty như Nike, Reebok, và Levi Strauss.
Vào đầu năm 1997,
Nike cũng đã bắt đầu ủy quyền cho các tổ chức độc lập như Ernst & Young để
thanh tra những nhà máy gia công của mình. Tháng 9/1997, Nike cố gắng chứng tỏ
sự nghiêm khắc của mình hơn là một hoạt động quan hệ công chúng khi chấm dứt
cộng tác với bốn nhà máy gia công ở Indonexia. Nike tuyên bố rằng những phân
xưởng này đã từ chối đáp ứng những tiêu chuẩn mà công ty đề ra về vấn đề trả
lương và điều kiện làm việc. Nike xác định một trong những nhà máy gia công, Seyon,
đang sản xuất loại găng tay thể thao đặc biệt cho Nike, đã từ chối tăng 10,7%
mức lương hàng tháng lên 70,3 USD theo tuyên bố của chính phủ Indonexia vào
tháng 4/1997.
Ngày 12/5/1998,
trong một bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, Phil Knight đã chỉ rõ
chi tiết những hoạt động được khởi xướng nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho
500.000 lao động gia công các sản phẩm cho Nike. Trong số những hoạt động khởi
xướng này, Nike nhấn mạnh những điểm sau:
- Chúng
tôi điều chỉnh độ tuổi lao động tối thiểu phù hợp theo quy định của ILO (Tổ
chức Lao động Quốc tế) từ 15 tuổi (tại hầu hết các nước) và 14 tuổi (tại các
nước đang phát triển) lên 18 tuổi cho công việc sản xuất giày và 16 tuổi cho
các công việc sản xuất khác (may mặc, phụ kiện và trang thiết bị).
- Suốt 13
tháng qua chúng tôi đã thanh tra 100% nhà máy nơi Nike ký hợp đồng. Việc kiểm
tra được thực hiện mỗi năm bởi các nhóm thuộc PricewaterhouseCoppers, những
người được huấn luyện đặc biệt về Bản quy ước đạo đức kinh doanh và quy trình
giám sát/thanh tra của chúng tôi. Tính đến nay họ đã thực hiện khoảng 300 cuộc
thanh tra. Trong một số trường hợp tại các nhà máy may mặc, họ phát hiện ra
những công nhân dưới tuổi lao động quy định. Các nhà máy đó được yêu cầu phải
nâng độ tuổi lao động lên 17 và phải xuất trình ba giấy xác minh độ tuổi, và
tăng gấp đôi nỗ lực để đảm bảo các công nhân đáp ứng được những tiêu chuẩn đó
thông qua các cuộc phỏng vấn và kiểm tra ghi chép.
- Mục
tiêu của chúng tôi là bảo đảm cho người lao động toàn cầu được bảo vệ thông qua
việc yêu cầu các nhà máy không được phép để công nhân làm việc trong điều kiện
hóa chất vượt quá hạn mức cho phép theo tiêu chuẩn chất lượng không khí trong
nhà của OSHA.
Các tờ báo thương
mại đã tán dương những bước đi này, nhưng các đối thủ dài hạn của Nike trong
các cuộc tranh cãi về việc sử dụng lao động nước ngoài thì phản ứng lại một
cách đầy nghi ngờ. Trong khi thừa nhận những chính sách của Nike đã được cải
thiện, thì một bài viết đăng trên New
York Times chỉ trích Nike như sau
Những hoạt động khởi xướng của Knight về vấn đề lao động trẻ em chỉ là bức
bình phong giả tạo. Lao động trẻ em không phải là vấn đề lớn nhất của Nike và
Philip Knight là người hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng quan hệ công chúng chỉ để thu
hút mối quan tâm của công chúng. Vì thế ông ta tuyên bố rằng sẽ không để các
nhà máy che giấu việc có trẻ con làm việc, và bỗng nhiên phát biểu đó trở thành
tiêu đề của các bài báo.
Knight giống như
một người đánh bạc vậy. Bạn phải để mắt tới ông ta mọi lúc.
Vấn đề lớn nhất của Nike là tình trạng công nhân nước
ngoài nghèo khổ, thu nhập không đủ sống. Điểm cốt lõi không phải việc độ tuổi
lao động cần được nâng lên, mà là mức lương tối thiểu. Hầu hết công nhân tại
các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam kiếm được chưa đến 2 USD/ngày, rất thấp so
với mức sống tại đây. Ở Indonesia, mức lương còn dưới 1 USD/ngày.
Chiến lược hiện tại của công ty là một mặt cải thiện hình
ảnh công ty trong mắt công chúng, mặt khác hạn chế càng nhiều quyền lợi của
công nhân càng tốt. Có ai nghĩ rằng việc Nike thiết lập các nhà máy tại những
nơi nhân quyền bị xem nhẹ, việc tổ chức lao động bị xem như một hoạt động tội
ác và việc bóc lột nặng nề công nhân luôn sẵn sáng, thậm chí được khuyến khích
là một sự ngẫu nhiên?
Những chỉ
trích khác nghi ngờ độ tin cậy của các nhóm thanh tra của Nike, PricewaterhouseCoppes
(PwC). Dara O’Rourke, một phó giáo sư tại MIT, cùng đi với các nhóm thanh tra
PwC đến thăm một số nhà máy tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Ông kết luận
rằng mặc dù các nhóm thanh tra phát hiện ra những vi phạm nhỏ về luật lao động
và bản quy ước đạo đức kinh doanh, nhưng họ lại bỏ qua các vấn đề lao động
nghiêm trọng như môi trường làm việc độc hại, vi phạm quy định về tăng ca và
tiền lương. Theo O’Rourke, tình trạng này là do các nhóm thanh tra được đào tạo
hạn chế, và phụ thuộc vào dữ liệu của những nhà quản lý tại các nhà máy, và các
cuộc phỏng vấn với công nhân đều được sắp đặt sẵn. Mặt khác, các nhóm thanh tra
chỉ thấy được một bức tranh không hoàn chỉnh và thiếu trung thực về điều kiện làm
việc tại các nhà máy.
NHỮNG TRANH CÃI VẪN TIẾP DIỄN.
Những phong
trào chỉ trích Nike vẫn tiếp tục sau bài phát biểu tháng 5/1998 của Phil Knight,
một làn sóng phản đối chống lại Nike đã diễn tại nhiều trường đại học bắt đầu
từ năm 1998 và tiếp diễn đến năm 2001. Lực lượng đứng sau nhóm phản đối là Hiệp
hội Sinh viên Chống lại những Nhà máy gia công bóc lột (USAS). USAS chỉ rõ Hiệp
hội Lao động Công bằng (FLA), hoạt động bảo vệ các nhà máy nước ngoài, thực
chất chỉ là một công cụ của ngành công nghiệp, và không phải là một tổ chức thanh
tra độc lập thật sự đối với các nhà máy này. USAS đã thành lập một tổ chức
thanh tra độc lập khác thay thế, có tên là Tổ Chức Quyền Công Nhân (WRC), chịu
trách nhiệm thanh tra các nhà máy gia công sản phẩm Nike cung cấp cho các chương
trình thuộc các trường đại học (Nike là một nhà cung cấp số lượng lớn cho các
chương trình này). WRC được tài trợ bởi các liên đoàn lao động và từ chối hợp
tác với những công ty để chứng tỏ sự độc lập trong hoạt động của mình.
Giữa năm
2000, WRC đã thuyết phục được khoảng 48 trường đại học tham gia vào WRC, bao gồm
chín trường đại học thuộc hệ thống trường đại học của California, đại học
Michigan và đại học Oregon, nơi mà Phil Knight trước đây từng theo học. Khi Knight
biết tin trường đại học Oregon cũng tham gia WRC, cũng như chống đối FLA, ông
liền rút lại kế hoạch tài trợ 30 triệu USD cho trường. Mặc cho sự phản đối của Knight,
tháng 11/2000 một trường đại học lớn ở phía Tây Bắc, đại học Washington, cũng
tuyên bố gia nhập WRC mặc dù nó vẫn là thành viên của FLA.
Nike tiếp
tục đẩy mạnh các hoạt động khởi xướng của mình, cập nhật sự tiến triển trên
trang web của công ty. Vào tháng 4/2000, đáp lại lời cáo buộc về việc đang che
dấu các điều kiện làm việc, Nike tuyên bố sẽ đưa ra các bản báo cáo đầy đủ của
tất cả các nhóm thanh tra độc lập về các nhà máy gia công của mình. Global
Exchange tiếp tục chỉ trích Nike vào giữa năm 2001 vì công ty đã không làm theo
những cam kết năm 1998 của Phil Knight, và cho rằng chính sự dọa dẫm đã khiến
các công nhân rụt rè không dám nói ra sự thật về việc bóc lột.
Chúng tôi hiện đang nhận Bảo trì, Sửa chữa máy ép cao tần cho các xưởng gia công của Nike tại Việt Nam.
Trả lờiXóa