BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Những thương vụ M&A khủng nhất Việt Nam



Những thương vụ M&A khủng nhất Việt Nam

Bank of Tokyo đầu tư vào Vietinbank là giao dịch M&A lớn nhất năm 2012. Các tập đoàn nước ngoài vẫn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bảo hiểm và vật liệu xây dựng.
>Doanh nghiệp Nhật dẫn đầu về M&A tại Việt Nam

Theo Công ty Dữ liệu và Phân tích StoxPlus, các tập đoàn nước ngoài vẫn đẩy mạnh đầu tư vào các ngành bảo hiểm, vật liệu xây dựng với tổng giá trị lần lượt đạt 388 triệu USD và 587 triệu USD. Ngành ngân hàng trong năm 2012 ghi nhận duy nhất một thương vụ có đối tác nước ngoài của Vietinbank với 743 triệu USD. Trong khi đó, ngành thực phẩm và đồ uống năm qua không sôi động và sụt giảm mạnh về giá trị cũng như số lượng so với 2011.
Dưới đây là 8 thương vụ khủng nhất có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài:
1. Bank of Tokyo mua Vietinbank
Tháng 12/2012, Bank of Tokyo-Mitsubishi (Nhật Bản) và Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank ký kết thương vụ khủng nhất M&A trong năm 2012. Vietinbank sẽ bán gần 20% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản với giá 743 triệu USD thông qua việc phát hành 644 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ của VietinBank sau khi phát hành cổ phiếu cho BTMU dự tính sẽ là 32.661 tỷ đồng.
2. Nhà đầu tư Pháp mua Oil Field Block 15-2
Hồi tháng 2/2012, Conoco Philips Vietnam - hãng dầu mỏ lớn thứ 3 nước Mỹ đã ký thỏa thuận bán toàn bộ tài sản tại Việt Nam gồm 3 công ty con cho Perenco France (Pháp) với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ đôla. Đây là một trong 3 thương vụ và Conoco thu về gần 615 triệu USD. Block này nằm trong khu khai thác mỏ dầu Rạng Đông thuộc bồn trũng Cửu Long.
3. Perenco chi 397 triệu mua Oil Field Block 15-1
Ở thương vụ chuyển nhượng công ty con thứ hai, Conoco Vietnam thu về khoảng 397 triệu đôla.
4. Sumitomo mua 15% cổ phần Tập đoàn Bảo Việt
Hãng bảo hiểm lớn thứ 4 của Nhật Bản Sumitomo Life Insurance đã trả 340 triệu USD (tương đương 57.950 đồng một cổ phiếu để có 18% cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt. Số cổ phần này trước đó thuộc về HSBC.
5. Perenco mua Nam Côn Sơn
Thương vụ thứ 3 của Conoco và Perenco trị giá 287,3 triệu USD cũng được tiến hành hồi tháng 2/2012. Sau vụ chuyển nhương này, Perenco sở hữu 16,3% cổ phần tại Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
Hệ thống đường ống Nam Côn Sơn dài 393km vận chuyển nguồn khí gas từ Nam Côn Sơn về Vũng Tàu. Đơn vị vận hành trước đó gồm Petro Vietnam (51%), nhà đầu tư và tập đoàn BP (32,7%) và Conoco (16,3%).
6. Nhà đầu tư Thái Lan mua Prime Group
Cuối tháng 12/2012, Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng ). Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này hiện có 6 nhà máy sản xuất gạch với công suất 75 triệu m2 mỗi năm, chiếm 20% thị phần trong nước.
7. Xi măng Thăng Long có chủ mới
Theo StoxPlus, nhà đầu tư Indonesia đã chi 230 triệu USD để sở hữu 70% cổ phần Công ty Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh). Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, hoạt động từ tháng 12/2008 với công suất 2,3 triệu tấn xi măng mỗi năm.

Semen Gresik là tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất Indonesia. Trên thị trường chứng khoán nước này, Semen Gresik là 1 trong 10 công ty có giá trị vốn hóa trên 9 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A đầu tiên của Semen Gresik ngoài lãnh thổ Indonesia.
8. Tập đoàn của Anh mua Soco Vietnam
Vào tháng 3/2012, Tập đoàn Dầu khí Soco International PLC của Anh Quốc chi 95 triệu USD để mua lại 20% cổ phần trong Soco Vietnam từ Lizeroux Oil & Gas Ltd. Soco Vietnam nắm giữ 28,5% cổ phần ở giếng dầu Tê Giác Trắng lô 16-1, và 25% trong giếng Cá Ngừ Vàng lô 9-2. Trong khi đó, Lizeroux là công ty có cổ phần chính.

Những thương vụ M&A 'khủng' nhất năm 2012

Năm 2012 ghi nhận 98 thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp trong nước (không tính thương vụ dưới 10 tỷ đồng) với tổng giá trị 1,2 tỷ USD.

StoxPlus nhận định, năm 2012, việc M&A giữa các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là câu chuyện hợp nhất ngành của một số công ty có tiềm lực tài chính. Dưới đây là những thương vụ lớn nhất:
1. Habubank sáp nhập vào SHB
Thương hiệu Habubank biến mất. Ảnh: Anh Quân
Thương hiệu Habubank biến mất. Ảnh: Anh Quân
Tháng 4 năm ngoái, Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) được chỉ định phải sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Bầu Hiển - ông chủ SHB đã chi khoảng 193 triệu USD cho thương vụ. Sau sự kiện này, thương hiệu Habubank bị xóa sổ khỏi thị trường.
2. Công ty Sài Đồng mua lại Nam Hà Nội
Tháng 2/2012, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng thuộc Tập đoàn Vingroup chi 114 triệu USD để sở hữu gần 24% cổ phần tại Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội
3. Đại gia Masan lấn sân thị trường thức ăn gia súc
Tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Masan bỏ 96 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng, để mua lại 40% cổ phần mà hai quỹ của Prudential đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Việt - Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (Proconco).

Proconco là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai trong nước với thương hiệu Cám con cò, ở thời điểm chuyển nhượng nắm giữ thị phần khoảng 12%. Sản lượng của công ty này năm 2011 là 1,2 triệu tấn và doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng.

4. Hanel mua lại toàn bộ khách sạn Daewoo
Tháng 3/2012 thị trường bất động sản ghi nhận thương vụ M&A đình đám nhất trong năm đó là công ty Daewoo E&C Hàn Quốc đã bán 70% cổ phần trong khách sạn Daewoo cho Công ty Điện tử Hanel. Với 30% cổ phần nắm giữ từ trước, Hanel đã trở thành đơn vị sở hữu 100% cổ phần tại khách sạn này. Thương vụ này có giá trị khoảng 83 triệu USD.

5. Cuộc thâu tóm Sacombank
Công cuộc thâu tóm Sacombank của cổ đông Eximbank diễn ra không phải trong một sớm một chiều. Từ cuối năm 2011 đã xuất hiện những tin đồn về việc một nhóm cổ đông đang tích cực mua gom cổ phiếu STB. Nhưng phải đến tháng 2/2012, nhóm thâu tóm mới lộ diện, trong đó Eximbank đã sở hữu 9,6% cổ phần Sacombank và hiện đang là cổ đông lớn nhất của nhà băng này. Theo StoxPlus, Eximbank phải chi khoảng 80,4 triệu USD để mua số cổ phần trên..

6. Viettel gia tăng sở hữu tại Ngân hàng Quân đội
Ngân hàng Quân đội. Ảnh: Hoàng Hà
Viettel chi khoảng 50 triệu USD để tăng sở hữu tại Ngân hàng Quân đội. Ảnh: Hoàng Hà
Sau khi “đổ” vào Ngân hàng Quân đội khoảng 50 triệu USD (1.000 tỷ đồng) thì Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel đã nâng sở hữu từ 11% lên 19% vốn điều lệ nhà băng này. Thương vụ này được tiến hành hồi tháng 4/2012.
7. Gia đình ông Trầm Bê mua cổ phần Sacombank
Đây là giao dịch mang tính cá nhân duy nhất lọt vào top trong danh sách của StoxPlus. Đại gia đình ông Trầm Bê đã chi khoảng 33,8 triệu USD để được nắm giữ 3,9% cổ phần của Sacombank.
8. FLC Land sáp nhập vào FLC Group
Tháng 6/2012, FLC Land được sáp nhập vào Tập đoàn FLC. Sau sáp nhập, Tập đoàn FLC phải phát hành cổ phần hoán đổi với giá trị khoảng 30,1 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng).
9.DOJI mua 20% cổ phần TienPhongBank
Một thương vụ nữa cũng liên quan đến ngành ngân hàng, đó là việc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI mua lại 20% cổ phần Ngân hàng Tiên Phong. Giá trị của thương vụ này là 30 triệu USD.
Ngọc Tuyên









Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét