BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Trung Quốc - rủi ro chờ đợi

Trung Quốc - rủi ro chờ đợi
Đầu tuần này, giới đầu tư quốc tế chăm chú theo dõi hai sự kiện diễn ra tại Trung Quốc được coi là nói lên nhiều điều về môi trường kinh doanh của nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới này.
Cuối ngày thứ Hai 22/3/2010, tập đoàn Internet Google (Mỹ) công bố quyết định đóng trang web Google.cn và chuyển mọi yêu cầu tìm kiếm tại địa chỉ này sang trang web Google.com.hk đặt tại Hồng Kông, chính thức rút ra khỏi Trung Quốc đại lục. Cũng trong ngày này, phiên tòa xét xử 4 nhân viên của tập đoàn khoáng sản Rio Tinto (Anh-Úc) khai mạc tại Thượng Hải.
Google bắt đầu thâm nhập thị trường Internet Trung Quốc năm 2006 bằng việc mở trang web Google.cn và các dịch vụ đi kèm. Để được làm ăn tại Trung Quốc, Google phải kiểm duyệt kết quả tìm kiếm trực tuyến của người sử dụng, không cho hiển thị những thông tin mà chính phủ nước này coi là nhạy cảm. Hành vi tự kiểm duyệt của Google bị lên án nặng nề tại các nước phương Tây và nhất là tại Mỹ, nơi tập đoàn đặt đại bản doanh.
Cuối năm 2009 vừa qua, một số tin tặc được coi là xuất phát từ Trung Quốc, đã tấn công hệ thống của Google, đánh cắp mã nguồn và dữ liệu nhân thân của một số nhà bất đồng chính kiến với Chính phủ Trung Quốc. Đáp lại vụ này, ngày 12/01/2010, Google tuyên bố sẽ thương lượng với chính quyền theo hướng hoặc Google không tiếp tục kiểm duyệt kết quả tìm kiếm nữa, hoặc sẽ đóng cửa trang web Google.cn.
Cuộc thương lượng kéo dài hai tháng giữa Google với nhà cầm quyền Trung Quốc đã hoàn toàn bế tắc và sự ra đi của tập đoàn Internet hàng đầu thế giới này là điều hiển nhiên.
Tuyên bố ngày 12/01/2010 về việc ra đi của Google lúc đầu gây sốc cho cộng đồng Internet toàn cầu, nhưng dần dần có những dữ kiện cho thấy Google đã rơi vào một cái bẫy mà chính quyền Trung Quốc giăng sẵn để hất cẳng những tập đoàn công nghệ nước ngoài và giành thị trường cho các doanh nghiệp trong nước khi điều kiện chín muồi.
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp Internet nội địa, theo đó công ty nước ngoài không được cấp giấy phép ICP (cung cấp nội dung trên Internet) mà phải liên doanh với doanh nghiệp địa phương, sự kiểm duyệt ngày càng chặt chẽ, kể cả việc phát động các chiến dịch bài xích trên báo chí… Trung Quốc đã có một số doanh nghiệp công nghệ mạnh, chiếm thị phần vượt trội so với doanh nghiệp nước ngoài.
Ví dụ, Trung Quốc có Baidu Inc. cạnh tranh với Google, Taobao cạnh tranh với EBay, Renren thay cho Facebook, QQ cạnh tranh với MSN của Microsoft... Các doanh nghiệp Trung Quốc còn rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu công nghệ nước ngoài và cải biến chúng cho phù hợp với đặc điểm văn hóa và thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Giá cổ phiếu của các công ty này thậm chí còn tăng nhanh hơn các tập đoàn quốc tế.
Quyết định rút ra khỏi Trung Quốc của Google đã vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc, chẳng hạn như Baidu, độc chiếm thị trường. Từ nay các doanh nghiệp, nhà quảng cáo và người sử dụng Trung Quốc không còn có lựa chọn nào khác. Việc các doanh nghiệp Internet nội địa độc chiếm thị trường vừa có thể giúp Trung Quốc xây dựng cái mà giới công nghệ gọi là “Internet với đặc điểm Trung Quốc - ChInternet (China + Internet)”, vừa tạo điều kiện thuận lợi để nhà cầm quyền định hướng luồng thông tin trực tuyến, quyết định những gì mà người dân được biết hay không được biết.
* * *
Vụ xét xử các nhân viên của tập đoàn Rio Tinto lại hé lộ một khía cạnh khác: chính quyền Trung Quốc sẵn sàng dùng mọi biện pháp, kể cả tòa án, để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước, mà trong trường hợp này là tập đoàn khoáng sản quốc doanh Chinalco.
Bốn nhân viên Stern Hu, Wang Yong, Ge Minqiang và Liu Caikui thuộc văn phòng Rio Tinto tại Thượng Hải - trong đó Stern Hu mang quốc tịch Úc và là giám đốc văn phòng - bị bắt giam từ tháng 7/2009 với cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia.
Vụ bắt bớ này xảy ra cùng thời gian và được coi là hành động trả đũa việc Rio Tinto - tập đoàn chính cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm của Chinalco - bác bỏ một thỏa thuận đã ký cho phép Chinalco đầu tư 19,5 tỷ USD để tăng gấp đôi số cổ phần của Chinalco trong Rio Tinto từ 9% lên 18%. Dù Rio Tinto đã phải bồi thường 195 triệu USD cho việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng, phía Trung Quốc vẫn coi đây là một sự bội tín không chấp nhận được, nhất là trong lúc nước này đang tìm mọi cách thủ đắc các nguồn tài nguyên chiến lược trên khắp thế giới.
Thời điểm đó, cuộc thương thảo giữa Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) với ba nhà cung cấp hàng đầu thế giới là Rio Tinto, BHP Billiton (Úc) và Vale SA (Brazil) về giá quặng sắt năm 2009 rơi vào bế tắc. Các nhà cung cấp này đã thỏa thuận với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc khung giá quặng sắt năm 2009 sẽ giảm 33% so với giá năm 2008 song các nhà thương lượng của Trung Quốc yêu cầu phải giảm giá nhiều hơn. Hai bên không đạt được thỏa thuận và thương lượng bị đổ vỡ.
Trung Quốc cho rằng, văn phòng Rio Tinto tại Thượng Hải đã thu thập và cung cấp cho tập đoàn những thông tin bí mật về các mỏ quặng ở Trung Quốc, nhu cầu và sản lượng của các nhà máy thép, tạo điều kiện cho Rio Tinto ép giá. Vụ bắt bớ đã làm rúng động cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra trong một thời gian dài.
Nhưng vụ bắt giữ nhân viên của Rio Tinto không làm thay đổi được thiệt hại, các nhà máy Trung Quốc phải mua quặng theo giá giao ngay, cao hơn nhiều lần so với giá hợp đồng. Tình hình giá cả năm nay càng căng thẳng hơn. Căn cứ vào nhu cầu quặng sắt tăng cao - nhất là tại Trung Quốc, năm nay tập đoàn Vale SA đã đề nghị tăng giá 90% so với giá năm 2009 và chắc chắn rằng BHP Billiton và Rio Tinto sẽ tăng theo. CISA và 11 nhà máy thép lớn nhất Trung Quốc thậm chí còn gửi thư cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc can thiệp vào tiến trình thương lượng giá quặng sắt.
Tại phiên xử đầu tuần này, tội danh của các bị cáo đã được giảm từ tội đánh cắp bí mật quốc gia xuống tội hối lộ và gián điệp thương mại. Phiên xử kéo dài ba ngày không cho báo chí nước ngoài tham dự và ngay cả Tổng lãnh sự Úc tại Thượng Hải cũng chỉ được dự một phần.
Theo Reuters, vụ xử này cho thấy những rủi ro mà nhà đầu tư dễ dàng gặp phải khi làm ăn ở một nước có thị trường khổng lồ nhưng cũng có sự câu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp quốc doanh, chính quyền, cảnh sát và tòa án. Còn theo ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, vụ án này là “phép thử trạng thái của hệ thống tư pháp non trẻ của Trung Quốc. Tính minh bạch là vấn đề.”
* * *
Về vụ Rio Tinto, chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh rằng vụ xử sẽ diễn ra theo đúng pháp luật và quyền lợi của các bị cáo được đảm bảo đầy đủ. Về sự ra đi của Google, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, nói rằng: “Hành động đó không xói mòn được môi trường đầu tư của Trung Quốc, cũng không xói mòn được hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Mỹ, tại Trung Quốc.”
Tuy nhiên, những nhận định như vậy có thể là quá sớm. Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện đầu năm 2010 với 203 doanh nghiệp nước ngoài cho thấy số doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy “bị hắt hủi” ở Trung Quốc đã tăng từ 26% lên 38% chỉ trong vài tháng qua. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó, theo các doanh nghiệp này, nổi bật là các chính sách ưu ái cho các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, thúc đẩy công nghệ nội địa, luật pháp không minh bạch và thành kiến của báo chí. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao, có đến 57% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ bị tác động tiêu cực bởi chính sách của nhà nước, 37% bị giảm doanh số do các chính sách ấy.
Thống kê cho thấy trong tháng 2/2010 vừa qua, Trung Quốc chỉ thu hút được 6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, mức thấp nhất trong bảy tháng qua và chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2009 - thời điểm cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra nghiêm trọng nhất.
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét