Để độc giả có điều kiện hiểu đầy đủ thế nào nợ và việc hành nghề thu nợ hợp pháp, từ đó giúp đánh giá khách quan hành vi phạm tội của các bị can trong hai vụ án trên.
1. Khoản Nợ là gi? Bản chất?
Khoản “nợ” được hiểu đơn giản là việc trong “giao dịch” người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng nghĩa vụ của mình.
Các “giao dịch”: dân sự, kinh tế, thương mại, ... thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản hoặc không bằng văn bản để các bên mua bán, chuyển nượng, cho vay tiền/tài sản/hàng hoá và khi một trong các bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng(gồm cả thanh toán) thì phát sinh nợ.
Khoản nợ thông thường là tài sản hoặc quyền về tài sản(quyến đối với một/nhiều tài sản…)
Tài sản nợ có thể là: tiền VNĐ, USD, nhà đất, kim loại quí, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông, hàng hoá/dịch vụ khác…
2. Thực trạng nợ đọng trong xã hội việt nam:
Trong một chương trình khảo sát của Quĩ đầu tư ADB kết hợp với Văn phòng luật sư Đông Nam Á tiến hành 2005. Thì cho thấy trong số 500 doanh nghiệp được khảo sát có tới 482 doanh nghiệp(chiếm 96,4%) thừa nhận hiện đang nợ hoặc cho doanh nghiệp khác vay nợ. Trong số 500 cá nhân độ tuổi từ 30 – 55 thì có tới 312 người(chiếm 62,4%) thừa nhận hiện đang nợ hoặc cho tổ chức, cá nhân khác vay nợ.
Kết quả trên cho thấy gần như các khoản nợ luôn song song tồn tại với sự tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với qui luật phát triển của nền kinh tế thị truờng – dòng vốn luôn vận động, kể cả vốn của cá nhân khi họ không trực tiếp tham gia kinh doanh(cho vay).
3. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến, phát sinh các khoản nợ xấu:
Ở bài viết này tôi tạm chia nợ ra làm hai loại: nợ thường - nợ, mà chủ thể quyền có thể tự mình giải quyết thu hồi; Nợ xấu - nợ, mà chủ thể quyền không thể tự mình thu hồi vì nhiều lý do khách quan.
Do quan hệ này(giao dịch) phát sinh, phát triển không ngừng trong xã hội, thì ngoài những mặt tích cực nó cũng sẽ phát sinh mặt tiêu cực – đó chính là những khoản nợ xấu/nghĩa vụ mà một bên giao dịch không thể tự mình yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện.
Từ kinh nghiệm nhiều năm giải quyết nợ, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các khoản nợ xấu gồm:
- Các khoản nợ thường không được quản lý, chăm sóc đúng phương pháp chuyển hoá thành;
- Một trong các bên vi phạm thời hạn giao hàng/hoàn thành công việc;
- Có thắc mắc về chất lượng, số lượng, chủng loại hàng hoá/ dịch vụ;
- Có khó khăn về tài chính/hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Một phần nhỏ có ý định chiếm dụng vốn ngay từ khi ký hợp đồng(trây ỳ, chậm trả để sử dụng vốn vào việc khác – vẫn trả, nhưng trả nhỏ giọt);
- Lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
4. Thực trạng xử lý, thu hồi nợ xấu của các chủ thể quyền:
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy các chủ thể quyền rất lung túng trong việc thu hồi tài sản nợ. Các doanh nghiệp thường dùng biện pháp như làm công văn nhắc/đòi nợ hoặc cử nhân viên kế toán/kinh doanh đến năn nỉ đòi. Sau khi phương pháp trên không có hiệu quả thì tìm cách khởi kiện ra Toà án Nhân dân có thẩm quyền hoặc treo nợ/khoanh nợ/xoá nợ. Hình thức xoá nợ hay được các doanh nghiệp Nhà nước áp dụng.
Nhìn chung kết quả thu hồi nợ của các doanh nghiệp đều không khả quan, mất thời gian hoặc mất tiền/tài sản vì một số lý do chủ yếu sau: cán bộ xử lý không chuyên nghiệp; không có kỹ năng, nghiệp vụ; không có kinh nghiệm, nhiều khi do thiếu hiểu biết dẫn đến hết thời hiệu yêu cầu pháp luật bảo vệ(khởi kiện) mất tài sản.
Vậy qui trình chuẩn như thế nào:
Đàm phán, hoà giải(1) - khởi kiện(2) - tranh tụng qua các cấp xét xử(3) - thi hành án(4).
Các Công ty dịch vụ thu nợ luôn tìm cách giải quyết nợ ngay tại giai đoạn đầu - (1), vì nó sẽ giảm chi phí, giảm thời gian giải quyết vụ án, giảm thiệt hại cho khách hàng. Mặt khác họ cũng không có nhân lực chuyên sâu để tham gia các giai đoạn sau của vụ án. Tuy nhiên điểm này các Công ty Luật & Văn phòng luật sư lại khắc phục được hạn chế đó.
Như đã nói ở trên việc xử lý thu hồi nợ là một chuỗi các hoạt động(bao gồm cả các hoạt động tố tụng) để giải quyết một tranh chấp nhất định – tranh chấp dân sự, thương mại(nợ đọng) - nên một lý do quan trọng nữa dẫn tới việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp kém hiệu quả đó chính là trình tự, thủ tục tố tụng quá phức tạp tốn kém. Khả năng thi hành bản án có hiệu lực pháp luật gần như không có. Đó là chưa kể tới sự sách nhiễu của cán bộ, người tiến hành tố tụng.
Hiện nay, tỷ lệ thi hành án (THA) dân sự luôn ở mức thấp. Theo số liệu của Cục THA (Bộ Tư pháp) thì với 450.971 bản án kinh tế, dân sự phải thi hành có tới 173.078 bản án không có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 38,37%. Những bản án không có điều kiện thi hành nhiều khi lại do chính cán bộ thi hành/người bị thi hành cố tình gây ra hoặc tìm cách lách luật đẩy việc thi hành án vào bế tắc.
Cơ quan Thi hành án T.P Hồ Chí Minh được đánh giá là cơ quan hoạt động hiệu quả nhất trong toàn ngành, thì theo kết quả công tác THA dân sự trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh năm 2006, đã giải quyết 52.746 việc. Đem con số này so với 54.749 việc có điều kiện thi hành thì tỷ lệ đạt được lên đến 96,3%; nhưng nếu so với 93.097 việc phải thi hành thì tỷ lệ chỉ là gần 56,7%. Xét về giá trị, năm 2006 ngành THA T.P Hồ Chí Minh thu được hơn 672 tỷ đồng, chỉ mới đạt được 30,4% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành và không đạt được chỉ tiêu giá trị 55% do Bộ Tư pháp giao.
Đôi khi Bản án chỉ có giá trị trên giấy, có nhiều bản án 10 -20 năm vẫn không thi hành được, ví dụ vụ anh Vương Văn Cường ở 82 phố Hoà Mã, Hà nội, trên 13 năm qua vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Bản thân Toà án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát, Bộ tư pháp trong báo cáo gửi Quốc hội đã thừa nhận sự phát triển của ngành tư pháp(trong đó có Thi hành án) đã không theo kịp sự phát triển của xã hội. Như vậy theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật thì sự phát triển của các thiết chế, pháp luật không phù hợp, không theo kịp sự phát triển của các quan hệ xã hội(không có cơ chế để điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh) sẽ dẫn đến tình trạng kìm hãm sự phát triển của xã hội. Đây cũng chính là lý do tại saoViệt nam trong thời gian qua, những nghành nghề nào Nhà nước không quản lý được thì không hoặc dừng cấp phép kinh doanh: Vũ trường, Karaoke, Casino, Thám tử, Thu nợ…
Từ những phân tích trên cho thấy nhu cầu xử lý nợ đọng của xã hội ngày càng cao, cần có những người giải quyết chuyên nghiệp, hợp pháp. Do vậy dịch vụ thu nợ thuê đã phôi thai, hình thành nhằm thoả mãn các nhu cầu đó của xã hội.
5. Các qui định của Pháp luật Việt Nam về dịch vụ Thu hồi nợ:
Dịch vụ thu hồi nợ không nằm trong danh mục cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên đây là ngành nghề nhạy cảm, hiện vẫn chưa có quy định pháp lý hướng dẫn cụ thể việc cấp phép đăng ký kinh doanh, quản lý khiến các cơ quan cấp đăng ký kinh doanh gặp nhiều lúng túng. Gần đây việc cấp Đăng ký kinh doanh cho loại hình dịch vụ này đang tạm dừng để chờ hướng dẫn cụ thể hơn của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay Cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi công chúng để sớm hoàn chỉnh quị định về kinh doanh dịch vụ thu nợ.
Dịch vụ đòi nợ theo dự kiến chỉ được thực hiện theo thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa bên chủ nợ và doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các cá nhân, tổ chức đều có thể lập doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này . Trong đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện dịch vụ đòi nợ đối với khoản nợ mà chính mình là khách nợ.
Dịch vụ đòi nợ theo quy định tại dự kiến chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự và phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của pháp luật. Đối với các khoản nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự, chưa quá hạn thanh toán, đang tranh chấp hoặc đã được Toà án tuyên án và chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý... sẽ không nằm trong đối tượng thực hiện của dịch vụ đòi nợ...
Trong quá trình triển khai nghiệp vụ, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện hoặc sử dụng những người ngoài doanh nghiệp mình, những tổ chức khác thực hiện các hành vi như lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với khách nợ, người thân của khách nợ hoặc những người, tổ chức khác có liên quan. Dịch vụ này không được xâm phạm đời tư của khách nợ, người thân của khách nợ hoặc những người khác có liên quan.
Theo chúng tôi dự kiến dịch vụ thu nợ trên sẽ vấp phải rất nhiều hạn chế. Các cá nhân, tổ chức đều có thể lập doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này, có nghĩa là bất ký ai có đủ điều kiện theo luật doanh nghiệp 2005 là có thể thành lập doanh nghiệp và kinh doanh dịch vụ này. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng người không hiểu biết pháp luật vẫn có thể kinh doanh loại hình dịch vụ nhạy cảm này. Thậm chí người có tiền án tiền sự vẫn có thể kinh doanh ví dụ Nguyễn Bình Minh (cổ đông/nguyên giám đốc Công ty cổ phần thu nợ Phương Ðông, có một tiền án và một tiền sự).
Và sẽ không tránh khỏi việc vi phạm pháp luật trong khi hành nghề mà chúng ta cũng chưa có cơ chế nào để điều chỉnh, giám sát họ hành nghề. Mà chỉ đến khi họ có các hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì chúng ta mới xứ lý. Nhưng đến khi phát hiện và xử lý, thì họ đã làm thiệt hại cho xã hội không nhỏ rồi.
Nếu nhìn nhận phân tích đầy đủ bản chất của khoản nợ, phương pháp, qui trình thu hồi nợ - nhận uỷ quyền của khách hàng → đàm phán, hoà giải → khởi kiện/tố cáo → xét xử → thi hành án - thì Doanh nghiệp dịch vụ muốn xử lý nợ đọng hiệu quả, hợp pháp bắt buộc phải tuân thủ qui trình này.
Ngoài phương pháp, qui trình trên sẽ không còn phương pháp, qui trình nào khác được coi là hợp pháp cả. Như vậy người làm được đầy đủ, trọn vẹn một qui trình thu nợ ở trên thì đòi hỏi họ phải có một kiến thức pháp luật nhất định, do đó chúng tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần phải xác định bản chất đây là một loại hình “dịch vụ pháp lý”.
Chính vì việc chưa xác định chính xác Bản chất của loại hình dịch vụ này nên cơ quan chức năng đang rất lúng túng khi cấp phép và quản lý.
Đối với dự kiến: các khoản nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự, chưa quá hạn thanh toán, đang tranh chấp hoặc đã được Toà án tuyên án và chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý... sẽ không nằm trong đối tượng thực hiện của dịch vụ đòi nợ...đây sẽ là điểm khá vướng mắc bởi nếu họ thuê, uỷ quyền cho luật sư thực hiện các công việc này thì làm sao pháp luật có thể cấm được, đồng thời đó cũng là nhu cầu thực tế.
Tại thời điểm hiện nay ở Việt Nam có hai hình thức tổ chức hoạt động dịch vụ thu nợ, một là Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, hai là Văn phòng luật sư(sau 7/2007 sẽ có thêm Công ty luật) hoạt động theo Luật luật sư.
Từ trước đến nay hoạt động thu nợ của các Văn phòng luật sư đều rất hiệu quả và hợp pháp, bởi ngoài các qui định theo Luật doanh nghiệp các Văn phòng luật sư còn chịu sự ràng buộc rất chặt chẽ của Luật luật sư, qui chế đạo đức hành nghề, qui chế Đoàn luật sư và bản thân uy tín danh dự của từng luật sư. Đây là một cơ chế quản lý, giám sát theo chúng tôi là rất hiệu quả, chặt chẽ. Bản thân tôi trong 14 năm hành nghề thì đã từ chối chắc chắn không dưới 100 khách hàng khi họ yêu cầu đòi nợ bằng những hình thức vi phạm pháp luật.
6. Trở lại xem xét hành vi phạm tội của một số cán bộ thu nợ Công ty TNHH dịch vụ thu hồi nợ Quang Anh, Công ty Cổ phần thu nợ Phương Đông
Công ty Cổ phần thu nợ Phương Đông:
Ngày 25 -5, ngay sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSÐT Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp 9 đối tượng về tội cưỡng đoạt tài sản và bắt người trái pháp luật trong việc tổ chức và thực hiện các hợp đồng đòi nợ thuê của công ty theo cách thức tội phạm. Đó là Lê Linh (giám đốc), Nguyễn Bình Minh (nguyên giám đốc, có một tiền án và một tiền sự), Nguyễn Minh Đông (phó giám đốc, có ba tiền án), Phạm Trường Hạnh, Ngô Ngọc Sơn, Nguyễn Xuân Thành, Phạm Mạnh Hùng, Bùi Đức Chung và Vũ Thái Huy.
Cùng với việc khám xét khẩn cấp nơi ở của giám đốc và phó giám đốc Công ty cổ phần thu nợ Phương Ðông (trụ sở tại 90 phố Vọng, Hà Nội), cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Bình Minh, trú tại thị trấn Văn Ðiển (Thanh Trì, Hà Nội), người góp gần 100% cổ phần sáng lập công ty này.
Công ty Phương Ðông thành lập năm 2006, chuyên thực hiện các hợp đồng đòi nợ thuê. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc công ty, ngày 25-5, nhóm nhân viên nói trên đã mang theo ống nước, gậy gộc để trấn áp, kéo đến bao vây nhà chị Nguyễn Thị Như Tâm tại đường Láng Hạ, đe dọa, đòi nợ thuê.
Khi chị Tâm cùng em chồng đón taxi về quê, đến đường Phạm Hùng thì bị chúng chặn xe, ép đưa hai người về trụ sở Công ty Phương Ðông. Chị Tâm buộc phải viết giấy nhận nợ 600 triệu đồng và cam kết trả tiền trong ngày. Ngay sau đó, lực lượng công an đã bao vây, bắt và khám xét khẩn cấp công ty này, nhưng các nhân viên đã chống đối quyết liệt, khóa trái cửa và hô cướp. Tuy nhiên, lực lượng công an đã khống chế, tạm giữ 24 nhân viên.
Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra phát hiện nhiều thủ đoạn xiết nợ tinh vi, trắng trợn của công ty này như dùng lực lượng đông nhân viên mang theo hung khí, uy hiếp con nợ, nếu không đòi được dùng vũ lực cắt điện thoại, cắt cầu dao điện, nếu con nợ không trả sẽ bắt con nợ về trụ sở công ty này...
Ngoài vụ bắt giữ trái phép chị Tâm, nhân viên Công ty Phương Ðông còn gây ra bốn vụ sử dụng vũ lực, khống chế, khủng bố tinh thần, bắt giữ, gây thương tích đối với một số con nợ khác.
Công ty TNHH dịch vụ thu hồi nợ Quang Anh:
Đêm 31/5/2007, lực lượng Chống tội phạm khu vực phía Bắc, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội (TTXH) công an thành phố Hà Nội đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Quang Khánh (SN 1973), Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Dịch vụ thu nợ Quang Anh (trụ sở ở phố Đào Tấn, Hà Nội) về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Điều tra ban đầu cho thấy Công ty TNHH Dịch vụ thu nợ Quang Anh thành lập tháng 10/2006. Công ty này có 5 Phòng thu nợ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khánh và Phú Thị Mai Hương, sinh năm 1983, ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội là Giám đốc Công ty.
Tháng 1/2007, Công ty Quang Anh được một đối tác ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc ủy quyền thu nợ 370 triệu đồng. Khánh đã cùng 7 nhân viên khác, trong đó có 3 thương binh đến nhà con nợ ở Vĩnh Phúc để “đòi” nợ. Đến nơi, Khánh và các nhân viên đứng ra lập biên bản việc bị hại khất nợ, đồng thời cho rằng chiếc ôtô BKS: 88H-4929 đỗ trước cửa nhà con nợ là tài sản của con nợ, Khánh yêu cầu nếu không trả nợ, Công ty Quang Anh sẽ làm thủ tục bán đấu giá chiếc xe này để trừ nợ và đe dọa ép con nợ ký xác nhận. Trước đó, con nợ đã vay của người ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc 600 triệu đồng, do kinh doanh lỗ, con nợ mới trả được số tiền là 250 triệu đồng và 42 triệu đồng tiền lãi, còn nợ 370 triệu đồng.
Ngày 6/4/2007, khi con nợ thuê xe ôtô 88H-4929 đến chợ Long Biên chở hoa quả đã bị Khánh và nhân viên Công ty, có cả thương binh tới siết nợ bằng cách bắt giữ xe ôtô. Những đối tượng này đã dùng xe ba bánh của thương binh chặn xe của con nợ. Chúng ép lái xe đưa xe về phố Đào Tấn, quận Ba Đình và giữ xe ôtô.
Sau khi bị bắt, cơ quan công an đã khám xét nơi làm việc của Khánh. Theo cơ quan CSĐT, cơ quan công an hiện nắm trong tay nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động thu nợ trái pháp luật của Công ty Quang Anh ở nhiều tỉnh, thành phố. Để thu hồi nợ Công ty Quang Anh thuê cả thương binh làm việc thời vụ và trả công theo từng vụ đòi nợ.
Nhận xét:
Việc vi phạm của các Công ty trên là đáng tiếc, nhưng theo chúng tôi hành vi và tội phạm có thể dự đoán và ngăn ngừa trước được..
Như phần trên tôi đã phân tích đối với các Doanh nghiệp dịch vụ thu nợ nếu không sử dụng qui trình, phương pháp hợp pháp tôi đã nêu thì không còn cách nào khác ngoài việc vi phạm pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật(hình sự) thông thường hay xảy ra đối với hoạt động thu nợ đó là:
- Cưỡng đoạt tài sản;
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
- Cướp tài sản;
- Bắt giữ người trái pháp luật;
- Xâm phạm chỗ ở của công dân;
- Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản;
- Cố ý gây thương tích;
- Gây rối trật tự công cộng;
- Đe doạ giết người…
Đối với nhân viên của hai công ty trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự bởi các có hành vi Cưỡng đoạt tài sản(Điều 135 Bộ luật hình sự) và bắt giữ người trái pháp luật (Điều 123 Bộ luật hình sự).
Đối với các chủ nợ(người thuê đòi nợ) nếu biết trước hành vi sai phạm của nhân viên hai công ty trên mà vẫn thuê dịch vụ hoặc có tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho họ thực hiện dịch vụ thì các chủ nợ này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Hành vi của những đối tượng trên sẽ làm chúng ta liên tưởng tới hành vi đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản của Khánh “trắng”, Phúc “bồ” thập kỷ 1990. Phần phân tích chuyên sâu về hành vi, mức độ sai phạm, khả mức án của các bị can này xin phép được trình bày vào bài sau.
7. Đâu là giải pháp cho việc cấp phép, quản lý loại hình dịch vụ này:
Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định các cơ quan chức cần phải xác định rõ đây là loại hình “dịch vụ pháp lý” đặc thù vì như vậy chúng ta mới xây dựng được cơ chế quản lý hiệu quả.
Nếu không xác định là loại hình dịch vụ pháp lý thì phải xác định nó là nghành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng việc qui định này sẽ rất phức tạp và bất khả thi vì:
- Cơ quan nào sẽ đào tạo và chứng chỉ?
- Điều kiện hành nghề là gì?
- Ký Quĩ - liệu có bảo đảm rằng họ không vi phạm?
- Các tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ và đăng ký kinh doanh?
- Với việc qui định này có thể sẽ trùng lặp đối với các điều kiện hành nghề luật sư theo qui định Luật luật sư.
Còn nếu chúng ta xác định đây là loại hình dịch vụ pháp lý thì rất đơn giản vì theo qui định của Luật luật sư và Thông tư số 02/2007/TT-BTP của Bộ Tư pháp- chỉ duy nhất các tổ chức hành nghề luật sư mới được phép thực hiện dịch vụ pháp lý. Các doanh nghiệp khác hiện đang thực hiện dịch vụ pháp lý đều phải chuyển đổi theo qui định Luật luật sư.
Người muốn hành nghề luật sư hoặc thành lập tổ chức hành nghề luật sư cần đáp ứng các yêu cầu:
- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật;
- Đã qua lớp đào tạo hành nghề luật sư;
- Tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư 18 tháng;
- Tham gia một Đoàn luật sư của tỉnh, thành phố;
- Đăng ký thành lập tổ chức hành nghề theo qui định.
Thiết nghĩ đây sẽ là giải pháp tối ưu để giúp chúng ta ngăn chặn các hình vi vi phạm pháp luật tái diễn của các Công ty dịch vu thu nợ hoạt động theo luật doanh nghiệp.
(Source: Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét