BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Chiều thứ năm: Hướng tương lai

Chiều thứ năm: Hướng tương lai
Sau khi Giáo sư Hofstede đưa ra bốn chiều văn hóa (Chủ nghĩa cá nhân/ chủ nghĩa tập thể, Khoảng cách quyền lực, Nam tính/ nữ tính, Né tránh bất ổn), Michael Harris Bond và các đồng nghiệp của mình ở Hồng Kông nhận thấy rằng nếu chỉ dựa trên bốn chiều nói trên thì khó lòng đánh giá được sự khác biệt giữa văn hóa châu Âu và châu Á. Họ đã đưa ra chiều thứ năm, chiều mà ban đầu họ gọi là chiều "động lực Khổng Tử" (Confucian dynamism). Giáo sư Hofstede sau đó đã đưa thêm chiều này vào nghiên cứu ban đầu của mình với tên là chiều Hướng tương lai.
Chiều Hướng tương lai mô tả cách nhìn của một xã hội là hướng tương lai, hay sống chỉ hướng vào quá khứ và hiện tại. Trong xã hội hướng tương lai (long-term orientation), người ta sẽ quý trọng sự bền bỉ (hay kiên nhẫn, bền chí), thích tiết kiệm, sắp xếp các mối quan hệ theo thân phận hay đẳng cấp xã hội. Nói cách khác, các cá nhân trong xã hội hướng tương lai luôn lo lắng tương lai của mình sẽ về đâu, họ tiết kiệm chi tiêu để dành dụm cho những lúc trái nắng trở trời hay về già, họ trông đợi việc kiên trì sẽ đem lại thành công trong tương lai. Xã hội Hướng tương lai cũng coi trọng "kết quả cuối cùng" hơn là "sự thật", họ thường lấy kết quả biện hộ cho phương tiện. Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á đạt điểm rất cao về chiều này.
Ngược lại, xã hội hướng hiện tại và quá khứ thường thích hưởng thụ, chưng diện cho bằng bạn bằng bè hơn là dành dụm. Người trong xã hội hướng hiện tại nhấn mạnh vào kết quả tức thời, thay vì trông đợi vào sự kiên nhẫn. Quan hệ xã hội mang tính sòng phẳng, ngang hàng, không phụ thuộc vào thân phận hay đẳng cấp. Họ coi trọng "sự thật" hơn là "kết quả cuối cùng", do đó thường làm điều mà họ cho là đúng tại thời điểm hiện tại, thay vì băn khoăn về kết quả trong tương lai.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét