Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa cho biết, tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường năm vừa qua chỉ đạt 92.584 chiếc, giảm đến 33% so với năm 2011. 

Sau quãng đường dài 10 tháng trồi sụt liên tiếp, thị trường ôtô 2 tháng cuối năm cũng đã có bước hồi phục đáng kể. Tháng 11, lượng xe bán ra đã có cú bứt tốc mạnh mẽ với 9.570 chiếc, tăng đến 20% so với tháng liền trước. Đến tháng 12, con số tiếp tục nhích lên thêm 4% thành 9.983 chiếc.

Tuy vậy, nỗ lực này đã không thể cứu vãn một năm khó khăn chồng chất của thị trường.

Nếu tính riêng mảng thị trường do VAMA chi phối, tình hình xem ra có đôi nét sáng sủa hơn. Cả năm qua, khối doanh nghiệp này đạt tổng sản lượng bán hàng 80.487 chiếc, giảm 27% so với năm 2011, tỷ lệ giảm này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ giảm chung của toàn thị trường. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 26.074 chiếc, giảm 36%; phân khúc xe đa dụng đạt 16.956 chiếc, giảm 26%; phân khúc xe thương mại đạt 35.528 chiếc, giảm 23%.

Nhìn cục diện thị trường theo hãng xe, việc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đạt mức tăng trưởng 34% chỉ là một chấm sáng nhỏ nhoi và duy nhất. 17 hãng xe còn lại đều bị sụt giảm, đáng chú ý là những hãng xe có mức sản lượng và chiếm thị phần lớn.

Điển hình là GM. Năm 2012 hãng xe Mỹ đạt sản lượng bán hàng 5.613 chiếc, giảm đến 46% so với năm 2011. Kế đến là Ford với mức sản lượng 4.790 chiếc, giảm 45%. Vinaxuki đạt 4.453 chiếc, giảm 41%. Trường Hải đạt 24.001 chiếc, giảm 25%. Dù có tỷ lệ giảm cao hơn rất nhiều song một số hãng xe như VMC, Vinacomin – Vinacoal hay SanYang không tạo quá nhiều áp lực lên thị trường chung do giữ thị phần quá thấp, đều chưa đến 1%.

Ngay từ đầu năm cũng đã có không ít nhận định về khả năng suy giảm của thị trường ôtô năm 2012 xuất phát từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung. Song, giảm “thê thảm” như thực tế các con số thống kê đã cho thấy thì ít người dự liệu.

Nhận định nguyên nhân, VAMA cho rằng “hầu hết sự sụt giảm của năm 2012 là do việc tăng phí, thuế cùng với việc các loại thuế, phí mới được ban hành”.

Trên thực tế, trong năm 2012 vừa qua chỉ có lệ phí trước bạ tại một số tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng lên là đáng kể. Mức tăng của vài loại phí khác như phí cấp biển số, phí trông giữ xe không có nhiều tác động tiêu cực lên sức mua của thị trường.

Tuy nhiên, dù mới chỉ là kế hoạch, dự kiến thu mới hoặc tăng thu thì một số loại phí khác cũng đã góp phần không nhỏ vào việc “đè nén” sức mua.

Điển hình là kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ với mức thu từ 2,09 triệu đồng đến 16,76 triệu đồng/xe/năm. Bên cạnh đó là đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân với mức thu lớn hơn rất nhiều, cao nhất lên đến 50 triệu đồng/xe/năm. Hai loại phí này, sau đó một được hoãn thực hiện đến đầu năm nay, một chưa biết khi nào thu mà mới đây nhất, Bộ Tài chính đã có đề xuất không thu.

Có thể hình dung thị trường ôtô năm qua giống như một cơ thể vốn dĩ đang ốm yếu, sức đề kháng kém thì chỉ cần thêm một vài tác động tiêu cực, cơ thể đó có thể đi đến nguy cơ đột quỵ.

Dự kiến năm 2013, tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường ôtô Việt Nam sẽ đạt khoảng 100.000 xe, tương đương mức tăng 8% so với năm 2012.

“Thê thảm” như ôtô năm 2012 (1) 
Theo An Huy
vneconomy