McDonald’s và văn hóa Ấn Độ giáo
McDonald’s là một
tập đoàn nổi tiếng về việc mở rộng kinh doanh toàn cầu. Mỗi ngày, trung bình có
khoảng 4,2 nhà hàng McDonald’s mới được mở trên thế giới. Công ty hiện có
khoảng 30.000 nhà hàng tại hơn 120 quốc gia, phục vụ cho gần 50 triệu khách
hàng mỗi ngày.
Một trong số
những quốc gia gia nhập vào danh sách của McDonald’s gần đây nhất là Ấn Độ, nơi
McDonald’s bắt đầu thành lập chuỗi nhà hàng vào cuối thập niên 1990. Mặc dù Ấn
Độ là một quốc gia nghèo nàn, nhưng tầng lớp trung lưu đông đúc, ước khoảng 200
triệu người, đã thu hút sự quan tâm của McDonald’s. Tuy nhiên, Ấn Độ đã mang
đến một thách thức không nhỏ cho McDonald’s. Trải qua hàng ngàn năm, văn hóa Ấn
Độ giáo sùng kính hình ảnh loài bò cái. Kinh Ấn Độ giáo dạy rằng loài bò cái là
tặng vật của Thượng đế dành cho loài người. Loài bò cái biểu trưng cho Đức mẹ
thần thánh cứu sống loài người. Loài bò cái sinh ra bò đực để giúp việc kéo
cày, sữa bò cái có giá trị dinh dưỡng cao và được dùng làm sữa chua và bơ, nước
thải bò cái có chứa tinh chất dùng làm thuốc cổ truyền của Ấn Độ, chất thải bò
cái được dùng làm nhiên liệu. Khoảng 300 triệu con bò được thả rong tại Ấn Độ,
được tôn sùng như tặng vật thiêng liêng. Bò có mặt khắp mọi nơi: thả rong trên
đường, gặm nhấm bãi rác, trú chân ở những đền miếu, hay bất cứ nơi đâu ngoại
trừ trên đĩa thức ăn của bạn, do người Ấn Độ giáo không ăn thịt bò vì bò là biểu
tượng linh thiêng.
McDonald’s là nơi
tiêu thụ thịt bò nhiều nhất thế giới. Kể từ khi thành lập vào năm 1955, vô số
động vật bị giết thịt để làm nên loại bánh Big Macs. Vậy làm thế nào để một
công ty mà sự giàu có của nó được tạo dựng nhờ việc tiêu thụ thịt bò lại có thể
xâm nhập vào một quốc gia xem việc tiêu thụ thịt bò là một tội ác nghiêm trọng?
Sử dụng thịt heo để thay thế? Tuy nhiên, Ấn Độ có khoảng 140 triệu người theo
đạo Hồi, và người đạo Hồi không ăn thịt heo. Vậy chỉ còn thịt gà và thịt cừu.
McDonald’s đã giải quyết tình huống tiến thoái lưỡng nan trong văn hóa ẩm thực
của Ấn Độ bằng cách cho ra đời “Maharaja Mac”, Big Mac phiên bản Ấn Độ được làm
từ thịt cừu. Và những món ăn khác được thêm vào thực đơn cho phù hợp với khẩu
vị địa phương, chẳng hạn như “McAloo Tikki Burger” được làm từ thịt gà. Tất cả
món ăn đều được phân loại kĩ càng cho người ăn chay và ăn mặn để phù hợp với
quốc gia nơi mà đa số người Ấn Độ giáo là những người ăn chay. Trưởng đại diện
của McDonald’s tại Ấn Độ cho biết, “Chúng
tôi đã phải thay đổi rất nhiều cho phù hợp với khẩu vị của người Ấn Độ.”
Thật vậy, 75% các món ăn trong thực đơn của McDonald’s tại Ấn Độ đã được Ấn Độ
hóa.
Suốt một khoảng
thời gian, việc làm ăn diễn ra trôi chảy. Sau đó vào năm 2001, McDonald’s điêu
đứng bởi một vụ kiện ở Mỹ do ba doanh nhân người Ấn Độ sống ở Seatle khởi
xướng. Những doanh nhân này là người ăn chay, hai trong số đó là người Ấn Độ
giáo, đã đâm đơn kiện McDonald’s vì đã che giấu việc có sử dụng bò trong khoai
tây chiên! McDonald’s tuyên bố họ sử dụng 100% dầu thực vật để chiên khoai tây,
nhưng công ty cuối cùng đã thừa nhận có dùng một lượng rất nhỏ tinh chất bò
trong dầu ăn. McDonald’s chịu phạt 10 triệu USD và chính thức xin lỗi, “McDonald’s chân thành xin lỗi cộng đồng Ấn
Độ giáo, cũng như cộng đồng người ăn chay và toàn thể quý khách hàng vì đã
không cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho việc lựa chọn món ăn thích hợp
tại các nhà hàng của chúng tôi tại Mỹ.” Hơn thế nữa, công ty còn cam kết
chấn chỉnh việc ghi thông tin thành phần món ăn trên bao bì sản phẩm và tìm
giải pháp thay thế tinh chất bò dùng trong dầu ăn.
Tuy
nhiên, ở thời đại mà tin tức lan truyền toàn cầu với tốc độ chóng mặt, việc
phát hiện McDonald’s dùng tinh chất bò trong dầu ăn khiến cộng đồng Ấn Độ giáo
phẫn nộ. Họ đã xuống đường và đập phá một nhà hàng McDonald’s ở Delhi, gây tổn
thất 45.000 USD, giăng khẩu hiệu phản đối bên ngoài các nhà hàng khác, biểu
tình tại trụ sở chính của công ty, và kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ lệnh đóng cửa các
nhà hàng McDonald’s tại đây. Những người mua nhượng quyền McDonald’s tại Ấn Độ
nhanh chóng phủ nhận việc họ sử dụng tinh chất bò trong dầu ăn, và những người
Ấn Độ giáo cực đoan đã phản ứng bằng việc tuyên bố sẽ mang dầu ăn của
McDonald’s đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem liệu có tinh chất bò trong đó
hay không.
Tuy nhiên phản
ứng tiêu cực của công chúng dường như ít tác động đến kế hoạch dài hạn của
McDonald’s tại Ấn Độ. Công ty vẫn tiếp tục mở thêm các nhà hàng, tính đến năm
2006 đã có hơn 60 nhà hàng được mở trên cả nước và kế hoạch sẽ mở thêm 30 nhà
hàng nữa sắp tới. Khi được hỏi vì sao vẫn thường xuyên lui tới các nhà hàng của
McDonald’s, những khách hàng Ấn Độ cho biết con cái của họ thích ăn theo “tiêu
chuẩn Mỹ”, chất lượng thức ăn ổn định và nhà vệ sinh luôn sạch sẽ!
<3
Trả lờiXóa