Làm gì khi đại gia châu Á vươn tay thâu tóm doanh nghiệp Việt?
Điểm chung nhất trong các cuộc M&A đình đám gần đây là phía nước ngoài nhắm đến các doanh nghiệp hàng đầu mỗi ngành nghề để sở hữu tỷ lệ chi phối và gia tăng vị thế tại thị trường Việt Nam.
Hàng
loạt thương vụ bán cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam được công bố
vào cuối năm 2012 có sự hiện diện của bên mua là các tập đoàn lớn của
châu Á. Thỏa thuận mua cổ phần với giá cao, tỷ lệ lớn, cho thấy họ đánh
giá cao tiềm năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Mua nhanh, gói lớn
Trong
khi danh mục mời gọi vốn đầu tư của các công ty Việt Nam rất rộng thì
các tập đoàn châu Á phần lớn lại lựa chọn các doanh nghiệp có vị thế
hoặc có tiềm năng trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong một lĩnh vực
sản xuất.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP
Xi măng Thăng Long cho biết, sau khi khảo sát nhiều doanh nghiệp để tìm
cơ hội đầu tư, Semen Gresik chủ động đặt vấn đề đầu tư vào Xi măng Thăng
Long. Ngoài nhà máy có công suất 2,3 triệu tấn xi măng PCB40 mỗi năm,
hiện doanh nghiệp này còn có 2 dự án nữa sẽ được triển khai, nâng tổng
công suất sản xuất xi măng lên 6,3 triệu tấn/năm, một lượng đủ lớn để có
tiếng nói đáng kể trên thị trường.
Một yếu tố mà
các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất tại các doanh nghiệp khi khảo
sát là chỉ số EBIDA (lợi nhuận trước chi phí tài chính). Chỉ số này cho
thấy doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không. Đơn cử tại Prime
Group, năm 2011, EBIDA đạt 44 triệu USD; tại Xi măng Thăng Long đạt hơn
300 tỷ đồng.
Cũng dễ nhìn nhận một đặc điểm chung
trong các thương vụ là yếu tố về đội ngũ lãnh đạo và chủ sở hữu. Là các
doanh nghiệp lớn của Việt Nam, song phần đông các công ty được chú ý đều
do các ông chủ tư nhân điều hành.
Giám đốc một công
ty quản lý quỹ nhận định, khả năng tự quyết cao và chủ động trong đàm
phán của các ông chủ tư nhân sẽ thúc đẩy việc mua bán nhanh chóng, cũng
như khả năng thích nghi và quen với hệ thống quản trị có yếu tố nước
ngoài tại doanh nghiệp sau này. Có lẽ bởi vậy mà không ít doanh nghiệp
vật liệu xây dựng như Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Hạ Long... đang quyết
liệt tìm nhà đầu tư nước ngoài, song rất khó thương thảo.
Phía sau những con số
Với
những doanh nghiệp mà ngay từ đầu tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư
nước ngoài đã chi phối như Xi măng Thăng Long hay Prime Group, mục đích
thâu tóm đã rõ ràng. Phía Việt Nam biết và chấp nhập điều này, bởi đầu
tư cho sản xuất công nghiệp là một chặng đường dài, cần trường vốn và đủ
am hiểu về công nghệ.
Ông Vũ Văn Tiền cho biết:
"Đầu tư cho công nghiệp là hướng đi bền vững của doanh nghiệp. Nhưng
thông thường ở Việt Nam, các dự án chỉ có tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất thấp,
chủ yếu là vốn vay. Gánh nặng vay nợ, nếu không có đối tác nước ngoài
vào san sẻ và đồng hành, hoạt động của các dự án công nghiệp sẽ vô cùng
khó khăn và có thể phá sản". Sự có mặt của những nhà đầu tư như Semen
Gresik, SCG trong ngành vật liệu xây dựng xi măng hoặc gạch ốp lát được
hoan nghênh.
Tuy nhiên, sự có mặt của họ tại những
doanh nghiệp đầu ngành đang kinh doanh hiệu quả lại gây lo lắng. Ngay từ
đầu năm 2012, khi SCG trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh và Nhựa
Tiền Phong (tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 23%), những lo ngại về việc
nhà đầu tư Thái Lan có ý định thâu tóm ngành nhựa vật liệu xây dựng đã
xuất hiện.
SCG là một trong những nhà cung cấp hạt
nhựa, nguyên liệu đầu vào quan trọng cho cả hai doanh nghiệp trên. SCG
cũng không ngại khi cho biết họ mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại hai công
ty này lên 49%. Song họ cũng tỏ ra rất chuyên nghiệp và cầu thị trong
mối quan hệ với các đối tác Việt Nam.
Ông Lê Quang
Doanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Bình Minh cho biết, SCG đón tiếp
nhựa Bình Minh và các nhà phân phối rất trọng thị tại Thái Lan, trước
những dịp lễ lớn của công ty như 35 năm ngày thành lập (16/11/2012), họ
cũng không quên đến chúc mừng. Tại nhựa Tiền Phong, ông Trần Bá Phúc,
Chủ tịch HĐQT công ty cho hay, SCG có thể, nhưng chưa bao giờ dựa thế cổ
đông lớn để ép doanh nghiệp trong các việc mua bán nguyên liệu đầu vào.
Điều này cho thấy, phía nước ngoài dù muốn thâu tóm những doanh nghiệp
hàng đầu nhưng vẫn muốn mọi việc diễn ra trong thân thiện.
Phản
ứng của những doanh nghiệp Việt Nam không muốn rơi vào hoàn cảnh bị thâu
tóm là gì? Với cơ cấu cổ đông khá đậm đặc tại Nhựa Bình Minh và Nhựa
Tiền Phong, trong đó tỷ lệ sở hữu của các quỹ đầu tư khá lớn (cổ đông
lớn nhất của hai doanh nghiệp này là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh
vốn nhà nước, sở hữu tối đa 30% cổ phần), SCG không khó để tăng tỷ lệ sở
hữu lên 49%, thậm chí cao hơn, nếu chấp nhận mua cổ phần giá cao.
Động
thái phòng thủ của lãnh đạo doanh nghiệp có lẽ rất khó trong trường hợp
này. Đó là lý do Nhựa Bình Minh chọn cách hợp tác và tôn trọng, hai bên
cùng có lợi, mọi việc phải đến rồi sẽ đến.
Động thái phòng thủ của Minh Phú
Cần
vốn, nhưng việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để bán 40% cổ phần với
Minh Phú lại là bài toán được cân nhắc rất kỹ. Sau rất nhiều lựa chọn,
CP Foods với lợi thế vùng nuôi tôm lớn, nhà máy chế biến thức ăn, kênh
phân phối khắp châu Á và giá mua cổ phần 50.000 đồng/cổ phần, cao gấp
đôi thị giá cổ phiếu trên sàn, đã được Minh Phú chấm điểm cao nhất.
Mong
muốn của lãnh đạo doanh nghiệp, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT
công ty là hợp tác với CP Foods sẽ đưa Minh Phú trở thành nhà xuất khẩu
tôm lớn nhất thế giới và tận dụng được lợi thế của hai bên.
Tuy
nhiên, trong hợp đồng cuối cùng phía CP Foods đưa ra những điều khoản
mà ở đó mục tiêu thâu tóm doanh nghiệp rất rõ ràng. "Quyền chủ động của
ban điều hành bị ảnh hưởng bởi có những điều ràng buộc và phạt ban điều
hành rất lớn, ngay cả khi doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Tôi đã
đọc đi đọc lại bản hợp đồng nhiều lần, suy nghĩ rất kỹ và quyết định
không ký hợp đồng. Có lẽ năm 2014-2015 sẽ là thời điểm thích hợp hơn để
Minh Phú bán cổ phần cho đối tác chiến lược", ông Lê Văn Quang chia sẻ.
Với
tỷ lệ sở hữu của cá nhân và gia đình ông Quang lên tới 75%, các quỹ đầu
tư sở hữu khoảng 10%, vị chủ tịch Minh Phú có thể chủ động phòng ngừa
kế hoạch thâu tóm của đối tác ngoại. Song câu chuyện của Minh Phú và
nhiều doanh nghiệp lớn cho thấy, trong một thế giới hội nhập kinh tế sâu
rộng, cạnh tranh ngày một gay gắt hơn, các doanh nghiệp hàng đầu trong
nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang là điểm ngắm của các đại gia châu
Á.
Chọn một cách ứng xử khôn ngoan, duy trì an ninh
kinh tế của Việt Nam, câu chuyện không phải của bản thân mỗi doanh
nghiệp mà là ở tầm quốc gia. Chỉ khi doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và
có môi trường kinh doanh tốt để có thể trụ vững bằng đôi chân của mình,
họ mới có sức mạnh để phòng thủ hoặc hợp tác bình đẳng với các nhà đầu
tư giàu tiềm lực bên ngoài.
Theo Mai Lan
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét