Quản trị rủi ro: Cần quyết tâm từ người đứng đầu
Bê bối tại DN, đặc biệt là khối CTCK đang xảy ra ngày càng
nhiều, khiến quản trị rủi ro trở thành vấn đề được các DN quan tâm
nhiều hơn trong thời gian gần đây. ĐTCK đã trao đổi với ông
Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Tư vấn DN Công ty
TNHH Ernst & Young Việt Nam về vấn đề này.
Thu Hương
Từ năm 2008 đến nay, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn hơn trước rất nhiều, không ítDN
thua lỗ, nợ nần, thậm chí lãnh đạo DN vướng vào vòng lao lý. Ở những DN
này, có phải vấn đề quản trị rủi ro đã không được thực hiện tốt?
Quản trị là kiểm tra, giám sát, kiểm soát, có quy định chế tài, có
thưởng, có phạt. Muốn có một khung kiểm tra giám sát cho đúng thì trước
tiên phải biết rủi ro nằm ở đâu, vì đầu tư dàn trải vào bộ máy kiểm soát
ở tất cả các khâu thì không những không hiệu quả về chi phí, mà còn
không phù hợp với chiến lược DN xây dựng. DN cần có chiến lược kiểm soát
rủi ro, xác định xem DN chịu được rủi ro đến đâu, đâu là rủi ro trọng
yếu. Hệ thống kiểm soát có phục vụ cho mục đích kiểm soát rủi ro chiến
lược hay không. Quan trọng nhất là HĐQT có theo dõi thường xuyên và đánh
giá đúng các vấn đề về quản trị rủi ro, quản trị DN của mình hay không.
Hệ thống quản trị rủi ro là một công cụ, nếu công cụ không được sử
dụng đúng thì không có tác dụng. Đối chiếu nguyên tắc này vào một số
trường hợp sai phạm của DN mà báo chí nêu gần đây thì có thể nói, vấn đề
quản trị rủi ro đã chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ.
Ông có nhận thấy các DN Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn
đến quản trị rủi ro sau những bài học thất bại của chính mình hoặc của
những DN bạn?
Gần đây, người ta bàn luận nhiều về quản trị rủi ro. Một số vùng rủi
ro đặc thù được quan tâm nhiều hơn các rủi ro khác, đó là rủi ro về
chiến lược. Trong bối cảnh khủng hoảng, người ta suy nghĩ lại về bài
toán chiến lược và phát triển của DN, định vị lại mình ra sao. Ví dụ,
đối với các khách hàng mà chúng tôi tư vấn trong lĩnh vực xây dựng, thì
định hướng phân khúc thị trường là sống còn, vì DN không thể chỉ dựa vào
phân khúc xây nhà dân dụng trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay.
Nhưng năng lực cốt lõi có đủ để DN này hướng ra các lĩnh vực xây dựng
mới hay không? Các xu hướng về mua bán, sáp nhập DN thường được áp dụng
để trả lời cho câu hỏi trên, nhằm bù đắp thiếu sót và mở rộng khả năng
kinh doanh của DN. Đây là mối đe dọa, đồng thời cũng là cơ hội chiến
lược lớn. Quản trị rủi ro vì thế không thể tách rời với một tầm nhìn và
chiến lược dài hạn. Hiện tại, chiến lược được đặt lên vị trí hàng đầu.
Một rủi ro cũng đang rất nóng bỏng trên thị trường là rủi ro về tuân
thủ. Đây là vấn đề của mọi thị trường. Một đơn vị chế biến xuất nhập
khẩu thì rủi ro đến từ quy định của các thị trường nhập khẩu. Tại Việt
Nam, đó là tiến trình đi đến khung tuân thủ quy định của WTO. Hay khi
thị trường khó khăn, các nước có xu hướng siết lại hàng rào phi thuế
cũng là một rủi ro tuân thủ.
Hiện nay, các DN thường hay nhắc đến các rủi ro trọng yếu là rủi ro
chiến lược và rủi ro tuân thủ. Làm sao để quản trị rủi ro này? HĐQT phải
thực sự xem đó là trách nhiệm của mình và phải có hệ thống chuẩn hóa để
DN đánh giá đồng bộ và kịp thời về rủi ro để ứng phó.
Theo ông, DN Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ, kinh phí có
hạn, có thể tự xây dựng một quy trình chuẩn hóa cho quản trị rủi ro,
thay vì phải thuê tư vấn độc lập hay không?
Quản trị rủi ro được làm bài bản có 3 bước chính. Bước đầu tiên là
quảng bá văn hóa quản trị rủi ro cho toàn thể nhân viên, vì rủi ro đến
từ mọi phía, từ mọi quy trình, con người tham gia vào DN. Vì vậy, văn
hóa quản trị rủi ro phải được đồng nhất trong một DN.
Bước thứ hai là xác định và đánh giá về rủi ro của DN. Quản trị rủi
ro luôn là sự cân đối giữa rủi ro chấp nhận và cái lợi thu lại. Do đó,
phương pháp quản trị rủi ro phải phục vụ cho bài toán cân đối này, không
quá chặt, mà có sự linh hoạt.
Bước ba, xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với rủi ro. Sự nhìn
nhận, đánh giá và các hành động ứng phó với rủi ro này phải được thống
nhất trong toàn bộ DN và được thực hiện thành một quy trình xuyên suốt
quá trình hoạt động của DN.
Từ bản đánh giá rủi ro đến kế hoạch hành động thì 80% là công việc
của DN. Còn giai đoạn đầu, xây dựng nền tảng, huấn luyện kỹ thuật, làm
sao để quảng bá đồng bộ văn hóa quản trị rủi ro, thì DN có thể nhờ nhà
tư vấn. Vấn đề quảng bá văn hóa quản trị rủi ro hiện nay đã khá phổ
biến, nên tôi cho rằng, việc thuê một nhà tư vấn hỗ trợ DN không phải
trả phí quá cao, mức phí tư vấn có thể chấp nhận được để tạo nền tảng
đầu tiên cho quản trị rủi ro. Sau đó, DN có thể tiếp tục phát triển hệ
thống của mình.
Theo ông, trong quản trị rủi ro thì điểm mấu chốt là gì?
Đó là sự nhận thức của chính lãnh đạo cao nhất trong công ty và sự
chuyển tải các nhận thức đó đến toàn bộ cấp quản lý bên dưới. Nếu không
có sự quyết tâm này, thì mọi quy trình xây dựng đều không được thực thi.
(Theo ĐTCK)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét