BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Một số thay đổi chính của Incoterms 2010 so với Incoterms 2000

Một số thay đổi chính của Incoterms 2010 so với Incoterms 2000

Incoterms 2010 là phiên bản thứ 8 của một bộ các quy tắc thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành, được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterms quy định các điều khoản về giao nhận hàng hoá, trách nhiệm của các bên mua, bán về thanh toán tiền vận tải, chi phí hải quan, bảo hiểm hàng hoá, tổn thất và rủi ro trong quá trình vận chuyển, thời điểm chuyển giao trách nhiệm về hàng hoá.
Lý do chính dẫn đến sự ra đời của Incoterms 2010 là: 10 năm đã qua kể từ khi Incoterms 2000 có hiệu lực, môi trường kinh doanh toàn cầu, tập quán thương mại quốc tế, vận tải, công nghệ thông tin, vấn đề an ninh… đã có nhiều thay đổi. Cụ thể như sự phát triển và mở rộng của các khu vực tự do thuế quan, sự gia tăng của việc sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử, chứng từ điện tử, những mối quan tâm về an ninh hàng hóa sau sự kiện 11/9 tại Mỹ… Mục tiêu của ICC là luôn luôn ban hành những điều khoản thương mại quốc tế phù hợp với tập quán thương mại và trình độ phát triển về thương mại. Do đó khi môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi, Incoterms cần phải được sửa đổi, bổ sung và cập nhật cho phù hợp với tình hình mới.
Nhằm kịp thời cập nhật các quy định mới, nâng cao nhận thức và khả năng vận dụng linh hoạt các tập quán thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Bài viết dưới đây dưới thiệu một số nội dung thay đổi chính của Incoterms 2010 so với Incoterms 2000.
Incoterms 2010

1. Thay đổi về số nhóm và các điều điện về giao hàng

Theo Incoterms 2000, nếu phân chia theo đặc điểm của các điều kiện thương mại quốc tế, 13 điều khoản được chia làm 4 nhóm, gồm:
- Nhóm E: EXW
- Nhóm F: FCA, FAS, FOB
- Nhóm C: CFR, CIF, CPT, CIP
- Nhóm D: DAF, DES, DEQ, DDU, DDP
Nếu phân chia theo phương thức vận tải, 13 điều khoản được chia thành 2 nhóm, gồm:
- Vận tải đa phương thức: EXW, FCA, CPT, CIP, DAF, DDU, DDP
- Vận tải đường biển/thủy nội địa: FAS, FOB, CFR, CIF, DES, DEQ
Theo Incoterms 2010, chỉ còn 11 điều khoản. Nếu phân chia theo đặc điểm của các điều kiện thương mại quốc tế, gồm:
- Nhóm E: EXW
- Nhóm F: FCA, FAS, FOB
- Nhóm C: CFR, CIF, CPT, CIP
- Nhóm D: DAP, DAT, DDP
Nếu phân chia theo phương thức vận tải, gồm:
- Nhóm các điều khoản về giao hàng đa phương thức: EXW, FCA, CPT, CIP, DAT, DAP, DDP.
- Nhóm các điều khoản về giao hàng bằng đường biển hoặc đường thủy nội địa: FAS, FOB, CFR, CIF.
Như vậy, trong Incoterms 2010, 3 điều khoản DAF, DES, DEQ đã được thay thế bởi DAP và DDU đã được thay thế bởi DAT.
DAT (Delivered at Terminal… named place of destination): người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi đã đặt hàng hóa (đã được dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải chở hàng đến) tại các terminal (là địa điểm cuối cùng để tập kết hoá của các các phương tiện thiết bị chuyên chở bao gồm cả đường bộ / thủy / sắt / không) hoặc tại địa điểm đến quy định.
DAP (Delivered at Place… named place of destination): người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi hàng hóa (hàng hóa chưa được dỡ khỏi phương tiện vận tải) được đặt dưới quyền định đoạt của người mua tại địa điểm đến quy định.

2. Phí THC (Terminal handling charge – Phí bến bãi)

Đối với một số điều khoản về giao hàng trong đó người bán có nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải và trả cước phí vận tải như CIP, CPT, CFR, CIF…, có khả năng phí THC tại nơi đến đã được tính vào trong giá bán. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian vừa qua có nhiều trường hợp tại nơi đến người mua bị buộc phải trả khoản phí THC này tại nơi đến. Như vậy người mua đã phải thanh toán tiền hai lần cho một khoản phí. Chính vì vậy người mua hiện nay rất quan tâm đến các thỏa thuận giữa người bán và người chuyên chở. Do đó trong Incoterms 2010 đã làm rõ hơn về trách nhiệm trả các khoản phí này, Incoterms 2010 quy định người bán phải thông báo cho người mua về những khoản phí nào đã bao gồm trong cước phí chuyên chở khi thỏa thuận với người chuyên chở. Nếu trong trường hợp theo thông lệ cước phí đã bao gồm phí THC tại nơi đến, người bán không có quyền tính thêm khoản phí này cho người mua nữa.

3. Liên quan đến an ninh hàng hóa

Hiện nay sau sự kiện 11/9 tại Mỹ, vấn đề an ninh hàng hóa và phương tiện vận tải được đặt lên hàng đầu. Nhiều quốc gia hiện nay gia tăng kiểm tra an ninh về hàng hóa, phương tiện vận tải, các nước quy định các bên có liên quan đến hàng hóa phải có nghĩa vụ cung cấp các thông tin cần thiết về an ninh hàng hóa để được phép xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy có sự khác biệt giữa “các thủ tục hải quan” và “các chức năng liên quan đến an ninh”. Một số quốc gia có sự phân biệt về luật giữa hai hoạt động này. Tuy nhiên trong các phiên bản Incoterms trước đây không đề cập rõ ràng về trách nhiệm và sự phối hợp giữa người mua và người bán liên quan đến việc cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa. Do đó, Incoterms 2010 quy định cả hai bên (người mua và người bán) có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin về hàng hóa cho các bên thứ ba có liên quan nếu họ yêu cầu để có thể thông quan về mặt an ninh cho lô hàng.

4. Bảo hiểm

Bảo hiểm chỉ liên quan đến điều khoản CIP và CIF, theo đó người bán phải mua bảo hiểm cho người mua. Theo Incoterms 2000, người bán chỉ phải tuân thủ theo đúng nghĩa vụ được quy định trong Incoterms mà không tính đến sự thay đổi của bộ điều khoản bảo hiểm mới ra đời sau khi Incoterms 2000 được ban hành. Do đó, Incoterms 2010 quy định khi tiến hành mua bảo hiểm người bán phải tuân theo những thay đổi của bộ điều khoản bảo hiểm mới.

5. Chứng từ điện tử

Incoterms trước quy định các bên được phép sử dụng trao đổi thông tin bằng phương tiện điện tử, cũng như cho phép sử dụng chứng từ điện tử nếu hai bên đồng ý sử dụng. Tuy nhiên, do nhận thức được tầm quan trọng cũng như tốc độ truyền tải thông tin bằng phương tiện điện tử, Incoterms 2010 quy định người mua và người bán có quyền sử dụng chứng từ điện tử hoặc trao đổi bằng phương tiện điện tử nếu hai bên đồng ý hoặc theo thông lệ hai bên được quyền sử dụng phương tiện điện tử. Theo thông lệ ở đây có ý nghĩa rất lớn, bởi vì trong một số trường hợp một bên không có quyền từ chối trao đổi thông tin bằng phương tiện điện tử, chẳng hạn như bằng email.

6. Thay đổi đối với điều khoản FOB

Theo Incoterms 2000, điểm chuyển rủi ro từ người bán sang người mua là khi hàng hóa qua khỏi lan can tàu tại cảng xếp hàng. Nay Incoterms 2010 quy định cụ thể hơn về thời điểm này, đó là khi hàng hóa phải thực sự được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng quy định.

7. Phạm vi áp dụng Incoterms

Incoterms 2010 có thể được áp dụng cho cả thương mại trong nước và thương mại quốc tế.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét