Kinh tế thị trường là gì? (2): Kinh tế chỉ huy và kinh tế thị trường
Các
sản phẩm như bánh mỳ, thịt, quần áo, tủ lạnh và nhà cửa hiện được sản
xuất và tiêu thụ ở hầu như tất cả các nước trên thế giới. Các phương
pháp sản xuất và các nguồn lực được sử dụng để sản xuất ra những sản
phẩm này ở các nước khác nhau lại thường rất giống nhau – ví dụ như
bánh mỳ do người làm bánh sử dụng bột mỳ và nước, thường có thêm muối,
đường và men, sau đó được nướng trong lò. Khi bánh mỳ đã được nướng,
các ổ bánh sẽ được bán cho người tiêu dùng tại các cửa hàng, mà ít nhất
là về vẻ bên ngoài có thể trông cũng giống nhau, thậm chí ở những nước
có những hệ thống kinh tế rất khác nhau.
Các quyết định chỉ đạo về sản xuất quần áo
Mặc dù hình thức bên ngoài có sự giống nhau, nhưng nếu chúng ta so sánh các nền kinh tế thị trường của Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản với các nền kinh tế chỉ huy ở khối các nước cộng sản trước đây, thường được gọi là “COMECON” (bao gồm Liên Xô, các nước Đông Âu và một số nước ở châu Á) hơn nửa thế kỷ qua, các phương thức được sử dụng để quyết định sản xuất hàng hóa gì, sản xuất chúng như thế nào, giá cả của những hàng hóa đó ra sao và ai là người tiêu dùng các hàng hóa đó lại khác hẳn. Để xem xét sự khác nhau đó một cách rõ ràng hơn, hãy cùng thử xem người ta đã đưa ra các quyết định về sản xuất và tiêu thụ đối với một sản phẩm cụ thể là áo sơ-mi và áo blu-dông như thế nào trong hai cơ chế kinh tế khác nhau.
Trong nền kinh tế chỉ huy, các ủy ban kế hoạch kinh tế của chính phủ, các chuyên gia về sản xuất và các quan chức chính trị thiết lập các mức sản xuất cho các mặt hàng này và chỉ định những nhà máy nào sẽ sản xuất các mặt hàng đó. Các ủy ban kế hoạch ở trung ương cũng định giá cho các mặt hàng áo sơ-mi và blu-dông cũng như lương của các công nhân sản xuất ra chúng. Như vậy, toàn bộ số lượng, chủng loại và giá cả của quần áo và các sản phẩm khác đều do quyết định của trung ương mà có.
Có thể thấy trước là các sản phẩm mà sự lựa chọn chỉ có giới hạn này sẽ bán hết ngay, chẳng bao lâu sẽ biến mất trên các giá hàng. Vì sao vậy? Có lẽ vì các nhà máy không thể đáp ứng được yêu cầu về số lượng, hoặc những người ra kế hoạch ở trung ương đã đánh giá thấp số lượng áo sơ-mi mà người dân muốn mua ở mức giá mà họ đã đặt ra. Dù là trong trường hợp nào thì sự thiếu hụt vẫn sẽ tiếp tục trừ khi người lập kế hoạch có những biện pháp để tăng sản lượng, tăng giá hoặc tăng cả hai yếu tố này.
Khi dân số gia tăng trong các nền kinh tế chỉ huy cùng với số lượng và sự phức tạp của những sản phẩm mới, sự việc ngày càng trở nên khó hơn cho những người lập kế hoạch trong việc tránh hoặc loại bỏ hẳn sự thiếu hụt về nhiều thứ mà người tiêu dùng muốn có – hoặc thừa những thứ mà họ không cần. Với thêm nhiều sản phẩm, thêm nhiều người và công nghệ sản xuất cũng thay đổi nhanh hơn, những người lập kế hoạch phải đối mặt với sự bùng nổ về số lượng các quyết định mà họ phải đưa ra, cũng như số lượng những yếu tố và cách thức, làm phát sinh sai sót trong kế hoạch tổng thế cho nền kinh tế quốc dân.
Hiện tượng này không xảy ra trong nền kinh tế thị trường vì kinh tế thị trường vận hành theo một cách hoàn toàn khác.
Trước tiên, không có bộ nào trong chính phủ quyết định phải sản xuất bao nhiêu chiếc áo sơ-mi hoặc blu-dông hoặc theo kiểu dáng và màu sắc như thế nào. Bất kỳ ai – cá nhân hay công ty – đều có thể quyết định sản xuất và tiêu thụ áo sơ-mi và blu-dông trong nền kinh tế thị trường và nhiều người sẽ làm như vậy chỉ vì họ tin rằng họ có thể bán những sản phẩm này với giá đủ để bù đắp chi phí sản xuất phải bỏ ra – và có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ việc sản xuất những loại áo này nếu so với những việc khác. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp giữa các công ty khác nhau cùng sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm này. Cạnh tranh là một trong những lý do cơ bản giải thích vì sao nói chung có rất nhiều kiểu dáng, vải sợi và nhãn hiệu hàng hóa khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn trong nền kinh tế thị trường.
Tất nhiên, nếu người tiêu dùng quyết định chỉ mua quanh năm suốt tháng một loại áo sơ-mi và blu-dông, những người sản xuất sẽ sớm nhận ra rằng chẳng cần phải sản xuất các loại áo khác làm gì. Nhưng đơn giản là điều này chưa từng xảy ra ở những nơi mà người ta có quyền được lựa chọn những gì họ thích từ rất nhiều các sản phẩm may mặc.
Giá cả của áo sơ-mi Một yếu tố then chốt khác về kinh tế thị trường là giá cả của áo sơ-mi, blu-dông và các sản phẩm khác bán trong các cửa hàng không phải do ủy ban kinh tế của chính phủ đặt ra. Thay vào đó, tất cả những người bán đều tự do tăng hoặc giảm giá tùy theo tình hình thay đổi trên thị trường. Ví dụ, nếu một loại áo sơ-mi trở nên được ưa chuộng tại một thời điểm nào đó, và các cửa hàng lo rằng sẽ hết hàng trước khi họ có thể có hàng mới, giá của loại áo sơ-mi đó sẽ thường tăng lên, ít nhất là cho đến khi có hàng mới. Sự tăng giá này hoàn thành hai mục đích. Thứ nhất, bằng việc làm cho loại áo này trở nên đắt hơn so với các loại áo sơ-mi khác và sản phẩm khác, một số người tiêu dùng sẽ lựa chọn cách giảm mua loại áo này và tăng mua các mặt hàng khác. Thứ hai, vì giá cao hơn sẽ có lợi trực tiếp cho người sản xuất và bán loại áo sơ-mi này – chứ không phải chính phủ – giá cao hơn sẽ làm tăng lợi nhuận của các công ty sản xuất và bán loại áo này, nhờ đó giúp họ sản xuất và tiêu thụ được nhiều hơn. Các công ty sản xuất các loại sản phẩm khác cũng nhận thấy lợi nhuận cao hơn cho các nhà sản xuất áo sơ-mi, vì thế thúc đẩy một số công ty ngừng sản xuất các mặt hàng khác và bắt đầu chuyển sang sản xuất những chiếc áo sơ-mi hợp thời.
Vì tất cả những lý do như người tiêu dùng mua ít áo sơ-mi hơn, các nhà sản xuất áo sơ-mi sản xuất nhiều áo hơn và các công ty khác cũng quyết định sản xuất áo sơ-mi, sự thiếu hụt về hàng hóa sẽ biến mất. Cần lưu ý rằng tất cả những điều này xảy ra mà không cần có bất kỳ quyết định nào của một ủy ban kế hoạch ở trung ương. Trong thực tế, quá trình này diễn ra nhanh hơn và có vẻ như là tự động, lý do chính xác là vì các quyết định của người tiêu dùng và nhà sản xuất là phi tập trung hóa.
Thị trường
Giá cả cao hơn của áo sơ-mi khiến cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất có động cơ phản ứng theo cách này vì mọi người có quyền được hưởng những lợi ích có được từ các quyết định của chính họ, đồng thời cũng tự chịu các chi phí và rủi ro liên quan. Ví dụ, những người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn vẫn có thể có được những chiếc áo hợp thời nhất, nhưng họ phải bỏ ra nhiều tiền hơn (và do vậy phải bớt mua những hàng hóa và dịch vụ khác) để làm được việc đó. Về khía cạnh sản xuất của thị trường, các công ty sản xuất áo sơ-mi hợp thời trang có thể bán với giá cạnh tranh và thu lợi nhuận. Nhưng các nhà sản xuất làm ra các sản phẩm không tiêu thụ được hoặc hoạt động không có hiệu quả và phải trả chi phí quá nhiều để làm ra sản phẩm sẽ bị thua lỗ. Kết quả là, họ phải học cách để sản xuất và cạnh tranh một cách có hiệu quả – nghĩa là phải làm ra các sản phẩm mà người tiêu dùng ưa thích với giá cả cạnh tranh – hoặc họ sẽ phá sản và người khác sẽ mua lại nhà xưởng, máy móc và các nguồn lực khác của họ. Tóm lại, đó chính là cách mà các động lực kinh tế vận hành trong nền kinh tế thị trường.
Quá trình cơ bản cũng diễn ra tương tự trong rất nhiều loại thị trường khác nhau – hầu như ở tất cả các nơi mà các loại giá cả được hoàn toàn tự do tăng hay giảm, kể cả giá nhân công, thực phẩm, các khoản tiền tiết kiệm hoặc vay của ngân hàng.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường không mang lại các giải pháp lý tưởng và chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khắc phục những vấn đề mà bản thân cơ chế thị trường tự nó không thể giải quyết được triệt để. Ngoài ra, cơ chế thị trường không thể tránh khỏi sức ép từ các vấn đề về chính sách công trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay – các vấn đề như lạm phát, thất nghiệp, ô nhiễm, nghèo đói và các rào cản thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nếu so sánh với sự thiếu thốn kinh niên và tính không hiệu quả vốn có của nền kinh tế chỉ huy thì cơ chế kinh tế thị trường tự do mang lại các cơ hội tốt hơn cho việc phát triển kinh tế, tiến bộ công nghệ và sự thịnh vượng.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét