BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Những lỗi thông thường về văn phạm

Tiếng Anh bài 10: Những lỗi thông thường về văn phạm

Sáng nay tôi phải đọc duyệt một bài báo (bản thảo) của một nhóm nghiên cứu Hàn Quốc, và qua đó tôi phát hiện rất nhiều sai lầm trong cách diễn tả và những sai sót văn phạm rất … Á đông. Một trong những sai lầm phổ biến nhất ở người châu Á khi mới học tiếng Anh là cách sử dụng mạo từ (a và the). Nhưng một số sai lầm tiêu biểu còn thể hiện qua cách sử dụng dấu phẩy nữa. Ngoài ra, còn có sai sót mang tính nội dung và logic về cách cấu trúc một câu văn (sentence) và một đoạn văn. Tôi không thể trích dẫn nhưng sai sót của bài báo này vì đang trong vòng phản biện kín, nên tôi chỉ có thể mượn bài báo để bàn đến một số sai sót phổ biến mang tính Á đông.

1. Thiếu dấu phẩy sau nhóm từ dẫn nhập. Chẳng hạn như “After the analysis of blood samples of TB patients we continued to isolate PPG”, đáng lẽ phải có dấu phẩy sau chữ “patients”.


2. Thiếu dấu phẩy trong một câu văn ghép (compound sentence). Một câu văn ghép thường bao gồm 2 mệnh đề độc lập nhau nhưng nối với nhau bằng một giới từ như for, and, nor, but, or, yet, so. Một sai lầm phổ biến là thiếu dấu phẩy giữa hai mệnh đề như câu sau đây: “Many studies show that high body weight is associated with high bone mass and moreover reductions in body weight may cause bone loss”. (Đáng lẽ phải có dấu phẩy trước and. Thật ra, câu này còn có vài sai sót khác nữa, nhưng tôi không bàn ở đây).

3. Thiếu dấu phẩy trong các mệnh đề không giới hạn (nonrestrictive clauses). Cần phân biệt mệnh đề giới hạn và không giới hạn. Chẳng hạn như câu "My brother in the red shirt likes ice cream," nếu người viết có 2 người anh, thì thông tin về cái áo màu đỏ là giới hạn (restrictive). Nếu là restrictive clause thì chúng ta không cần dấu phẩy. Tuy nhiên, nếu người viết chỉ có 1 người anh, thì thông tin về cái áo đỏ không cần thiết để chỉ người đó, và đây là mệnh đề không giới hạn. Mệnh đề không giới hạn cần có dấu phẩy như ví dụ sau đây: "My brother, in the red shirt, likes ice cream."

4. Dấu phẩy nối. Một dấu phẩy nối (comma splice) xày ra khi hai mệnh đề độc lập nối vơi nhau bằng một dấu phẩy. Chẳng hạn như "Picasso was profoundly affected by the war in Spain, it led to the painting of great masterpieces like Guernica." Một dấu phẩy nối cũng có thể sử dụng để chia một chủ từ từ một động từ. Ví dụ như trong câu "The young Picasso felt stifled in art school in Spain, and wanted to leave," chủ từ Picasso bị tách ra từ một trong những động từ của nó là wanted. Đáng lẽ không cần dấu phẩy trong câu này, ngoại trừ tác giả muốn nhấn mạnh bằng văn phạm, nhưng đây là trò chơi nguy hiểm đối với những ai chưa thạo viết tiếng Anh.

5. Thiếu dấu phẩy trong một chuỗi sự vật. Khi liệt kê một chuỗi sự vật, nên dùng dấu phẩy là điều ai cũng biết, nhưng vấn đề tranh cãi là có nên dùng dấu phẩy trước sự vật sau cùng. Ví dụ như trong câu “Apples, oranges, pears, and bananas...”, vấn đề đặt ra là có nên dùng dấu phẩy trước “and”. Người Mĩ và Canada thì nói nên, còn người Anh và Úc thì nói không nên. Cá nhân tôi thích kiểu viết của Mĩ (tôi có nhiều lí do để nói như thế) nên tôi hay dùng dấu phẩy trước chữ “and” để làm câu văn rõ ràng hơn.

6. Đại danh từ mù mờ. Ví dụ như trong câu “The boy and his father reported that he had had a history of fragility fracture”, chúng ta không biết người viết đề cập đến người con trai hay là người cha có tiền sử gãy xương.

7. Dùng sai từ. Cái này thì quá hiển nhiên, nhưng dùng từ cho đúng trong khoa học không phải là chuyện dễ dàng vì nó đòi hỏi người viết phải am tường vấn đề chuyên môn và cập nhật với thông tin. Chẳng hạn như trong câu vừa trích trên, đáng lẽ tác giả phải viết là “bone mineral density” chứ không phải “bone mass”, vì hai thuật ngữ này rất khác nhau về khái niệm. Trong y học, chúng ta cần phân biệt giữa “association” và “relationship”. Nếu là nghiên cứu bệnh chứng, hay nghiên cứu một thời điểm (cắt ngang hay cross-sectional), thì mối liên hệ giữa hai yếu tố nên được mô tả bằng thuật ngữ association hơn là relationship. Chỉ khi nào chúng ta có bằng chứng can thiệp trong nghiên cứu thử nghiệm thì mới sử dụng relationship thay cho association. Ngoài ra, đừng nên lạm dụng thuật ngữ “linkage” vì nó chỉ sử dụng cho các nghiên cứu và phân tích di truyền trong gia đình, chứ không phải cho các nghiên cứu quần thể.

8. Thiếu hay viết sai “inflected ends”. "Inflected ends" là thuật ngữ nói đến một nhóm lỗi về văn phạm liên quan đến sự nhất quán của chủ đề và động từ (subject-verb agreement), hay sai sót về who/whom, v.v... Trong tiếng Anh, khi chúng ta thêm một mẫu tự hay âm tiết (syllable) phía sau một từ chúng ta có thể thay đổi ý nghĩa và chức năng văn phạm của câu văn. Chẳng hạn như thêm "ed" vào một động từ chúng ta chuyển động từ đó thành thì quá khứ (ai cũng biết!), nhưng có thể biến thành một tính từ, hay thêm "s" vào một danh từ làm cho danh từ có số nhiều, nhưng cũng có khi biến thành một tính từ.

9. Sai hay thiếu giới từ. Giới từ có khi rất … nguy hiểm. Thử xem hai cách viết "Our sample is different from the American sample" và "Our sample is different than the American sample", câu nào tốt hơn? Mặc dù cả hai cách viết/nói được sử dụng phổ biến, nhưng "different from" được xem là chuẩn hơn. Tương tự, người ta vẫn còn tranh luận chung quanh chữ "toward" và "towards." Mặc dù cả hai đều sử dụng khá nhiều, nhưng hình như "toward" được sử dụng nhiều hơn (còn người Anh thì sử dụng towards nhiều hơn toward).

10. Dùng thì không đúng. Cần cẩn thận trong cách dùng thì quá khứ và hiện tại trong khi viết báo cáo khoa học. Thông thường, khi đề cập đến y văn trong quá khứ thì nên dùng thì quá khứ, nhưng nếu một mối hiên hệ hay sự kiện đã được chấp nhận như là “sự thật” thì có thể dùng thì hiện tại. Chẳng hạn như “Previous studies have shown that high blood pressure was a risk of stroke”, nhưng cũng có thể viết “high blood pressure is a risk of stroke” vì mối quan hệ này được chấp nhận là sự thật. Khi viết báo cáo nghiên cứu của chính mình, cũng nên dùng thì quá khứ. Tuy nhiên, khi đề cập đến một biểu đồ hay bảng số liệu ngay trong paper thì nên dùng thì hiện tại, chẳng hạn như trong câu “Figure 1 shows that diabetes was associated with an increased risk of stroke”, chúng ta dùng “shows” thay vì “showed”, nhưng khi báo cáo về fact thì chúng ta dùng thì quá khứ “was associated”.

11. Những câu văn vô duyên, vô ý. Đây là cách viết đáng “ghét” nhất, vì đọc một câu văn (fragmented sentence) mà chẳng có ý gì hoàn chỉnh, làm mất thì giờ. Chẳng hạn như câu văn “In Japan, during the last decade and just before the NOF year” này chẳng nói lên cái gì cả, vì chẳng có chủ từ và động từ. Còn loại văn như sau “Some of the students working in Professor Sminth’s laboratory last semester” còn vô duyên hơn vì tôi chẳng biết tác giả muốn nói cái gì. Tôi chú ý là có rất nhiều sinh viên Việt Nam viết văn theo kiểu này, và nó nói lên tác giả chẳng có ý tứ gì hay chẳng biết mình muốn nói gì. Rất dở.

12. Dùng từ bổ nghĩa (modifier) sai. Từ bổ nghĩa là những tính từ, trạng từ, hay mệnh đề mà người viết muốn khai triển thêm. Nếu từ bổ nghĩa được sử dụng đúng, câu văn sẽ có thể rất “kêu”, rất “thơ”, nhưng nếu dùng sai thì câu văn trở nên rất vô duyên. Thử đọc câu này “The professor wrote a paper on obesity in his office” rất buồn cười, bởi vì béo phì xảy ra trong văn phòng của ông giáo sư chăng? Hay là văn phòng làm việc của ông ấy là nơi ông viết về béo phì? Chúng ta không biết khi đọc câu văn đó. Nhưng nếu viết “In his office, the professor wrote a paper on obesity” thì câu văn rõ ràng hơn.

Có khi người viết dùng từ bổ nghĩa một cách … đong đưa, và đây cũng là lỗi cần phải tránh. Thử đọc câu văn sau đây: “Walking through the laboratory, my heart ached” làm người đọc có thể hiểu rằng tim của người viết bị đau khi bước qua phòng thí nghiệm! Có lẽ một cách viết chuẩn hơn là “Walking through the laboratory, I felt an ache in my heart”.

13. Nhất quán giữa chủ từ và động từ (subject-verb agreement). Đây là vấn đề “muôn thủa” của “phe ta”, và tôi sẽ quay lại trong một dịp khác. Nhưng ở đây, tôi sưu tầm một vài qui ước phổ biến nhất như sau:

Khi chủ từ số ít được nối kết với nhau bằng “and” thì chủ đề thành số nhiều: Both the architect and the interior designer like to push artistic boundaries.

Những đại danh từ bất định (indefinite pronouns) như someone, anyone, no-one, anybody, somebody, nobody, one, either, neither thường được xem là số ít: No-one likes to fail at university.

Những danh từ với some, any, all, most có thể số ít nhưng cũng có thể số nhiều, tùy thuộc vào danh từ có thể đếm được (countable) hay không đếm được (uncountable): Some of the policies were rejected whilst others were approved (policies là một danh từ có thể đếm được) nhưng “Some of the research was conducted at the University” (research là một danh từ không thể đếm được)

Một chủ từ nối bằng ‘either…or’, ‘neither…nor’, hay ‘not only…but also’, thì động từ nên chia theo chủ đề gần nhất: Neither the lecturer nor the students want to reschedule the class. (want nhất quán với students)

Vấn đề khó khăn khi câu văn có chủ đề là một danh từ tập hợp (collective noun) hay đại danh từ tập hợp. Ví dụ như “The committee want a resolution to the problem” là sai vì committee (ủy ban) là một thực thể (dù thực thể đó có nhiều thành viên) cho nên chúng ta nên viết “The committee wants a resolution to the problem”.

Nhiều người nhầm lẫn đại danh từ Everyone Their. Chẳng hạn như trong câu "Everyone is entitled to their opinion," chữ their đáng lẽ phải là his/her bởi vì "everyone" là đại danh từ số ít.

Lời nhắn các bạn trẻ:

Kinh nghiệm của tôi và nhiều đồng nghiệp khác khi tiếp xúc với người Việt, nhất là những người từng đi du học ở nước ngoài vài năm, cho thấy họ thường rất tự tin về tiếng Anh. Có người còn nói rằng họ làm thông dịch cho các chuyên gia nước ngoài, như là một bằng chứng về khả năng Anh ngữ của họ. Tôi có cảm giác họ chẳng cần học gì thêm nữa. Nhưng kinh nghiệm cá nhân tôi, người từng sống và làm việc trong môi trường nói tiếng Anh cả vài chục năm, tôi vẫn thấy mình rất dốt tiếng Anh. Có thể tôi không có năng khiếu với tiếng Anh, nhưng tôi thấy ngay cả đồng nghiệp tôi sinh ra và lớn lên ở Úc, ở Mĩ, ở Anh, những người ở hàng giáo sư mà vẫn sai phạm tiếng Anh như thường. Nên nhớ rằng văn phạm không chỉ là những qui định mang tính bất biến. Văn phạm thật ra là một cấu trúc ngôn ngữ thay đổi theo thời gian. Chính vì thế mà văn phạm là chủ đề của nhiều nghiên cứu và phân tích của giới khoa bảng. Do đó, tôi muốn nhắn với các bạn sinh viên trẻ là: học, học nữa và học mãi tiếng Anh. Đừng nên quá tự tin mà thất bại thê thảm khi ra nước ngoài.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét