BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Tiếng Anh trong phôi bằng: vài nhận xét và đề nghị

Mấy hôm nay nghe nói / đọc về vụ phôi bằng cấp viết bằng tiếng Anh sai, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới thấy sai như thế nào qua bài viết trên Tuổi Trẻ của Nguyễn Vạn Phú (ủa, anh này bên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, sao lại nhảy rào qua đây :-)). Đúng là có sai và không hợp lí nữa. Ở đây, tôi thấy những gì anh Phú viết đều đúng, tôi chỉ có vài nhận xét ngắn mang tính bổ sung như sau:

Phôi bằng (nguồn: Tuổi trẻ)


Trước hết, cần phải phân biệt một số “thuật ngữ” giáo dục liên quan đến bằng cấp:

Award là một danh từ chung chỉ học vị được trao cho cá nhân đã hoàn tất một chương trình học. Những danh vị như Bachelor (cử nhân), Master (thạc sĩ hay cao học), Doctor (tiến sĩ) là award.

Program là chương trình học, như khoa học (science), kĩ thuật (engineering), y học (medicine), v.v…

Major ngành học. Một chương trình học có nhiều ngành học, như cử nhân khoa học với ngành học là sinh học, toán học, vật lí, v.v…

Specialisation chuyên ngành học, thường dành cho các nghiên cứu sinh sau đại học.

1. Thứ nhất là vấn đề dùng từ “Associate”. Trong phôi bằng có dùng chữ “The Degree of Associate”, theo tôi là không chuẩn về tiếng Anh. Trong tiếng Anh, từ “Associate” thường chỉ phó, chẳng hạn như Associate Editor là phó biên tập, Associate Professor là phó giáo sư, Associate member là thành viên dự khuyết, v.v... Trong qui ước về tên bằng cấp, Associate không phải là một học vị, nhưng có tính bổ nghĩa cho một học vị. Chẳng hạn như người ta dùng Associate Degree (chứ không ai viết "Degree of Associate" cả), Associate Diploma hay Associate Certificate. Ở Úc, Associate Degree có nghĩa là bằng dự bị đại học.

Xin lấy qui ước về cách đặt tên cho bằng cấp như sau:

(a) Diploma một văn bằng có thể dưới cấp cử nhân nhưng cũng có thể sau đại học (postgraduate study, nhưng không hẳn là hơn cử nhân). Ở cấp đại học và cao đẳng đều đào tạo cấp Diploma, nhưng tên gọi khác nhau:

Ở bậc cao đẳng, không có đào tạo cấp cử nhân (bachelor), cho nên người tốt nghiệp được gọi là thường được cấp bằng “Diploma” hay “Certificate”, tùy theo năm theo học và môn học. Nếu học 2 năm thì tốt nghiệp Diploma, còn 1 năm hay ngắn hơn là Certificate. Ngày xưa ở Úc, bằng Diploma được gọi là Associate Diploma, nhưng nay thì thống nhất tên là Diploma. Tên thông thường là Diploma of Arts (viết tắt DipArts), Diploma of Science (DipSc), v.v…

Còn ở bậc đại học, khi sinh viên đã có bằng cử nhân và muốn theo học một chuyên ngành khác ngành học cử nhân (như cử nhân kinh tế muốn theo học thêm về kĩ thuật chẳng hạn) thì họ có thể ghi danh học sau đại học 1 năm và khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Graduate Diploma. Vì Graduate Diploma là một bằng cấp chuyên ngành, cho nên có qui ước viết tên chuyên ngành, như Graduate Diploma in Public Health.

(b) Associate Degree (viết tắt theo qui ước là AssocDeg) là văn bằng dự bị đại học, và người ta không viết ngành học, tức là không viết AssocDeg of Arts.

(c) Cử nhân hay Bachelor là văn bằng tốt nghiệp đại học, sau 3, 4, 5 hay 6 năm học (tùy ngành học). Theo qui ước đặt tên bằng cấp thì ngành học không cần viết ra. Do đó, người ta chỉ viết Bachelor of Arts (BA), Bachelor of Science (BSc), Bachelor of Medicine and Bachelor of Surgery (MBBS), v.v… Chú ý, ở cấp này người ta chỉ viết chương trình học, chứ không viết tên chuyên ngành.

(d) Thạc sĩ hay Master là văn bằng tốt nghiệp sau đại học. Trước đây, tên chuyên ngành không đi kèm theo văn bằng master. Nhưng sau này có người lí giải rằng học thạc sĩ thường đi chuyên sâu một chuyên ngành cho nên có qui ước viết tên chuyên ngành kèm theo, nhưng trong thực tế cũng ít ai đồng ý với qui ước này. Do đó, ngày nay, người ta viết Master of Philosophy (MPhil), Master of Science (MSc), Master of Management (MMgt), v.v…

(e) Tiến sĩ hay Doctor là văn bằng cao nhất trong hệ thống đại học phương Tây. Cách đặt tên bằng ở cấp này rất đa dạng. Đơn giản nhất là PhD mà không kèm theo chuyên ngành, nhưng cũng có nơi viết rõ như Doctor of Archaeology, Doctor of Education, Doctor of Engineering, Doctor of Science, Doctor of Juridicial Science, v.v.. Cần chú ý rằng ở Úc và Anh văn bằng Doctor of Medicine là một văn bằng sau đại học (ở Mĩ MD cũng là bằng sau đại học, nhưng không tương đương với MD bên Úc). Nói chung, những văn bằng doctor rất đa dạng, khó có một công thức cố định.

2. Trong phôi bằng (tiếng Anh gọi là Testimonial hay Testamur), không nên ghi hạng tốt nghiệp trung bình hay xuất sắc. Hạng tốt nghiệp được ghi trong hồ sơ học bạ, chứ không nên ghi trong bằng tốt nghiệp. Nếu ghi hạng tốt nghiệp trong bằng tốt nghiệp có thể phản tác dụng vì như là một dấu ấn vào cuộc đời của một người và làm cho người có bằng cảm thấy mặc cảm.

3. Tôi thấy phôi bằng tốt nghiệp ở Việt Nam quá sơ sài và thiếu tính nghiêm trang. Nhìn qua phôi bằng, tôi thấy nó chẳng khác gì một tờ giấy in sẵn để người ta điền vào. Mấy dấu “…..” thật là phản cảm cho một bằng cấp. Tôi xem đó là một hình thức xem thường tấm bằng tốt nghiệp, xem thường khoa bảng. Tôi nghĩ cần phải cá nhân hóa tấm bằng, tức là phải viết sao cho người cầm tấm bằng thấy đây là bằng của mình, do mình bỏ công “dùi mài kinh sử” để đạt được.

Tôi tìm lại cái bằng của cháu tôi thì thấy họ viết rất nghiêm trang như sau (không có viết tay trên dấu "...." mà là font chữ cực kì nghiêm chỉnh):

THE UNIVERSITY OF SYDNEY

By authority of the Council

THU NGOC TRAN

has this day been admitted to the degree of

BACHELOR OF SCIENCE

and to all the privileges attached thereto.

The Common Seal of the University has been hereto affixed

This twentyfifth day of September 2008

Vice-Chancellor
(Kí tên)

Registrar
(Kí tên)

Ở Úc, người ta có hẳn một qui định rất cụ thể về tên bằng cấp, cách viết tắt cho từng loại bằng cấp và từng chuyên ngành.

Nói tóm lại, trong thời kì hội nhập quốc tế, tôi đề nghị nên xem sửa phôi bằng cho nghiêm chỉnh, và tiếng Anh phải rất chuẩn mực. Tôi đề nghị bỏ đi chuyên ngành, bỏ hạng tốt nghiệp, và có thể bỏ luôn cả ngày tháng năm sinh. Tất cả những thông tin đó đã có sẵn trong học bạ, không cần phải lặp lại trên danh xưng của học vị.

NVT

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét