Việt Nam xuất khẩu điện thoại nhiều hơn dầu thô?
Có sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu.
Theo
báo cáo từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước
tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả
năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so
với năm 2011. Dù giá trị xuất siêu không nhiều, nhưng riêng việc không
phải nhập siêu trong năm nay đã “gánh vác” một phần không nhỏ giúp tốc
độ tăng trưởng kinh tế 2012, vốn đã không được như mong đợi của Việt
Nam, không tụt thêm nữa.
Trong thành tích đó,
tăng trưởng mạnh nhất là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất
siêu đạt 12 tỉ USD và tổng giá trị xuất khẩu đạt 72,3 tỉ USD, tăng đến
31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có khối DN FDI, Việt Nam đã
tiếp tục nhập siêu trong năm nay.
Điểm danh các
mặt hàng xuất khẩu tốt của Việt Nam trong năm nay, có một điểm đáng
mừng là bên cạnh các mặt hàng truyền thống như hàng dệt may, thủy sản,
gạo, cà phê, thì các mặt hàng linh kiện điện tử, máy móc cũng có bước
tăng trưởng nhảy vọt.
Trong đó xuất khẩu điện
thoại, linh kiện tăng tới 98% và đạt 12,6 tỉ USD, chỉ xếp sau mặt hàng
dệt may (15 tỉ USD) và vượt qua cả xuất khẩu dầu thô (8 tỉ USD) trong
năm qua. Xuất khẩu điện tử, máy tính cũng đạt 7,8 tỉ USD tăng 70% so với
năm 2011.
Như
vậy, sự chuyển biến về cán cân xuất – nhập khẩu còn thể hiện trong cơ
cấu các mặt hàng. Từ việc chỉ xuất khẩu tốt các mặt hàng nông sản, chúng
ta đã có bước chuyển dịch sang xuất khẩu cả những sản phẩm công nghệ
cao.
Bước sang năm 2013, xuất khẩu của Việt
Nam lại tiếp tục được kì vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đạt được
mức tăng trưởng 5,5%/năm. Cảm nhận chung về kinh tế thế giới năm 2013
cũng khả quan hơn so với 2012.
Quỹ tiền tệ Quốc
tế IMF vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển
lên 1,6% trong năm tới, cao hơn so với mức ước tính tăng 1,5% đã được
đưa ra trước đó. Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF dự báo, các
nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,6%. Trong khi nền
kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với mức 3% của
năm 2012.
Sự chuyển biến tích cực từ thị trường
quốc tế sẽ là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam. Về yếu tố trong
nước, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế sẽ có những nét tương đồng
như năm 2012, nhưng sẽ dần được cải thiện vào nửa cuối của năm.
Sự
tăng trưởng đều từ khối DN FDI cũng như mặt hàng nông sản được dự báo
tiếp tục tăng trưởng trong năm 2013 – năm được Tổ chức Lương thực và
Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự đoán sẽ có nguy cơ xảy ra khủng
hoảng lương thực toàn cầu sẽ là tiền đề để xuất khẩu phát triển.
Tuy
nhiên, dù xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục 8 triệu tấn, song vẫn
luôn bị thua thiệt về giá so với các quốc gia cùng xuất khẩu mặt hàng
này (chỉ đạt 3,7 tỉ USD).
Với các mặt hàng công
nghệ cao, được xem là điểm sáng trong xuất khẩu năm nay, ông Vũ Thành
Tự Anh, Giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright cho rằng, Việt Nam mới
chỉ dừng lại ở những khâu có giá trị gia tăng rất thấp như gia công,
lắp ráp chứ vẫn không đủ trình độ để sản xuất những chi tiết phức tạp. "Các
tập đoàn như Intel, Samsung vào Việt Nam tìm tới Việt Nam vì những ưu
đãi chính sách, thuế chứ chưa phải là chất lượng nguồn nhân lực", ông Tự Anh cho biết.
Dù còn nhiều bất cập trong xuất khẩu và hoạt động của các DN FDI tại Việt Nam, nhưng với
những
yếu tố trong và ngoài nước thuận lợi hơn so với 2012, chỉ tiêu tăng
trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2013 là hoàn toàn khả thi.
Trang Lam
Theo TTVN
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét