BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Kinh tế thị trường là gì? (1)

Michael Watts

Kinh tế thị trường là gì? (1)

GIỚI THIỆU

Xuyên suốt tiến trình lịch sử, mọi xã hội đều phải đối mặt với một vấn đề kinh tế cơ bản là việc quyết định phải sản xuất cái gì và cho ai trong một thế giới mà các nguồn tài nguyên bị hạn chế. Trong thế kỷ 20, nhìn chung có hai cơ chế kinh tế đối chọi nhau đã mang những kết quả rất khác nhau, đó là: nền kinh tế chỉ huy được định hướng từ chính phủ trung ương và nền kinh tế thị trường được dựa trên doanh nghiệp tư nhân. Vào buổi bình minh của thế kỷ 21, một điều rõ ràng đối với toàn thế giới là nền kinh tế chỉ huy, tập trung đã thất bại trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, trong việc đạt được sự thịnh vượng, hoặc thậm chí trong việc bảo đảm an ninh kinh tế cho các công dân của mình.
 


Tuy nhiên, với nhiều người, các nguyên tắc và cơ chế căn bản của một nền kinh tế thị trường, vẫn còn xa lạ hoặc bị hiểu sai. Bất chấp những thành quả rõ ràng trong việc tăng mức sống ở các nước từ Tây Âu đến Bắc Mỹ và châu Á, vẫn còn một số người nhìn nhận các nền kinh tế thị trường (đặc biệt là vai trò của nó trong thương mại quốc tế) với sự hoài nghi. Sở dĩ như vậy một phần là do nền kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ mà là một hệ thống các tập tục và thiết chế đã được kiểm nghiệm qua thời gian để làm sao mọi cá nhân và xã hội có thể sống và thịnh vượng về phương diện kinh tế. Về bản chất các nền kinh tế thị trường là phi tập trung, linh hoạt, thực tế và có thể thay đổi được. Một đặc điểm trọng tâm của các nền kinh tế thị trường là không có một trung tâm điểm. Thực vậy, một trong những phép ẩn dụ căn bản khi nói về thị trường tư nhân là “bàn tay vô hình”.
 

Các nền kinh tế thị trường có thể mang tính thực tiễn, nhưng nó cũng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của tự do cá nhân: quyền tự do của khách hàng trong việc lựa chọn các hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh; quyền tự do của nhà sản xuất bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh, phân chia rủi ro và lợi nhuận; quyền tự do của người lao động trong việc lựa chọn công việc hoặc nghề nghiệp, tham gia vào nghiệp đoàn lao động hoặc thay đổi chủ.
 

Đó là sự khẳng định về quyền tự do, về rủi ro và cơ hội, tất cả cùng nhau tạo thành nền kinh tế thị trường hiện đại và nền dân chủ chính trị.
 

Nền kinh tế thị trường không phải không có những bất công và lạm dụng – nhiều khi còn trầm trọng là đằng khác – nhưng có một điều không thể phủ nhận được là     doanh nghiệp tư nhân hiện đại và ý chí kinh doanh, cùng với nền dân chủ chính trị, mang lại triển vọng tốt đẹp nhất cho việc giữ gìn sự tự do và mở ra những con đường lớn nhất cho phát triển kinh tế và đem lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người
(Theo maxreading)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét