BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008



Những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008
Bài học thứ nhất: Có phải tính tư lợi luôn luôn đúng?
Adam Smith trong tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia” đã mô tả bằng cách nào mà “tính tư lợi” và “bàn tay vô hình” có thể giúp cho việc phân phối các nguồn tài nguyên khan hiếm trong tự nhiên một cách hiệu quả. Ông cho rằng con người sẽ hành động một cách lí trí với mục đích tối đa hóa lợi ích của mình. Kết quả là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sẽ trở nên hiệu quả và đạt được năng suất cao. Đối với các doanh nghiệp, tính tư lợi cũng tương tự với việc tối đa hóa lợi nhuận và tối đa hóa sự giàu có của cổ đông. Các sinh viên kinh tế được dạy rằng tính tư lợi cộng với thị trường tự do và sự bãi bỏ các quy định sẽ đem đến thịnh vượng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, liệu chúng ta có hiểu đúng khái niệm về tính tư lợi (lợi ích cá nhân) và việc theo đuổi tính tư lợi này có thật sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển?
Robinson (2007) cho rằng 30 năm trước việc theo đuổi lợi ích cá nhân chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến xã hội và Adam Smith thực sự không nên đưa ra học thuyết này. Lợi ích cá nhân thuần túy không được hình thành trên cơ sở một hệ thống đạo đức, nó vốn không phải là cái mà Adam Smith muốn hướng đến. Robinson kết thúc bài nghiên cứu của mình với một lời đề nghị và một lời cảnh báo kèm theo: “Tôi hi vọng rằng mọi người sẽ nhận ra học thuyết của Adam Smith thực sự không tồn tại trong bối cảnh mà các giáo sư đang giảng bài cho các bạn”.
Howard (1997) đã sử dụng cụm từ “thảm kịch của sự tối đa hóa” để miêu tả sự tàn phá của chủ nghĩa tối đa hóa lợi ích cá nhân đem đến. Chủ nghĩa tư bản phi điều tiết với sự ám ảnh bởi tính tư lợi và không quan tâm đế triển vọng dài hạn có thể dẫn đến sự độc quyền, sự phân phối không công bằng trong xã hội, thất nghiệp và các thảm họa môi trường (Pitelis, 2002).
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã cho thấy chuyện gì sẽ xảy ra khi tất cả mọi người chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân. Đi liền với lý thuyết theo đuổi lợi ích cá nhân là niềm tin rằng thị trường tự do không cần sự điều tiết. Trước đây, đã có rất nhiều nhà kinh tế học và các CEO đã ủng hộ cho quan điểm chủ nghĩa tư bản có thể hoạt động tốt với một sự điều chỉnh dù rất nhỏ.
Bài học thứ hai: Thị trường tự do và vai trò điều tiết của chính phủ
Lichtblau (2008) đã cho rằng chính phủ Mỹ đã không làm tốt nhiệm vụ giám sát và điều tiết thị trường chứng khoán. Ông trích dẫn lời của Arthur Levitt, nguyên chủ tịch SEC khi ông này đã thừa nhận: “Một thị trường quá nóng cần một trọng tài mạnh tay để điều chỉnh các hành vi nguy hiểm nhưng Ủy ban vẫn đang đứng bên lề cuộc chơi”.
Sean Coffey, một công tố viên phụ trách việc phát hiện các sai phạm trên TTCK Mỹ, cho rằng “Không chỉ có một sự nới lỏng về tính cưỡng chế mà còn có một sự cắt giảm nhân sự ở SEC”. Coffey khẳng định chính phủ đã đưa ra các luận điệu rằng việc nới lỏng các quy tắc là cần thiết để giúp cho các doanh nghiệp Mỹ có khả năng cạnh tranh trên thế giới. Những vấn đề này bắt đầu khi các ngân hàng đầu tư muốn có một ngoại lệ về hạn mức nợ. Bằng cách tăng nợ, họ sẽ có thêm khả năng để đầu tư vào các chứng khoán phái sinh đang tăng trưởng rất nóng vào lúc đó. SEC đã đồng ý để nới lỏng các điều luật về vốn và cũng quyết định cho phép các ngân hàng đầu tư tự giám sát rủi ro của họ bằng cách sử dụng các mô hình dựa trên các thuật toán khác nhau. Các doanh nghiệp, sau đó đã nhận được những khoản nợ khổng lồ. Đòn bẩy tài chính tại Bear Stearns đã tăng lên 33/1. Điều này làm cho các doanh nghiệp rất rủi ro khi chỉ có 1 đô la vốn chủ sở hữu trên 33 đô la nợ.
Đối với những gì đã diễn ra, James D. Cox nói (Labaton, 2008): “Việc cho phép các doanh nghiệp tự kiểm soát chính họ đã từng có ý nghĩa với tôi vì tôi không nghĩ rằng SEC có đủ nhân lực và tài lực để áp đặt những tiêu chuẩn của mình và tôi đã ngu ngốc khi tin rằng thị trường sẽ đi theo quy luật của riêng mình. Tất cả chúng ta đã học được một bài học thật khủng khiếp”.
Alan Greenspan cuối cùng cũng đã thừa nhận trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 10/2008 rằng ông đã tin quá nhiều vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do và đã không lường trước được sự tự hủy hoại của các khoản vay có thế chấp (Andrews, 2008). Greenspan đã tin tưởng rằng việc bãi bỏ các quy định và để thị trường tự điều chỉnh thì tốt hơn những nhà làm luật. Chính tư tưởng này đã góp phần dẫn đến khủng hoảng tài chính. Ông cũng đã thừa nhận rằng ông đã gây ra một sai lầm và thực sự có một phần trách nhiệm.
Bài học thứ ba: Tổ chức xếp hạng tín nhiệm và rủi ro đạo đức
Có 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard and Poors và Fitch Ratings thì cả ba đều bị buộc tội là quá dễ dãi trong việc xếp hạng các chứng khoán, bao gồm các gói thế chấp chất lượng thấp. Một câu hỏi lớn được đặt ra là những hãng này xếp hạng tín dụng rất tốt (AAA) cho các gói thế chấp trên, đơn thuần là do sự kém cỏi hay họ muốn kiếm thêm tiền. Bằng việc lấy lòng khách hàng, họ sẽ kiếm được nhiều phi vụ cho công ty hơn. Không còn gì để nghi ngờ rằng các hãng này sẽ kiếm được nhiều tiền hơn một cách đáng kể bằng việc cung cấp các xếp hạng tín nhiệm cho các chứng khoán phức tạp thay vì các trái phiếu thông thường. Xếp hạng một gói thế chấp phức tạp trị giá 350 triệu đô la có thể tạo ra khoảng 250 nghìn đô la tiền phí, trong khi xếp hạng một trái phiếu đô thị trị giá tương đương chỉ tạo ra 50 nghìn đô la tiền phí. Morgenson (2008) trích dẫn lời một giám đốc điều hành ở Moody’s: “Những sai lầm này làm cho chúng tôi hoặc có vẻ như thiếu trình độ trong việc phân tích tín dụng hoặc có vẻ như chúng tôi đã bán linh hồn cho quỷ dữ chỉ vì doanh thu, hoặc cả hai”.
Bài học thứ tư: Cơ chế khen thưởng có thể làm tăng rủi ro
Richard Fuld, CEO của Lehman Brothers, đã kiếm được khoảng nửa tỉ đô la trong khoảng từ năm 1993 đến năm 2007. Kristof (2008) chứng minh rằng Fuld đã nhận khoảng 17 nghìn đô la một giờ để hủy hoại một công ty 158 tuổi vững chắc. AIG Financial Products, một văn phòng với 377 nhân viên đặt tại London, đã gần như phá hủy công ty mẹ trị giá hàng nghìn tỉ đô la với khoảng 116.000 nhân viên.
Một trong những vấn đề lớn của nhiều công ty ở Wall Street là việc xác định các khoảng tiền thưởng như thế nào. Các khoản tiền thưởng chiếm một khoảng lớn trong cơ chế lương bổng ở các tập đoàn. Một nhân viên ở Merrill Lynch có thể nhận lương 350 nghìn đô la nhưng tiền thưởng lên tới 35 triệu đô la. Tiền thưởng dựa trên lợi nhuận ngắn hạn và điều này đã bóp méo bản chất và mục đích của việc khuyến khích nhân viên. Nhân viên được khuyến khích nắm giữ rủi ro lớn vì họ bị các khoản tiền thưởng thu hút. Các khoản tiền thưởng dựa trên thu nhập năm đó. Do vậy, hàng tỉ đô la tiền thưởng đã được Merrill Lynch chi ra trong năm 2006 khi lợi nhuận đạt đến 7,5 tỉ đô la. Dĩ nhiên, những khoản lợi nhuận đó chỉ là giá trị ảo do chúng dựa trên những khoản thế chấp độc hại. Sau đó, rất nhiều công ty đã mất gấp ba lần khoản này nhưng các khoản tiền thưởng vẫn không bị hủy bỏ.
Rõ ràng là, các khoản tiền thưởng chỉ dựa trên lợi nhuận một năm riêng biệt nào đó đóng vai trò quan trọng trong sự đổ vỡ của thị trường tài chính. Các công ty đang dần thay đổi chính sách tiền thưởng, theo đó các nhân viên sẽ phải hoàn lại nếu các khoản lợi nhuận không đạt được. Các khoản tiền thưởng được giữ trong các tài khoản có điều kiện do bên thứ ba nắm giữ (escrow accounts) và chỉ được chuyển cho nhân viên khi các khoản lợi nhuận là lợi nhuận thật.
Cohan (2008) cho rằng “tính không hiệu quả và thổi phồng lên của hệ thống khen thưởng ở Wall Street” chính là nguyên nhân mấu chốt sụp đổ thị trường tài chính. Nhiều chính trị gia đã kiểm tra các chính sách khen thưởng để đảm bảo rằng ban quản trị của các công ty đang nhận trợ cấp của chính phủ sẽ không được nhận các khoản tiền thưởng này. Theo Cohan (2008), việc cơ cấu lại chính sách lương thưởng ở Wall Street chưa được quan tâm đúng mức. Ông cho rằng những thay đổi trong hệ thống cũ, nơi những công ty lớn chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty đại chúng cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính này. Khi các công ty này dưới hình thức trách nhiệm hữu hạn, sẽ có một trách nhiệm chung, do đó các công ty sẽ thận trọng hơn. Khi nó trở thành công ty cổ phần với việc phát hành chứng khoán, “những ông chủ ngân hàng và các nhà giao dịch được khuyến khích nắm giữ các rủi ro ngắn hạn bằng tiền của các cổ đông”. Họ không quan tâm các khoản đầu tư ngày càng rủi ro vì tiền thưởng của họ phụ thuộc vào lợi nhuận hàng năm.
Siegel (2009) cho rằng các CEO đáng bị khiển trách nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính. Khi các ngân hàng đầu tư lớn như Lehman Brothers và Bear Sterns là công ty trách nhiệm hữu hạn, họ thận trọng hơn rất nhiều bởi vì họ đang “chơi” với chính tiền của mình. Một khi họ trở thành công ty đại chúng, họ không ngại các khoản rủi ro lớn nữa vì nó không hề đe dọa tài sản cá nhân của họ. Thực tế, họ đang dùng tiền của người khác để làm giàu cho mình.
Suy cho cùng, cơ chế lương thưởng của các công ty ở Wall Street chỉ làm méo mó các chính sách khuyến khích nhân viên mà không hề cải thiện hiệu quả làm việc. Hơn thế nữa, nó còn khuyến khích các công ty nắm giữ rủi ro lớn hơn, là nhân tố cuối cùng phá hủy thị trường tài chính.
Bài học thứ năm: Những mô hình chỉ có giá trị giới hạn
Những mô hình được xây dựng để mô phỏng lại những gì đang xảy ra trong thực tế vì vậy chúng không thể chính xác nếu diễn biến của thị trường quá nhanh và thay đổi đột ngột. Hơn nữa, phần lớn dữ liệu đầu vào của mô hình là những số liệu của quá khứ, trong khi kết quả của mô hình lại được ứng dụng cho hiện tại. Và điều đáng nói nữa là những mô hình do con người tạo ra. Vì vậy, nếu những nhân viên lập trình các mô hình này e ngại về khả năng mất việc của họ thì họ sẽ đưa ra các mô hình theo cách thích hợp và hài lòng nhất cho những nhà quản trị cấp cao.
Như đã nhắc đến ở trên, khi những ngân hàng đầu tư muốn SEC chấp thuận cho họ một ngoại lệ về hạn mức nợ. Bằng cách tăng số lượng nợ, họ sẽ có thể đầu tư vào những chứng khoán phái sinh. SEC đồng ý sự thay đổi này và quyết định cho phép các ngân hàng đầu tư thực hiện quản trị rủi ro bằng cách sử dụng những mô hình máy tính để phân tích rủi ro của những chứng khoán khác nhau (Labaton, 2008). Đã có nhiều ý kiến phản đối điều này, họ cho rằng những mô hình máy tính không thể phát huy tác dụng trong thời kì thị trường đang có những biến động mạnh. Tuy nhiên, tất cả những lời cảnh báo đều đã bị bỏ qua. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét