BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Doanh nhân người Việt ở nước ngoài – kênh xúc tiến thương mại và du lịch hiệu quả

Doanh nhân người Việt ở nước ngoài – kênh xúc tiến thương mại và du lịch hiệu quả
08:30 | 27/02/2013
(ĐCSVN) – Với tiềm năng tri thức và kinh tế, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có tiềm năng không nhỏ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Các doanh nhân kiều bào đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện vai trò làm cầu nối giúp thương mại và du lịch Việt Nam vươn ra thế giới.
Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, hiện có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại 103 quốc gia và lãnh thổ. Hàng năm, có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có không ít chuyên gia, trí thức về nước tìm hiểu để đầu tư kinh doanh. Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10 - 15%/năm (năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD), chiếm 1/10 GDP, đưa Việt Nam trở thành 1 trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất.
 
Cộng đồng doanh nhân NVNONN có vai trò không nhỏ trong việc đưa
 hàng hóa Việt Nam ra thế giới (Ảnh: Hải Lê)
Cùng với sự phát triển của cộng đồng NVNONN, đội ngũ doanh nhân kiều bào luôn phấn đấu vươn lên, hội nhập và đóng góp thiết thực cho nước sở tại cũng như trong nước. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự gia tăng về số lượng các doanh nhân NVNONN hiện diện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù tiềm lực kinh tế của cộng đồng còn ở mức khiêm tốn, cần tiếp tục bồi dưỡng và phát huy, nhưng cũng đã xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt, làm chủ những doanh nghiệp có số vốn lên tới hàng trăm triệu USD với hàng ngàn nhân công.
Chúng ta cũng chứng kiến quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, nỗ lực để theo kịp bước tiến thị trường quốc tế của các doanh nhân Việt Nam đang kinh doanh tại khắp các quốc gia trên thế giới. Tại các nước như: Nga, Ucraina, Đức, Mỹ, …, nhiều trung tâm thương mại Việt Nam đã và đang được xây dựng, triển khai hoạt động, tạo điều kiện quy tụ hoạt động kinh doanh của cộng đồng, thêm sức mạnh cạnh tranh với doanh nghiệp của các cộng đồng cư dân khác.
Thêm vào đó, trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp NVNONN ngày càng chú trọng liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác, đoàn kết, tập hợp sức mạnh của những doanh nhân Việt kiều sinh sống và làm ăn tại nước ngoài, thể hiện cụ thể thông qua việc ra đời hàng loạt của các hội doanh nhân ở các nước, các khu vực, mà đặc biệt là Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức đầu tiên của các doanh nghiệp kiều bào trên quy mô toàn cầu.
Kênh xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả
Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN đã chỉ rõ, cần: “Phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài làm dịch vụ, thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam”.
Thực tế đã cho thấy, cộng đồng doanh nhân NVNONN chính là những cầu nối quan trọng, kênh xúc tiến thương mại và du lịch hiệu quả, đưa hàng hóa, hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông Đặng Trần Phong - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Khoa học và công nghệ (Ủy ban Nhà nước về NVNONN) cho biết: Cộng đồng doanh nhân kiều bào có tiềm lực kinh tế ngày càng lớn, có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết, tổ chức tốt các hoạt động kinh tế của người Việt; hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh; có đóng góp và uy tín ở nước sở tại, tạo thế cho cộng đồng người Việt, do vậy, đã tập hợp được cộng đồng; đồng thời, có nhiều hoạt động đóng góp, tích cực hỗ trợ các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

 
Các chợ và nhà hàng chính là nơi thường xuyên có người dân nước sở tại tới mua bán và sử dụng dịch vụ (Ảnh: Hải Lê)
Theo ông Bùi Đình Dĩnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: NVNONN nói chung và các doanh nhân NVNONN nói riêng, đang đóng góp ngày càng lớn cho đất nước. Vai trò của NVNONN hiện nay không chỉ giới hạn ở số tiền hàng năm chuyển về nước dưới hình thức đầu tư và kiều hối, mà bên cạnh đó, họ còn được liên tục nhắc đến với các vai trò khác như: Kết nối, tư vấn, thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ..., góp phần quan trọng giúp đất nước ta có thể đuổi kịp sự phát triển chung của thế giới.
Ông Bùi Đình Dĩnh nhấn mạnh: Với lợi thế về ngôn ngữ, sự hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán và phương thức kinh doanh của nước sở tại cũng như của Việt Nam, bằng mối quan hệ và uy tín của cá nhân, những doanh nhân NVNONN đang trở thành cầu nối đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến gần Việt Nam và hiểu Việt Nam hơn. Đồng thời, họ còn vận động các kiều bào khác tiếp tục có những hoạt động hữu ích cho đất nước.
Có thể khẳng định rằng, các doanh nhân NVNONN chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của chúng ta, như: May mặc, da giầy, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ v.v… Không chỉ trực tiếp làm xuất nhập khẩu, gần đây, đã xuất hiện khá nhiều các công ty tư vấn, tiếp thị của người Việt, góp phần quan trọng đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối của các nước. Có thể nói, hợp tác với những Việt kiều có kinh nghiệm làm ăn ở nước sở tại là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa của mình ra nước ngoài.
Phát huy nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng doanh nhân kiều bào
Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, chuyển giao công nghệ, không thể phủ nhận rằng, doanh nghiệp của NVNONN là một kênh xúc tiến thương mại và du lịch tiềm năng rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng đó.
Một minh chứng điển hình là việc hàng năm, các cơ quan chức năng của Nhà nước thường tổ chức những “Ngày Việt Nam” tại một số quốc gia. Hoạt động này đã góp phần tích cực quảng bá thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam và môi trường đầu tư của Việt Nam…. Song thực tế, không ít bà con kiều bào ta cho biết, sau thời điểm diễn ra sự kiện, người dân và các tổ chức kinh tế của nước sở tại cũng như cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây lại không còn có nhiều tài liệu, hình ảnh về hàng hóa hay địa chỉ của doanh nghiệp trong nước để liên hệ khi cần thiết. Do đó, hiệu quả thu được từ những hoạt động này chưa cao, chưa phát huy hết được tác dụng như mong muốn.
Chính vì vậy, phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, anh Nguyễn Trung Thực - Chủ nhiệm Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt – Đức đã từng đưa ra kiến nghị: Chính phủ nên có kế hoạch và tài chính để liên kết những người Việt Nam đang kinh doanh tại các quốc gia trên thế giới; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý và xúc tiến thương mại – du lịch, chính sách ưu đãi, đầu tư của Chính phủ ta… cho họ; khuyến khích và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp NVNONN để tạo điều kiện cho đôi bên cùng có lợi.
Hàng ngày, một bộ phận không nhỏ người dân của nước sở tại đều có mối quan hệ mua bán, giao dịch tại các cơ sở kinh doanh của người Việt. Đặc biệt, các chợ và nhà hàng chính là nơi thường xuyên có nhiều người nước sở tại đến mua bán và sử dụng dịch vụ. Do đó, nếu những doanh nhân kiều bào là các chủ nhà hàng, chủ cơ sở kinh doanh,… được trang bị kiến thức về xúc tiến thương mại và du lịch… một cách đầy đủ; có nhiều tài liệu cần thiết về môi trường đầu tư, địa danh du lịch của Việt Nam để quảng bá ngay tại các cơ sở kinh doanh của họ; và có quyền lợi nếu kết nối được sự hợp tác với doanh nghiệp trong nước thì chính những người doanh nhân người Việt này sẽ là những nhân tố xúc tiến thương mại và đầu tư, du lịch… thường xuyên, tích cực và hiệu quả cho đối tác và thị trường trong nước.
Và như vậy, chúng ta không chỉ tổ chức được một số “Ngày Việt Nam” tại một số quốc gia nhất định, mà sẽ có liên tục 365 “Ngày Việt Nam” trong năm tại tất cả các quốc gia có người Việt đang kinh doanh.
 
Hội nghị NVNONN lần thứ 2 vạch ra nhiều hướng đi hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực của cộng đồng NVNONN nói chung và đội ngũ doanh nhân
 kiều bào nói riêng (Ảnh: Lê Nguyễn)
Ngoài ra, Nhà nước ta cũng nên có chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp của NVNONN để họ phát triển bền vững, làm “tiền phương” cho hoạt động hợp tác kinh tế của nước ta với quốc gia sở tại. Chúng ta cũng cần có biện pháp kêu gọi, khuyến khích cán bộ, công chức nước ta khi đến công tác ở quốc gia nào thì hãy sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp người Việt đang kinh doanh. Đó cũng là sự hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn đã từng nhấn mạnh: “Công tác vận động doanh nhân kiều bào, phát huy nguồn lực của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển đất nước và quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, trước những yêu cầu phát triển và hội nhập mà Đảng, Nhà nước đặt ra cùng sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng NVNONN, công tác về NVNONN trong thời gian tới hướng đến mục tiêu phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh của kiều bào; giảm thiểu những khó khăn, trở ngại mà bà con đang gặp phải để tận dụng tốt nhất nguồn lực quý giá này cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước.
Về thu hút đầu tư của kiều bào, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Trước hết là phát huy sức mạnh của lực lượng và mạng lưới doanh nhân người Việt, xây dựng và củng cố các tổ chức, hội doanh nhân NVNONN làm đầu tàu kết nối kinh tế Việt Nam với các nước. Kiến nghị Nhà nước tiếp tục có những chính sách mới mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào...
Trong tổng số hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, có một bộ phận không nhỏ là các doanh nhân. Họ có mặt ở đông đảo các quốc gia trên thế giới và hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Điều đặc biệt là trong những năm gần đây, cộng đồng NVNONN ngày càng tích cực hướng về quê hương, có những đóng góp to lớn, thiết thực, toàn diện và đa dạng hơn vào công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố sự đoàn kết và cải thiện vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Để kiều bào thực sự là cầu nối hiệu quả, “chắp cánh” cho thương mại và du lịch Việt Nam vươn ra thế giới không phải chỉ là việc làm “một sớm một chiều”. Nó đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả những người dân đất Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài./.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét