BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Một số điều ước đa phương thường được sử dụng trong thương mại quốc tế

Một số điều ước đa phương thường được sử dụng trong thương mại quốc tế (09/01/2011)
 
 
 
I. CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ QUỐC TẾ (CISG) 1980
1. Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG 1980)

CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN CỦA CÔNG ƯỚC NÀY
GHI NHỚ những mục tiêu tổng quát ghi trong các Nghị quyết được thông qua tại phiên họp đặc biệt lần thứ 6 của Ðại hội đồng Liên hợp quốc về việc thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới;
CHO RẰNG sự phát triển thương mại quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ bằng hữu giữa các nước;
NHẬN THẤY việc thông qua các quy tắc thống nhất điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và tính đến các hệ thống xã hội, kinh tế và pháp luật khác nhau sẽ đóng góp vào việc dỡ bỏ những trở ngại pháp lí trong thương mại quốc tế và thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế;
ĐÃ THỎA THUẬN như sau:

PHẦN I
PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG I
PHẠM VI ÁP DỤNG
Ðiều 1
1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở kinh doanh tại các quốc gia khác nhau:
(a) Khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên của Công ước; hoặc
(b) Khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn đến việc áp dụng luật của một nước thành viên Công ước này.
2. Việc các bên có trụ sở kinh doanh tại các quốc gia khác nhau sẽ không được tính đến nếu nó không xuất hiện từ hợp đồng hoặc từ các mối quan hệ giữa các bên, hoặc từ những thông tin được đưa ra bởi các bên vào bất cứ thời điểm nào trước hoặc vào lúc giao kết hợp đồng.
3. Không yếu tố nào trong các yếu tố về quốc tịch của các bên, đặc điểm dân sự hay thương mại của các bên hoặc của hợp đồng được xét đến trong việc xác định áp dụng Công ước này.
Ðiều 2
Công ước này không áp dụng đối với việc mua bán:
(a) Các hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc hộ chung sống, trừ khi người bán, vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian trước hoặc vào lúc giao kết hợp đồng, không biết hoặc không thể biết rằng hàng hóa đã được mua để sử dụng như thế;
(b) Bán đấu giá;
(c) Để thi hành án hoặc thực hiện bởi các cơ quan công quyền;
(d) Các cổ phiếu, cổ phần, chứng chỉ đầu tư, các công cụ chuyển nhượng hoặc tiền;
(c) Tàu thủy, máy bay và phương tiện chạy trên đệm không khí;
(f) Điện.
Ðiều 3
1. Các hợp đồng cung cấp hàng hoá sẽ được sản xuất hoặc chế tạo sẽ được coi là hợp đồng mua bán hàng hoá trừ khi bên đặt hàng có nghĩa vụ cung cấp phần lớn các nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hay sản xuất hàng hóa đó.
2. Công ước này không áp dụng cho các hợp đồng trong đó phần lớn nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hoá là cung ứng lao động hoặc thực hiện các dịch vụ khác.
Ðiều 4
Công ước này chỉ điều chỉnh việc giao kết hợp đồng mua bán và các quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua phát sinh từ hợp đồng
Một số Điều ước đa phương thường được sử dụng trong Thương mại quốc tế đó. Trừ trường hợp có quy định khác được nêu trong Công ước, Công ước không điều chỉnh:
(a) Tính hiệu lực của hợp đồng hoặc của bất cứ điều khoản nào của hợp đồng hoặc của bất kì tập quán nào.
(b) Hệ quả mà hợp đồng có thể có đối với quyền sở hữu hàng hóa đã bán.
Ðiều 5
Công ước này không áp dụng cho trách nhiệm của người bán trong trường hợp hàng gây thiệt hại tính mạng hoặc làm bị thương một người nào đó.
Ðiều 6
Các bên có thể không áp dụng Công ước này hoặc với điều kiện tuân thủ Điều 12, có thể làm khác hoặc thay đổi hiệu lực áp dụng của bất kì điều khoản nào của Công ước.


CHƯƠNG II
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Ðiều 7
 1. Khi giải thích Công ước này, cần lưu ý đến tính chất quốc tế của nó và đến sự cần thiết phải thúc đẩy việc áp dụng thống nhất Công ước và coi trọng sự ngay tình trong thương mại quốc tế.
2. Các vấn đề liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Công ước này không quy định rõ ràng trong Công ước sẽ được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc chung mà Công ước dẫn chiếu hoặc trường hợp không có các nguyên tắc này, thì chiếu theo luật được áp dụng theo quy phạm của tư pháp quốc tế.
Ðiều 8
1. Vì mục đích của Công ước này, các tuyên bố và xử sự khác của một bên phải được giải thích theo đúng ý định của họ nếu bên kia đã biết hoặc không thể không nhận biết đuợc ý định đó.
2. Nếu khoản trên không áp dụng được thì các tuyên bố và hành vi khác của một bên phải được giải thích theo nghĩa mà một người có lí trí bình thường sẽ hiểu nếu người đó được đặt vào vị trí của phía bên kia trong cùng hoàn cảnh.
3. Khi xác định ý chí của một bên hoặc cách hiểu của một người có lí trí bình thường, cần phải tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các bên.
Ðiều 9
1. Các bên bị ràng buộc bởi tập quán mà họ đã thỏa thuận và bởi các thói quen mà họ đã thiết lập với nhau.
2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các bên được coi là có ngụ ý áp dụng trong hợp đồng hoặc trong việc giao kết hợp đồng một tập quán mà các bên đã biết hoặc phải biết và được biết đến phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với các hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực thương mại cụ thể liên quan.
Ðiều 10
Vì mục đích của Công ước này:
(a) Nếu một bên có nhiều hơn một trụ sở kinh doanh thì trụ sở kinh doanh là trụ sở có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng đó, có tính tới những tình huống mà các bên đều biết hoặc đều dự đoán được vào bất kì thời điểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng;
(b) Nếu một bên không có trụ sở kinh doanh thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ.
Ðiều 11
Hợp đồng mua bán không cần phải được kí kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ bất cứ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng lời khai của nhân chứng.
Ðiều 12
Bất kì quy định nào của Điều 11, Điều 29 hoặc Phần II của Công ước này cho phép hợp đồng mua bán hoặc việc thay đổi hay đình chỉ hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên hoặc chào hàng và chấp nhận chào hàng hay bất kì sự thể hiện ý chí nào của các bên được lập dưới bất cứ hình thức nào không phải là văn bản đều không áp dụng khi một bên có trụ sở kinh doanh đặt ở nước thành viên của Công ước này mà nước đó đã tuyên bố bảo lưu theo Điều 96 của Công ước này. Các bên không được quyền làm trái hoặc thay đổi hiệu lực của điều này.
Ðiều 13
Vì mục đích của Công ước này, "hình thức văn bản" bao gồm cả điện tín và telex.

PHẦN II
GIAO KẾT HỢP ĐỒNG
Ðiều 14
1. Một đề nghị giao kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều người xác định hình thành một chào hàng nếu nó đủ chính xác và chỉ rõ ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc mình trong trường hợp chào hàng đó được chấp nhận. Một đề nghị là đủ chính xác khi nó nêu rõ hàng hóa và ấn định số lượng và giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc quy định cách xác định số lượng và giá cả.
2. Một đề nghị không gửi cho những người xác định chỉ được coi là một lời mời đưa ra chào hàng, trừ trường hợp người đề nghị đã chỉ rõ ràng điều ngược lại.
Ðiều 15
1. Chào hàng bắt đầu có hiệu lực khi nó tới nơi người được chào hàng.
2. Chào hàng, dù là loại chào hàng không thể huỷ ngang, vẫn có thể bị rút lại nếu như thông báo rút lại chào hàng tới nơi người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng.
Ðiều 16
1. Cho tới khi hợp đồng được giao kết, người chào hàng vẫn có thể thu hồi chào hàng, nếu như thông báo về việc thu hồi đó tới nơi người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận chào hàng.
2. Tuy nhiên, chào hàng không thể bị thu hồi:
(a) Nếu chỉ rõ rằng nó không thể bị thu hồi, bằng cách ấn định một thời hạn xác định để chấp nhận hay bằng cách khác; hoặc
(b) Nếu nó hợp lí cho người được chào hàng, coi chào hàng là không thể thu hồi được và đã hành động theo chiều hướng đó.
Ðiều 17
Chào hàng, dù là loại không thể huỷ ngang, vẫn có thể chấm dứt hiệu lực thông báo từ chối chấp nhận chào hàng tới nơi người chào hàng.
Ðiều 18
1. Một lời tuyên bố hay một hành vi khác của người được chào hàng chỉ rõ sự đồng ý với chào hàng là một chấp nhận chào hàng. Sự im lặng hoặc không hành động không mặc nhiên có giá trị là một chấp nhận.
2. Chấp nhận chào hàng bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm tới nơi người chào hàng. Chấp nhận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu nó không tới nơi người chào hàng trong thời hạn quy định, hoặc nếu không có quy định về thời hạn đó, thì trong một thời hạn hợp lí, xét theo các tình tiết cụ thể của giao dịch, bao gồm cả tốc độ của các phương tiện truyền tin do người chào hàng sử dụng. Một chào hàng bằng miệng phải được chấp nhận ngay lập tức, trừ trường hợp các tình tiết cụ thể chỉ ra điều ngược lại.
3. Tuy nhiên, nếu do hiệu lực của chào hàng hoặc xuất phát từ thói quen đã thiết lập giữa các bên hoặc do tập quán, người được chào hàng có thể chỉ ra sự chấp nhận của mình bằng cách thể hiện một hành vi cụ thể, chẳng hạn một hành vi có liên quan đến việc gửi hàng hay thanh toán, dù họ không thông báo cho người chào hàng, thì chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ thời điểm hành vi đó được thực hiện, với điều kiện hành vi đó được thực hiện trong thời hạn đã quy định tại khoản trên.
Ðiều 19
1. Một trả lời chào hàng có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng kèm theo những điểm bổ sung, bớt đi hay các sửa đổi khác là một từ chối chào hàng và cấu thành một chào hàng đối.
2. Tuy nhiên, một trả lời chào hàng có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có chứa đựng các điều khoản bổ sung hay những điều khoản khác nhưng không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng vẫn cấu thành chấp nhận chào hàng, trừ khi người chào không chậm trễ phản đối bằng miệng hoặc bằng cách gửi thông báo phản đối những sửa đổi đó. Nếu người chào hàng không làm như vậy, thì các điều khoản của hợp đồng sẽ là các điều khoản của chào hàng với những sửa đổi nêu trong chấp nhận chào hàng.
3. Các yếu tố bổ sung, sửa đổi khác liên quan đến các điều kiện giá cả, thanh toán, chất lượng và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao hàng, phạm vi trách nhiệm của các bên hay đến sự giải quyết tranh chấp được coi là những sửa đổi làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng.
Ðiều 20
1. Thời hạn chấp nhận chào hàng do người chào hàng quy định trong bức điện báo hay thư được tính từ thời điểm bức điện được giao để gửi đi hoặc ngày ghi trên thư nếu không ghi ngày thì tính từ ngày ghi trên bì thư. Thời hạn chấp nhận chào hàng do người chào hàng quy định bằng điện thoại, bằng telex hoặc bằng phương tiện truyền tin tức thời khác thời gian tính từ thời điểm chào hàng tới nơi người được chào hàng.
2. Các ngày lễ chính thức hay ngày nghỉ việc rơi vào khoảng thời hạn được quy định để chấp nhận chào hàng vẫn được tính vào thời hạn đó. Tuy nhiên, nếu không báo chấp nhận chào hàng không thể được giao tại địa chỉ của người chào hàng vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp nhận chào hàng vì ngày cuối cùng đó là ngày lễ hay ngày nghỉ việc tại trụ sở kinh doanh của người chào hàng, thì thời hạn chấp nhận chào hàng được kéo dài cho tới ngày làm việc đầu tiên sau đó.
Ðiều 21
1. Một chấp nhận chào hàng muộn cũng có hiệu lực nếu người chào hàng không chậm trễ thông báo bằng miệng cho người được chào hàng hoặc gửi thông báo cho người được chào hàng rằng chấp nhận có hiệu lực.
2. Trong trường hợp chấp nhận muộn nếu thư hay văn bản khác chứa nội dung chấp nhận đó chỉ ra rằng nó đã được gửi đi, nếu việc chuyển giao đã diễn ra bình thường thì nó đã đến người chào hàng kịp thời, thì sự chấp nhận muộn đó vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp không chậm trễ, người chào hàng thông báo bằng miệng hoặc gửi một thông báo văn bản cho người được chào hàng rằng người chào hàng coi chào hàng đã hết hiệu lực.
Ðiều 22
Chấp nhận chào hàng có thể bị rút lại nếu thông báo rút lại chào hàng tới nơi người chào hàng trước hoặc cùng thời điểm chấp nhận chào hàng có hiệu lực.
Ðiều 23
Hợp đồng được giao kết kể từ thời điểm chấp nhận chào hàng có hiệu lực phù hợp với các quy định của Công ước này.
Ðiều 24
Vì mục đích của Phần này, một chào hàng, một thông báo chấp nhận chào hàng hoặc bất cứ một sự thể hiện ý chí nào khác được coi là "tới nơi" người nhận khi nó được thông tin bằng lời nói với người nhận, hoặc được giao đến tay người nhận bằng bất cứ phương tiện nào khác, đến trụ sở kinh doanh của người nhận hoặc nếu không có trụ sở kinh doanh thì đến địa chỉ thư tín hoặc nơi thường trú của người nhận.



PHẦN III
MUA BÁN HÀNG HOÁ

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Ðiều 25
 Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu nó gây thiệt hại cho bên kia đến mức mà bên bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể, bị mất đi lợi ích mà họ có quyền mong đợi từ hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm không tiên liệu được và một người có lí trí bình thường cũng sẽ không tiên liệu được hậu quả nếu họ cũng ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự.
Ðiều 26
Một lời tuyên bố về việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết.
Ðiều 27
Trừ trường hợp có quy định khác trong Phần này, nếu bất kì một thông báo hoặc yêu cầu hay thông tin khác được một bên đưa ra phù hợp với Phần này và bằng phương tiện thích hợp với hoàn cảnh, thì một sự chậm trễ hoặc sai sót trong việc chuyển giao thông tin hoặc thông tin không đến nơi người nhận cũng sẽ không làm cho bên đó mất quyền viện dẫn các thông tin đó.
Ðiều 28
Nếu phù hợp với các quy định của Công ước này, một bên có quyền yêu cầu bên kia phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó thì Tòa án không bị bắt buộc phải đưa ra phán quyết về việc thực hiện đó, trừ trường hợp Tòa án làm như vậy trên cơ sở luật nước mình đối với các hợp đồng mua bán tương tự không do Công ước này điều chỉnh.
Ðiều 29
1. Một hợp đồng có thể được sửa đổi hay chấm dứt bằng thỏa thuận giữa các bên.
2. Một hợp đồng bằng văn bản chứa đựng một điều khoản quy định rằng mọi sự sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng phải được các bên làm bằng văn bản thì không thể bị sửa đổi hay chấm dứt theo thỏa thuận giữa các bên dưới một hình thức khác. Tuy nhiên, hành vi của một bên có thể không cho phép họ được viện dẫn quy định đó trong chừng mực mà bên kia đã căn cứ vào hành vi này.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét