BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012


Ocean B/L với ISBP 681


Những vấn đề cần lưu ý đối với vận đơn đường biển theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế số 681 năm 2007 (ISBP - International Standard Banking Practice)

Trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, trách nhiệm cấp vận đơn cho người gửi hàng thuộc về người vận chuyển. Ở khoản 3, Điều 3, Công ước Brussels ngày 25/8/1924 quy định: Sau khi nhận hàng để chở, người vận chuyển hoặc thuyền trưởng hoặc đại lý của người vận chuyển sẽ theo yêu cầu của người gửi hàng, cấp cho họ một vận đơn đường biển... Vậy, vận đơn đường biển là gì?

Vận đơn đường biển (Ocean Bill of Lading) là chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển, do người vận chuyển (carrier) hoặc đại lý của người vận chuyển (Agent of carrier) phát hành cho người gửi hàng (Shipper) sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu (shipped on board) hoặc sau khi nhận hàng để xếp (received for shipment).

Trong thương mại và hàng hải quốc tế, vận đơn đường biển không chỉ dùng trong giao nhận và vận chuyển hàng hóa mà được dùng để điều chỉnh nhiều mối quan hệ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vận đơn đường biển là chứng từ không thể thiếu được trong bộ chứng từ thanh toán tiền hàng, đặc biệt là phương thức thanh toán bằng tín dụng thư (Letter of Credit - L/C). Vì là chứng từ hết sức quan trọng trong bộ chứng từ thanh toán nên khi nhận được bộ chứng từ xuất trình, các ngân hàng có liên quan bao giờ cũng thận trọng trong việc kiểm tra các chứng từ, đặc biệt là vận đơn đường biển. Bỏ qua những yêu cầu khác, thông thường một bộ chứng từ chỉ được các ngân hàng chấp nhận thanh toán khi có vận đơn hợp lệ. Điều đó có nghĩa, muốn được thanh toán tiền hàng, chủ hàng xuất khẩu phải xuất trình vận đơn hợp lệ. Vậy thế nào là một vận đơn đường biển hợp lệ?

Những nội dung trên vận đơn được coi là hợp lệ theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế thể hiện như thế nào? Đây là vấn đề mà các chủ hàng xuất nhập khẩu cần quan tâm nhằm tránh những tranh chấp có thể phát sinh, bảo vệ được quyền lợi của mình trong mọi trường hợp.

Trên thực tế, khi tờ vận đơn xuất trình được các ngân hàng chấp nhận là hợp lệ có thể chia thành hai trường hợp:

Trường hợp tín dụng thư có quy định về chứng từ vận tải

Khi tín dụng thư có quy định về chứng từ vận tải thì vận đơn xuất trình phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tín dụng thư về hình thức, nội dung, số bản gốc, các thông tin trên chứng từ... Nếu vận đơn khi xuất trình không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu theo quy định thì vận đơn đó coi như không hợp lệ và như vậy bộ chứng từ sẽ không được chấp nhận thanh toán. Vì vậy, khi kiểm tra L/C (người nhập khẩu mở cho người xuất khẩu hưởng), nếu thấy yêu cầu nào đó trên L/C không thể đáp ứng được thì người xuất khẩu phải yêu cầu sửa đổi hoặc hủy bỏ... Người xuất khẩu chỉ giao hàng khi L/C đã sửa đổi và các yêu cầu trên L/C có thể đáp ứng được. Có như vậy mới đảm bảo khả năng bộ chứng từ được chấp nhận thanh toán khi xuất trình tại ngân hàng.

Trường hợp hợp đồng mua bán và tín dụng thư không quy định về chứng từ vận tải

Nếu hợp đồng mua bán và L/C không có quy định gì về chứng từ vận tải, khi xuất trình bộ chứng từ tại ngân hàng để thanh toán tiền hàng, vận đơn sẽ được coi là hợp lệ theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế (ISBP số 681 năm 2007) dùng để kiểm tra chứng từ trong phương thức thanh toán bằng tín dụng thư phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Về hình thức của tờ vận đơn

Trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, vận đơn có thể được phát hành dưới dạng giấy hoặc bằng dữ liệu điện tử. Nếu vận đơn được phát hành dưới dạng giấy thì gọi là vận đơn giấy, phát hành dưới dạng điện tử thì gọi là vận đơn điện tử (electronic Bill of Lading). Về hình thức của tờ vận đơn đường biển, mỗi hãng tàu khác nhau có thể phát hành khác nhau, song tính hợp lệ của tờ vận đơn đường biển về hình thức theo ISBP số 681 năm 2007 có thể khái quát lại như sau:

+ Vận đơn phải thể hiện được dùng cho việc vận chuyển hàng hóa từ cảng đến cảng (to covers a port to port shipment). Và trên tờ vận đơn không nhất thiết phải có tiêu đề như: “Vận đơn hàng hải – marine bill of lading” hay “vận đơn đường biển – ocean bill of lading” hoặc “vận đơn từ cảng đến cảng – port to port bill of lading” hay các tiêu đề tương tự khác.

+ Vận đơn phải được làm thành văn bản và do người vận chuyển phát hành.

+ Vận đơn bao giờ cũng bao gồm hai mặt (trừ vận đơn điện tử – E.B/L). Mặt trước bao gồm các ô, cột, dòng in sẵn để điền những thông tin cần thiết khi sử dụng; mặt sau của vận đơn phải chứa đựng các điều kiện và điều khoản chuyên chở hoặc dẫn chiếu tới các nguồn luật có quy định những điều kiện và điều khoản chuyên chở (đối với vận đơn rút gọn hay vận đơn trắng lưng).

+ Ngôn ngữ sử dụng trong tờ vận đơn phải là ngôn ngữ thống nhất (thường sử dụng tiếng Anh).

+ Hình thức thể hiện của tờ vận đơn không quyết định giá trị pháp lý của vận đơn.

Về nội dung thể hiện của tờ vận đơn

Theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế, để kiểm tra chứng từ trong bộ chứng từ thanh toán bằng thư tín dụng – số 681 của ICC tuân thủ UCP 600 năm 2007, thì tính hợp lệ về nội dung của tờ vận đơn được khái quát như sau:

* Bộ vận đơn gốc phát hành

Điều 20 UCP 600 năm 2007 của ICC (các quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ của Phòng Thương mại quốc tế) quy định số lượng các bản gốc phát hành phải được thể hiện cụ thể trên vận đơn.

Vận đơn gốc (original B/L) có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như: “Bản gốc thứ nhất – first original”, “bản gốc thứ hai – second original”, “bản gốc thứ ba – third original” hoặc “original”, “Duplicate”, “triplicate”... hay các ghi chú tương tự (similar expressions) đều là bản gốc. Theo ISBP số 681 năm 2007 nêu rõ, một vận đơn đường biển gốc không nhất thiết trên đó phải có chữ “original” mới được chấp nhận là gốc. Miễn là tờ vận đơn đó được lập hoặc thể hiện là được lập bằng các phương pháp theo quy định như đánh máy, viết tay... hay mẫu chứng từ chính thức của người phát hành và được ghi chú là chứng từ gốc. Theo ISBP số 681 năm 2007 thì ngân hàng sẽ coi là chứng từ gốc một khi trên chứng từ đó thể hiện có chữ ký, ký hiệu, dấu hoặc nhãn gốc chân thực của người phát hành chứng từ (trừ trường hợp trên chứng từ chỉ rõ không phải là bản gốc).

* Chữ ký và người ký vận đơn

Vận đơn đường biển do người vận chuyển phát hành khi nhận hàng để chở. Vì vậy trên bề mặt của tờ vận đơn phải có tên của người vận chuyển và được ghi rõ là người vận chuyển (as the carrier), và trên các tờ vận đơn gốc phải có chữ ký của người vận chuyển hoặc những người được phép ký theo quy định. Theo Điều 94 – ISBP số 681 năm 2007, người ký vận đơn trên thực tế có thể là:

- Người vận chuyển ký vận đơn: Người vận chuyển ký và ghi rõ tên đồng thời phải thể hiện là người vận chuyển.

- Đại lý của người vận chuyển ký vận đơn: Đại lý của người vận chuyển ký vận đơn phải ghi rõ tên đồng thời thể hiện là đại lý thay mặt người vận chuyển.

- Thuyền trưởng ký vận đơn: Thuyền trưởng ký vận đơn phải thể hiện rõ là thuyền trưởng.

- Đại lý thay mặt thuyền trưởng ký vận đơn: Khi ký vận đơn phải thể hiện là đại lý và ghi rõ tên của thuyền trưởng mà đại lý thay mặt.

Các chữ ký của người vận chuyển, thuyền trưởng hoặc đại lý phải xác định được đích thực chữ ký đó là của người vận chuyển, của thuyền trưởng hoặc đại lý đã ký thay hoặc đại diện cho người vận chuyển, thuyền trưởng. Trường hợp nếu L/C quy định “vận đơn của người giao nhận cũng chấp nhận-freight for warrder’s bill of lading is acceptable” thì người giao nhận có thể ký vận đơn với tư cách của người giao nhận mà không cần phải thể hiện anh ta là người vận chuyển hay đại lý cho người vận chuyển và cũng không cần thiết phải nêu tên người vận chuyển thực tế.

* Những ghi chú bốc hàng lên tàu

Khi giao hàng bằng đường biển, vận đơn xuất trình tại ngân hàng phải có ghi chú “đã bốc hàng – shipped on board”. Nếu trên tờ vận đơn đã in sẵn từ “đã bốc hàng” được xuất trình thì ngày phát hành vận đơn được coi là ngày bốc hàng lên tàu và cũng chính là ngày giao hàng.

Trường hợp trên tờ vận đơn lại ghi chú ngày bốc hàng lên tàu riêng biệt, khác với ngày phát hành vận đơn, thì ngày bốc hàng lên tàu vẫn được coi là ngày giao hàng cho dù ngày bốc hàng lên tàu có thể trước hoặc sau ngày phát hành vận đơn. Vận đơn thể hiện hàng đã được bốc lên tàu trên thực tế có thể được diễn đạt bằng nhiều cụm từ khác nhau:

“Đã bốc hàng lên tàu – Laden on board”;
“Đã bốc hàng lên tàu, hoàn hảo – Clean on board”;
“Đã bốc hàng – shipped”;
“Đã bốc lên tàu – on board”...

Các cụm từ thể hiện như trên đều cùng nghĩa với cụm từ “shipped on board - đã bốc hàng lên tàu”. Trường hợp trên tờ vận đơn có ghi “con tàu dự kiến – intended vessel” hoặc quy định tương tự liên quan đến tên tàu vận chuyển thì ghi chú xếp hàng lên tàu nào phải ghi rõ tên tàu, ngay cả khi xếp hàng lên chính con tàu dự kiến vận chuyển.

* Cảng bốc và cảng dỡ hàng

Theo ISBP số 681 năm 2007, khi tín dụng thư quy định cảng bốc (hoặc cảng dỡ) là một cảng cụ thể thì trên tờ vận đơn cảng làm hàng cụ thể phải được thể hiện ở ô cảng bốc (hoặc cảng dỡ) hàng. Hoặc cũng có thể ghi vào ô “nơi nhận hàng” (hoặc “nơi đến cuối cùng”) với điều kiện có ghi chú chứng minh rằng hàng hóa đã được bốc lên tàu tại cảng chỉ định ở “nơi nhận hàng” (hoặc hàng hóa đã được dỡ ra khỏi tàu tại cảng chỉ định ở “nơi đến cuối cùng”).

Trường hợp nếu L/C quy định một khu vực địa lý hay một loạt cảng bốc (hoặc dỡ) thì cảng bốc (hoặc dỡ) thực tế phải được thể hiện trên vận đơn và các cảng trên vận đơn phải nằm trong khu vực địa lý hoặc trong số các cảng đã quy định trong tín dụng thư.

* Chuyển tải

Điều 104-ISBP số 681 năm 2007 quy định: Chuyển tải là việc dỡ hàng từ tàu biển này và lại bốc hàng lên tàu biển khác trong một hành trình vận chuyển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng theo quy định của tín dụng thư. Như vậy, chuyển tải có nghĩa trong hành trình có sự thay đổi tàu và người vận chuyển.

Trường hợp L/C quy định “cấm chuyển tải – transhipment not allowed” thì tất cả các vận đơn có phê chú chuyển tải đều là không hợp lệ, trừ khi hàng được vận chuyển bằng container, xe rơ-moóc hay tàu Lash đã ghi trên vận đơn.

* Giao hàng từng phần

Điều 105-ISBP số 681 năm 2007 quy định, nếu một tín dụng thư cấm giao hàng từng phần và có nhiều bộ vận đơn gốc được xuất trình cho lô hàng từ một hay nhiều cảng bốc hàng thì các chứng từ đó vẫn được ngân hàng chấp nhận, miễn là chúng dùng cho việc giao hàng trên cùng một con tàu, trên cùng một hành trình và được chở đến cùng một cảng dỡ hàng. Nếu trên các bộ vận đơn được xuất trình có ngày giao hàng khác nhau thì ngày giao hàng muộn nhất trong các ngày đó được dùng để xác định thời hạn xuất trình theo yêu cầu của tín dụng thư.

Giao hàng từng phần là giao hàng trên nhiều con tàu, ngay cả khi những con tàu này rời cảng cùng một ngày và đến cùng cảng đến.

Người nhận hàng, bên ra lệnh, người gửi hàng và ký hậu, bên thông báo

Tín dụng thư yêu cầu vận đơn phát hành dưới dạng đích danh, ví dụ “consigned to V.C.B”, thì trên tờ vận đơn không được ghi từ “theo lệnh – to order” hoặc “theo lệnh của – to order of” trước tên của bên đích danh đó cho dù đánh máy hay in sẵn. Nếu tín dụng thư yêu cầu hàng hóa phải giao “theo lệnh – to order” hoặc “theo lệnh của – to order of” một bên đích danh thì trên tờ vận đơn không được ghi hàng hóa được giao trực tiếp cho bên đích danh đó.

Khi vận đơn được phát hành “theo lệnh – to order” hoặc “theo lệnh của người gửi hàng – to order of the Shipper” thì vận đơn phải được người gửi hàng ký hậu. Người gửi hàng có thể cho phép hoặc ủy quyền cho người khác ký hậu vận đơn thay mình, đều có thể chấp nhận được.

* Tính hoàn hảo của vận đơn

Trường hợp tín dụng thư không quy định gì, vận đơn xuất trình tại ngân hàng được coi là hợp lệ phải là vận đơn hoàn hảo (clean bill of lading). Vận đơn hoàn hảo là vận đơn mà trên đó không có phê chú xấu về hàng hóa cũng như tình trạng hàng hóa lúc giao. Như vậy, một vận đơn hoàn hảo không nhất thiết phải có từ “hoàn hảo – clean” trên đó, kể cả khi từ “hoàn hảo” trên tờ vận đơn bị xóa đi cũng không làm mất tính hoàn hảo của tờ vận đơn. Hay trên vận đơn có những phê chú chung chung như: “bao bì dùng lại – second hand cases”, “nghe nói cân được – said to weight” hoặc “bao bì có thể không thích hợp cho vận tải đường biển – packaging may not be sufficient for the sea journey”... thì các ngân hàng vẫn cho rằng những phê chú đó không phải là những phê chú xấu –vận đơn vẫn được coi là hợp lệ.

* Sửa chữa và thay đổi trên vận đơn

Một tờ vận đơn sau khi đã phát hành, thực tế vẫn có thể được sửa chữa và thay đổi. Song những sửa chữa và thay đổi trên vận đơn, ngân hàng chỉ chấp nhận khi có xác nhận của người vận chuyển, thuyền trưởng hay đại lý của người vận chuyển hoặc thuyền trưởng. Riêng đối với vận đơn copy, những thay đổi hay sửa chữa trên vận đơn như bản vận đơn gốc đã được thực hiện thì không cần thiết phải có chữ ký hay xác nhận của người vận chuyển, thuyền trưởng hoặc đại lý của họ.

* Cước và phụ phí

Cước và phụ phí cũng là nội dung mà các ngân hàng thường chú ý kiểm tra khi vận đơn được xuất trình. Nếu tín dụng thư yêu cầu vận đơn phải ghi rõ cước phí đã trả hoặc sẽ trả ở cảng đến thì trên tờ vận đơn phải thể hiện rõ ràng. Nếu không đáp ứng như yêu cầu thì vận đơn xuất trình coi như là không hợp lệ.

Nếu tín dụng thư quy định không chấp nhận các phụ phí thì vận đơn không được thể hiện là phụ phí đã hoặc sẽ có…

Tóm lại, một tờ vận đơn khi xuất trình được coi là hợp lệ theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế – ISBP số 681 năm 2007 về hình thức cũng như nội dung phải đáp ứng các yêu cầu như đã phân tích. Ngân hàng khi kiểm tra chứng từ trong phương thức thanh toán bằng tín dụng thư thường căn cứ vào yêu cầu của tín dụng thư, nếu chứng từ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tín dụng thư thì ngân hàng chấp nhận thanh toán tiền hàng. Trường hợp tín dụng thư không có quy định thì ngân hàng sẽ kiểm tra chứng từ theo tập quán của ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế. Tập quán này đã được Ủy ban Ngân hàng của Phòng Thương mại quốc tế thông qua (ISBP 681 năm 2007 của ICC) có hiệu lực từ 01/7/2007.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét