Những công ty dược phương Tây và đại dịch AIDS tại Nam
Phi
Vào tháng 12/1997,
chính phủ Nam Phi đã thông qua một điều luật cho phép thực thi hai chính sách
gây nhiều tranh cãi. Một là, việc nhập khẩu song song, cho phép những nhà nhập
khẩu Nam Phi được mua các loại thuốc từ nguồn rẻ nhất sẵn có, bất kể những người
giữ bản quyền có cho phép hay không. Nam Phi đã khẳng định quyền nhập khẩu “những
phiên bản giá rẻ” của các loại thuốc có bản quyền. Chính phủ làm điều này bởi
họ không đủ khả năng để chi trả cho các loại thuốc có bản quyền giá cao. Hai
là, việc cấp phép bắt buộc, cho phép chính phủ Nam Phi cấp phép cho các công ty
nội địa sản xuất những phiên bản giá rẻ của các loại thuốc mà các công ty nước ngoài
đang giữ bản quyền, bất kể họ có đồng ý hay không.
Điều luật này
dường như đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu, bao gồm một
thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới về bản quyền mà Nam Phi đã tham gia
kí kết. Tuy nhiên, Nam Phi khẳng định sự cần thiết phải ban hành điều luật này
vì tình trạng khủng hoảng y tế tại nước này và chi phí cho các loại thuốc có
bản quyền quá cao. Tính đến năm 1997, Nam Phi đang lâm vào một cuộc khủng hoảng
AIDS trên quy mô lớn. Ước tính cứ 45 triệu người Nam Phi thì có 3 triệu người
bị nhiễm AIDS, nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác. Tuy nhiên, mặc dù đại dịch
AIDS được xem là nguyên nhân chính của việc ban hành điều luật mới này tại Nam
Phi, nhưng bản thân điều luật này lại được áp dụng cho tất cả “các bệnh truyền
nhiễm” (AIDS chỉ là một trong số đó, nhưng có sức hủy hoại kinh khủng).
Các nhà sản xuất
thuốc nước ngoài nhận thấy điều luật này đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của
họ, và 39 công ty nước ngoài nhanh chóng đâm đơn kiện nhằm ngăn chặn việc thực
thi điều luật này. Các nhà sản xuất thuốc đặc biệt lưu ý đến việc áp dụng của
điều luật cho tất cả “các bệnh truyền nhiễm”. Họ e rằng Nam Phi sẽ khởi đầu cho
những tổn thất nghiêm trọng hơn sau đó, vì nếu điều luật này được phép tồn tại
thì các quốc gia khác cũng sẽ làm theo. Nhiều công ty phương Tây cũng lo ngại
nếu những nước nghèo như Nam Phi được phép mua những phiên bản giá rẻ của các
loại thuốc có bản quyền như vậy thì người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu cũng sẽ
sớm đòi hỏi việc tương tự.
Để bảo vệ bản
quyền của mình, các công ty dược chỉ rõ việc phát triển thuốc là rất tốn kém, mất
nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro trong quá trình nghiên cứu, vì thế họ cần sự
bảo vệ của luật sở hữu trí tuệ để duy trì việc tưởng thưởng qua đó thúc đẩy sự
đổi mới. Phải mất đến 800 triệu USD và 12 năm để phát triển một loại thuốc và bán
ra thị trường. Chỉ 1/5 trong số các loại thuốc đưa vào thử nghiệm thành công,
số còn lại thất bại vì hiệu quả kém hay những phản ứng phụ, và chỉ 1/3 trong số
đó mang lại lợi nhuận. Nếu các công ty dược không thể bán giá cao cho một vài
sản phẩm thành công này thì quá trình phát triển thuốc sẽ chấm dứt.
Các công ty dược
từ lâu đã nhận ra các quốc gia như Nam Phi phải đối diện với những thách thức y
tế đặc biệt và không thể trả tiền thuốc theo giá thuốc như tại các nước đã phát
triển. Do vậy, họ đã từng định giá thuốc thấp hoặc phát miễn phí cho những nước
đang phát triển. Ví dụ, nhiều loại thuốc trị bệnh AIDS đã được bán với mức
chiết khấu lớn cho các nước đang phát triển so với tại Mỹ. Chính phủ Nam Phi
cho rằng việc làm này chưa đủ hiệu quả. Chính phủ nhanh chóng được các tổ chức
nhân quyền và các tổ chức về AIDS ủng hộ trong vụ kiện của những công ty dược
đa quốc gia phương Tây giàu sụ muốn duy trì quyền sở hữu trí tuệ, trong khi
đang nỗ lực vô vọng tìm cách ngăn chặn căn bệnh chết người này. Về phần mình,
các công ty dược khẳng định vụ kiện này không hướng nhiều đến bệnh AIDS mà chỉ
thực sự phản đối việc Nam Phi phá vỡ luật pháp quốc tế.
Trong khi pháp
luật quốc tế đứng về phía các công ty dược thì họ vấp phải sự phản ứng gay gắt
từ phía công chúng. Sau làn sóng dư luận tiêu cực cũng như không nhận được
nhiều sự ủng hộ từ các chính phủ phương Tây, vốn không mặn mà với những va chạm
chính trị “nhạy cảm”, một số nhà sản xuất thuốc trị bệnh AIDS hàng đầu, trong
khi vẫn phản đối điều luật của Nam Phi, đã bắt đầu thay đổi chính sách của họ.
Vào tháng 5/2000, năm nhà sản xuất thuốc trị bệnh AIDS lớn - Merck,
Bristol-Myers Squibb, Roche, Glaxo, và Boehringer Ingelhiem - tuyên bố rằng họ
sẽ thương lượng bán thuốc trị bệnh AIDS với giá thấp hơn tại những nước đang
phát triển, đầu tiên tại vùng Saharan châu Phi (có khoảng 25 triệu trong số 36
triệu người đã bị nhiễm virút HIV tại khu vực này vào năm 2000). Tuy nhiên làn
sóng phản đối vẫn tiếp diễn.
Vào tháng 2/2001,
một công ty dược Ấn Độ, Cipla, chào bán một hỗn hợp 3 loại thuốc trị bệnh AIDS
cho các nước nghèo ở châu Phi với mức giá 600 USD/ năm cho một bệnh nhân, và
350 USD cho Tổ chức các Bác sĩ không Biên giới (thông thường bệnh AIDS được
điều trị với một hỗn hợp kết hợp 10 loại thuốc kháng virút khác nhau). Bản
quyền của các loại thuốc này được sở hữu bởi những công ty phương Tây, nhưng
luật Ấn Độ cho phép các công ty nội địa sản xuất những phiên bản giá rẻ của các
loại thuốc có bản quyền.
Tuyên bố của
Cipla dường như đã tác động mạnh đến những công ty dược phương Tây. Vào tháng 3/2001,
Merck thông báo họ sẽ giảm giá hai loại thuốc trị bệnh AIDS, Crixivan và
Stocrin. Crixivan, được bán với giá 6.016 USD/năm tại Mỹ, sẽ được bán chỉ 600 USD/năm
cho các nước đang phát triển. Stocrin, được bán với già 4.730 USD/năm tại Mỹ, sẽ
được bán chỉ 500 USD/năm. Cả hai loại thuốc này được sử dụng chung trong một hỗn
hợp thuốc trị bệnh AIDS. Tổ chức các Bác sĩ không Biên giới, đã đoạt giải Nobel
Hòa bình, hoan nghênh tuyên bố này nhưng vẫn chỉ ra rằng trong một khu vực nơi
mà nhiều người dân chi tiêu chưa đến 1 USD/ngày thì giá thuốc như vậy vẫn còn
vượt ngoài tầm tay của hầu hết các bệnh nhân AIDS.
Vài ngày sau đó,
Bristol-Myers Squibb đưa ra giá thấp hơn, tuyên bố sẽ bán thuốc trị bệnh AIDS
Zerit đến các nước nghèo khổ tại châu Phi với giá chỉ 0,15 USD/ngày hoặc 54 USD/năm
cho một bệnh nhân, thấp hơn chi phí sản xuất Zerit. Tại Mỹ và châu Âu, Zerit đang
được bán cho bệnh nhân với giá 3.589 USD/năm. Bước đi này tiếp theo sau một
tuyên bố từ phòng thí nghiệm Abbott sẽ bán hai trong số các loại thuốc trị bệnh
AIDS với mức giá “không lợi nhuận” tại vùng Saharan châu Phi.
Tuy nhiên, không
có bước đi ở trên nào đủ sức xoa dịu làn sóng chỉ trích. Vào tháng 4/2001, các
công ty dược dường như đầu hàng trong cuộc chiến với công chúng và họ đồng ý
ngừng vụ kiện chống lại chính phủ Nam Phi. Điều này mở ra hướng đi cho Nam Phi trong
việc bắt đầu nhập khẩu những phiên bản giá rẻ của các loại thuốc có bản quyền
từ các nhà sản xuất như Cipla của Ấn Độ. Quyết định ngừng vụ kiện được giới
truyền thông lan tin rộng rãi như một thất bại của các công ty dược và một sự
khẳng định khả năng của Nam Phi trong việc bắt buộc cấp phép. Cùng lúc đó, các
công ty dược cũng có được sự đảm bảo của Nam Phi rằng những phiên bản giá rẻ
của các loại thuốc có bản quyền sẽ chỉ được bán tại vùng Saharan châu Phi và
không được xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới.
Vào năm 2003, Aspen
Pharmaceuticals, một công ty dược Nam Phi, đã tận dụng điều luật năm 1997 để
giới thiệu một phiên bản giá rẻ của Stavudine, và công ty yêu cầu chính quyền
Nam Phi cho phép sản xuất thêm sáu loại thuốc trị bệnh AIDS khác nữa. Aspen đã được
cấp phép để sản xuất loại thuốc này và một số loại thuốc khác từ Bristol-Myers
Squibb và Glaxo, một công ty dược lớn của Anh. Bristol và Glaxo thu tiền tính
trên phần trăm doanh số bán thuốc tại khu vực Saharan châu Phi, và cho biết
Aspen chỉ có thể bán thuốc trong khu vực Saharan châu Phi.
Mặc cho những
bước đi này, những cuộc chỉ trích vẫn buộc các công ty dược phương Tây phải hành
động nhiều hơn để chống lại đại dịch AIDS toàn cầu, tính đến năm 2006 đã có 40
triệu người nhiễm bệnh. Trong một bài báo đăng trên New York Times, Larry Kramer, một biên tập viên và là một nhà hoạt
động AIDS, cho biết
Đây là lúc mỗi nhà sản xuất thuốc trị HIV đóng góp bản quyền hoặc phát
thuốc miễn phí để cứu tế những người khốn khổ…. Tôi tin rằng sẽ là độc ác nếu
những công ty dược sở hữu những phương tiện cứu sống mạng người lại ích kỉ
không cung cấp chúng đến tay những người tuyệt vọng đang cần nó. Chúng ta sẽ
trở thành loại người tàn ác thế nào? Đã đến lúc gạt bỏ đi những suy nghĩ ích kỷ
về việc các công ty dược có quyền không chia sẻ bản quyền.
Trong lúc này tại
Nam Phi, đại dịch AIDS vẫn không ngừng hoành hành. Đến năm 2006, cứ một trong
số chín người tại Nam Phi, hoặc 5,5 triệu người, đã bị nhiễm HIV, và 800 người
chết mỗi ngày vì những bệnh do AIDS gây ra. Năm 2003, chính phủ Nam Phi cam kết
cung cấp thuốc giá rẻ hoặc miễn phí cho những bệnh nhân AIDS. Bằng việc hợp tác
với các công ty dược như Aspen và ba nhà sản xuất thuốc giá rẻ của Ấn Độ, chính
phủ có thể mua hỗn hợp thuốc trị HIV với giá 65 USD/tháng cho một bệnh nhân.
Tuy nhiên, tính đến năm 2006 chỉ có 250.000 người nhận được thuốc, trong khi có
ít nhất 700.000 người đang rất cần thuốc. Vấn đề dường như nằm ở khâu phân phối
và đặc biệt là sự thiếu thốn những phương tiện chăm sóc y tế, bác sĩ và y tá.
Các nhà dự báo cho biết sẽ còn rất lâu mới có những thuốc trị bệnh AIDS giá rẻ
sẵn sàng phục vụ cho tất cả những bệnh nhân đang cần chúng tại Nam Phi.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét