BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

CHƯƠNG 6: MỐI QUAN HỆ GIỮA THỜI HẠN L/C VÀ THỜI HẠN XUẤT TRÌNH CHỨNG TỪ


I. THỜI HẠN HIỆU LỰC CỦA L/C
Là khoảng thời gian khi L/C được phát hành bởi Ngân hàng phát hành cho tới ngày muộn nhất mà người hưởng được phép xuất trình chứng từ để thanh toán/chấp nhận thanh toán tại nơi quy định trong L/C. Bất kì L/C nào cũng phải quy định ngày hết hạn hiệu lực trong L/C. Nếu không quy định ngày này L/C là vô hiệu.
II. THỜI HẠN XUẤT TRÌNH CHỨNG TỪ
 Thông thường, mỗi L/C đều quy định ngày hết hạn xuất trình chứng từ tính từ ngày giao hàng.
 Nếu không quy định, thì theo điều 14c UCP 600: Ngân hàng sẽ từ chối chứng từ xuất trình sau 21 ngày kể từ ngày giao hàng.
 Trong mọi trường hợp, chứng từ phải được xuất trình trong thời hạn hiệu lực của L/C.
 Mối quan hệ giữa thời hạn L/C và thời hạn xuất trình chứng từ
 Trường hợp 1: L/C chỉ quy định ngày hết hạn hiệu lực của L/C mà không quy định thời hạn xuất trình chứng từ, thì việc xuất trình chứng từ phải thỏa mãn đồng thời:
 Trong thời hạn hiệu lực của L/C,
 Không muộn hơn 21 ngày sau ngày giao hàng.

 Trường hợp 2: L/C quy định ngày hết hạn hiệu lực của L/C và đồng thời quy định chứng từ xuất trình trong vòng X ngày sau ngày giao hàng, việc xuất trình chứng từ phải thỏa mãn đồng thời:
 Trong thời hạn của L/C,
 Không muộn hơn X ngày kể từ ngày giao hàng.


CHƯƠNG 7: NHỮNG SAI SÓT KHI GIAO DỊCH BẰNG L/C

I. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN SAI SÓT
Trong thực tiễn thương mại quốc tế, không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn khi giao dịch bằng L/C, mà nguyên nhân chủ yếu xoay quanh các vấn đề như việc thanh toán chậm trễ, khiếu kiện kéo dài, không được thanh toán hoặc thậm chí là bị lừa, gây thiệt hại về thời gian và kinh tế của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhằm hạn chế đáng kể các thiệt hại xảy ra, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nắm vững và hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến sai sót khi giao dịch bằng L/C.
Giao dịch bằng L/C luôn gắn với một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cụ thể bởi hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở để hình thành L/C, nhưng một khi L/C được phát hành thì nó lại hoàn toàn độc lập với hợp đồng thương mại quốc tế ngay cả khi L/C đó dẫn chiếu đến hợp đồng phái sinh ra nó. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu xuất trình bộ chứng từ phù hợp thì Ngân hàng phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán tiền cho họ ngay cả khi doanh nghiệp nhập khẩu khiếu nại hàng hóa thực tế không đúng như hợp đồng, thậm chí hàng hóa không được giao. Đây chính là nguyên tắc cơ bản trong giao dịch bằng L/C mà cả doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu cần phải hiểu rõ. Bởi giao dịch bằng L/C chỉ căn cứ vào chứng từ, do đó doanh nghiệp xuất khẩu lập bộ chứng từ thanh toán phù hợp là yêu cầu tiên quyết để phương thức L/C trở thành công cụ thanh toán hữu hiệu cho họ.
Tuy nhiên trong thực tiễn giao dịch bằng L/C, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà cả doanh nghiệp nhập khẩu cũng mắc phải các sai sót không đáng có khi lập và thanh toán bằng bộ chứng từ L/C và tựu chung lại là do các nguyên nhân sau:
1. Các nhóm nguyên nhân chính dẫn đến sai sót chứng từ.
 Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu hiểu biết sâu sắc về giao dịch bằng L/C cũng như các văn bản pháp luật quốc tế liên quan điều chỉnh về vấn đề thanh toán quốc tế và mua bán hàng hóa quốc tế như UCP, ISBP, Incotems…
 Trong doanh nghiệp xuất nhập khẩu không có bộ phận chuyên trách và quy trình giao dịch bằng L/C, hoặc có nhưng bộ phận này yếu, thiếu kinh nghiệm và hoạt động không hiệu quả.
 Trong quá trình soạn thảo L/C, doanh nghiệp xuất khẩu thường mắc phải sai sót khi lập bộ chứng từ như lỗi cẩu thả của nhân viên văn phòng, của văn thư về đánh máy, in ấn và được biết đến là “sai lầm 3C” bao gồm các lỗi như: lỗi không chính xác (not correct); lỗi không hoàn chỉnh (not complete); lỗi không nhất quán (not consistant).
2. Các nguyên nhân cụ thể dẫn đến sai sót chứng từ.
 Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu hiểu biết về các quy định của UCP – đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai sót chứng từ bởi đa số các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận thức UCP là văn bản nghiệp vụ quốc tế dành riêng cho các Ngân hàng, vì vậy họ cho rằng chỉ cần tuân thủ hợp đồng thương mại quốc tế và những yêu cầu của L/C là đủ.
 Quy trình nghiệp vụ giao dịch bằng L/C tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không cẩn thận, dẫn đến việc đọc và giải thích L/C chưa cụ thể, bộ phận nghiệp vụ thiếu trách nhiệm, dẫn đến lỗi chính tả, lỗi đánh máy, in ấn… Tính không cẩn thận là tư duy phổ biến hiện còn tồn tại trong nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước với logic cũ là “một bên chỉ cần mở L/C là bên kia chuyển hàng” mà không quan tâm đến tính chuẩn xác của L/C ngay khi nhận được.
 Thỏa thuận giữa doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu không rõ ràng về các chi tiết giao hàng và/hoặc L/C. Doanh nghiệp nhập khẩu đã không kiểm tra cẩn thận L/C mặc dù đã được cảnh báo từ phía Ngân hàng. Doanh nghiệp xuất khẩu đã không có đủ thời gian hoặc không tiến hành sửa đổi L/C, thay vào đó là sự im lặng và sự tin tưởng vào doanh nghiệp nhập khẩu là họ sẽ bỏ qua một số lỗi nhỏ, không cơ bản trong L/C.
 Tình trạng thiếu kinh nghiệm và thiếu sự phối kết giữa các bộ phận của doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà chủ yếu là do sự không hiểu biết về UCP.
 Trong một số trường hợp L/C được phát hành không chuẩn xác, có chủ ý xấu hoặc L/C không hoàn chỉnh, không khả thi. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp xuất khẩu vẫn coi thường bởi ít khi họ quan tâm đến nội dung của UCP, họ chỉ quan tâm đến việc lấy đủ tiền hàng.
 Trường hợp cá biệt, có doanh nghiệp nhập khẩu đã cài một số điều khoản không khả thi để bắt lỗi chứng từ, làm cơ sở từ chối nhận hàng (do hợp đồng thương mại bị ký hớ), hoặc là cơ sở để giảm giá.
Do vậy, những L/C dài, nhiều nội dung, yêu cầu nhiều chứng từ và sử dụng ngôn ngữ khó hiểu rất dễ dẫn đến hiểu sai và nhầm lẫn.
 Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, việc từ chối thanh toán toàn bộ tiền hàng do bộ chứng từ có sai sót trên thực tế là rất ít. Chính vì vậy, khi có sai sót xảy ra họ thường chỉ tập trung vào thương lượng, hòa giải mà ít khi tìm cách sửa đổi sai sót.
 Doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng vào doanh nghiệp nhập khẩu và cho rằng họ chỉ quan tâm vào số lượng, chất lượng của lô hàng nhập khẩu do đó có thể dễ dàng bỏ qua những sai sót nhỏ của chứng từ, từ đó doanh nghiệp xuất khẩu thường có thái độ chủ quan trong khâu lập chứng từ.
 Doanh nghiệp xuất khẩu quá tin tưởng vào vai trò của L/C là công cụ để nhận tiền thanh toán mà không hiểu một nguyên tắc cơ bản của L/C là “nhận tiền có điều kiện” dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu sao nhãng việc kiểm tra các điều kiện và điều khoản của L/C, hậu quả là lập chứng từ không tham chiếu yêu cầu của L/C.
 Doanh nghiệp xuất nhập khẩu xuất trình L/C đúng vào thời điểm hết hạn do đó không còn cơ hội để sửa chữa, bổ sung, thay thế chứng từ.
II. CÁCH GIẢI QUYẾT CÁC SAI SÓT THÔNG THƯỜNG TRONG BỘ CHỨNG TỪ
Khi có sai sót trong bộ chứng từ thanh toán trong phương thức L/C, có thể giải quyết theo một trong những cách sau:
1. Người xuất khẩu cam kết miệng với Ngân hàng của mình về những sai sót trong bộ chứng từ để được thanh toán
Ngân hàng sẽ chấp nhận thanh toán trong trường hợp này khi bộ chứng từ có sai sót nhỏ. Cách này chỉ phổ biến khi có sự tín nhiệm lẫn nhau.
Khi đó:
 Người xuất khẩu phải có tình trạng tài chính khả quan và là khách hàng quen thuộc của Ngân hàng.
 Trong một vài trường hợp, Ngân hàng giao dịch có thể giữ lại một số tiền trong tài khoản chờ đến lúc Ngân hàng mở cho phép giải tỏa
2. Người xuất khẩu viết thư cam kết bồi thường
Theo tập quán, người xuất khẩu có thể nhờ Ngân hàng của mình chiết khấu các chứng từ bằng thư cam kết bồi thường của mình dù có các sai biệt đối với khách hàng được tín nhiệm. Nếu người xuất khẩu không phải là khách hàng của Ngân hàng giao dịch, việc bảo lãnh của người xuất khẩu phải được chính Ngân hàng của mình ký xác nhận.
Khi việc thanh toán đã được thực hiện theo thư bồi thường, người xuất khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả của mọi sai biệt và có thể bị Ngân hàng chiết khấu yêu cầu hoàn trả số tiền nếu người nhập khẩu không nhận bộ chứng từ.
3. Người xuất khẩu điện cho Ngân hàng phát hành để xin phép thanh toán
Nếu thư bồi thường của nhà xuất khẩu không được Ngân hàng giao dịch chấp nhận hoặc L/C cấm giao dịch bằng thư bồi thường, người xuất khẩu có thể yêu cầu Ngân hàng của mình điện cho Ngân hàng mở xin được phép thanh toán. Trong bức điện, Ngân hàng giao dịch thường mô tả ngắn bộ chứng từ liên hệ cũng như các chi tiết về các sai biệt chứng từ. Ngân hàng giao dịch của người xuất khẩu thường phải mất vài ngày hoặc một tuần để nhận được điện trả lời. Người xuất khẩu là người phải chịu phí điện báo.
4. Người xuất khẩu chuyển sang phương thức nhờ thu
Nếu không thể sử dụng một trong những cách trên, người xuất khẩu có thể yêu cầu Ngân hàng giao dịch gửi bộ chứng từ với trách nhiệm của mình về mọi rủi ro đến Ngân hàng mở để nhờ thu. Với cách này, người xuất khẩu phải chờ một thời gian mới được thanh toán. Ngân hàng mở sẽ hành động như một Ngân hàng nhờ thu, sẽ chuyển số tiền thu được bằng thư hàng không cho người xuất khẩu thông qua Ngân hàng của người này. Nếu giá trị hối phiếu là một số tiền lớn, người xuất khẩu nên yêu cầu Ngân hàng thu ngân chuyển số tiền thu được trên bằng điện chuyển tiền để thu được tiền nhanh hơn.
III. KIỂM TRA BỘ CHỨNG TỪ TRƯỚC KHI CHẤP NHẬN THANH TOÁN
1. Hối phiếu
 Hối phiếu có giá trị thanh toán phải là hối phiếu bản gốc, có chữ ký bằng tay của người ký phát trên hối phiếu;
 Kiểm tra ngày ký phát hối phiếu có trùng hoặc sau ngày B/L và trong thời hạn hiệu lực của L/C hay không. Vì sau khi giao hàng, nhà xuất khẩu hoàn tất bộ chứng từ gửi hàng rồi mới ký phát hối phiếu đòi tiền;
 Kiểm tra số tiền ghi trên hối phiếu, số tiền này phải nằm trong trị giá của L/C và phải bằng 100% trị giá hoá đơn;
 Kiểm tra thời hạn ghi trên hối phiếu có đúng như L/C quy định hay không. Trên hối phiếu phải ghi At sight nếu là thanh toán trả ngay hoặc at...days sight nếu là thanh toán có kỳ hạn;
 Kiểm tra các thông tin về các bên liên quan trên bề mặt hối phiếu: tên và địa chỉ của người ký phát (drawer), người trả tiền (drawee). Theo UCP 500, người trả tiền là Ngân hàng mở L/C;
 Kiểm tra số L/C và ngày của L/C ghi trên hối phiếu có đúng không;
 Kiểm tra xem hối phiếu đã được ký hậu hay chưa. Nếu bộ chứng từ đã được chiết khấu trước khi gửi đến Ngân hàng thì trên mặt sau hối phiếu phải có ký hậu của Ngân hàng thông báo hoặc hối phiếu được ký phát theo lệnh của Ngân hàng thông báo.
 Một số trường hợp bất hợp lệ thường gặp khi kiểm tra hối phiếu:
+ Hối phiếu thiếu hoặc không chính xác về tên và địa chỉ của các bên có liên quan;
+ Hối phiếu chưa ký hậu;
+ Số tiền ghi trên hối phiếu bằng số và bằng chữ không khớp nhau hay không bằng trị giá hoá đơn;
+ Ngày ký phát hối phiếu quá hạn hiệu lực của L/C;
+ Số L/C và ngày mở L/C ghi trên hối phiếu không chính xác.
2. Hoá đơn
 Kiểm tra số bản được xuất trình có đúng quy định của L/C không;
 Kiểm tra các dữ liệu về người xuất khẩu, người nhập khẩu (tên công ty, địa chỉ, số điện thoại...) so với nội dung của L/C quy định có phù hợp không;
 Hoá đơn có chữ ký xác nhận của người thụ hưởng hay không. Lưu ý theo UCP 500, nếu L/C không quy định thêm thì hoá đơn không cần ký tên. Nếu hoá đơn không phải do người thụ hưởng lập thì hoá đơn được coi là hợp lệ khi L/C có quy định chấp nhận chứng từ do bên thứ ba lập: “Commercial invoice issued by third party is acceptable hay third party acceptable” ;
 Mô tả trên hoá đơn có đúng quy định của L/C hay không;
 Kiểm tra số lượng, trọng lượng, đơn giá, tổng trị giá, điều kiện cơ sở giao hàng, điều kiện đóng gói và ký mã hiệu hàng hoá có mâu thuẫn với các chứng từ khác như phiếu đóng gói, vận đơn đường biển hoặc vận đơn hàng không...;
 Kiểm tra hoá đơn về các dữ kiện mà Ngân hàng đã đề cập trong L/C, hợp đồng, quota, giấy phép xuất nhập khẩu... và các thông tin khác ghi trên hoá đơn: số L/C, loại và ngày mở L/C, tên phương tiện vận tải, cảng xếp, cảng dỡ hàng, số và ngày lập hoá đơn có phù hợp với L/C và các chứng từ khác hay không.
 Bất hợp lệ thường gặp khi kiểm tra hoá đơn thương mại:
 Tên và địa chỉ của các bên có liên quan được ghi trên hoá đơn thương mại khác với L/C và các chứng từ khác;
 Số bản hoá đơn phát hành không đủ theo yêu cầu của L/C;
 Số lượng, đơn giá, mô tả hàng hoá, tổng trị giá, điều kiện đóng gói và ký mã hiệu hàng hoá trên hoá đơn không chính xác với nội dung của L/C;
 Số L/C và ngày mở L/C không chính xác;
 Các dữ kiện về vận tải hàng hoá không phù hợp với B/L;
 Không có chữ ký theo quy địn của L/C.
3. Vận tải đơn
 Kiểm tra số bản chính được xuất trình;
 Kiểm tra loại vận đơn;
 Vận đơn có nhiều loại như vận đơn đường biển, vận đơn đường thuỷ, vận đơn đa phương thức... Căn cứ vào quy định của L/C, cần kiểm tra xem loại vận đơn có phù hợp không;
 Kiểm tra tính xác thực của vận đơn;
Nhà nhập khẩu phải kiểm tra vận đơn có chữ ký của người chuyên chở (hãng tầu) hoặc đại lý của người chuyên chở hoặc thuyền trưởng của con tầu hoặc người giao nhận và tư cách pháp lý. Nếu chỉ có chữ ký của người vận chuyển, không nêu tư cách pháp lý hoặc không nêu đầy đủ các chi tiết liên quan tư cách pháp lý của người đó thì chứng từ sẽ không được Ngân hàng thanh toán.
 Kiểm tra mục người gửi hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn chấp nhận một chứng từ vận tải mà trên đó bên thứ ba được đề cập cho dù trong L/C không quy định như vậy.
 Kiểm tra mục người nhận hàng: Đây là mục quan trọng trên B/L và luôn được quy định rõ trong L/C nên người lập vận đơn phải tuân thủ quy định này một cách nghiêm ngặt.
Trong thực tế, có hai cách phổ biến quy định mục Người nhận hàng như sau:
+ “Made out to order blank endorsed” (B/L được lập theo lệnh người gửi hàng và ký hậu để trắng). Mục Người nhận hàng trên B/L phải ghi “to order” và người gửi hàng sẽ ký hậu để trắng ở mặt sau của B/L.
+ “Made out to order of … Bank”. Mục người gửi hàng trên B/L phải nêu “To the order of … Bank” và người gửi hàng không ký hậu. Nếu mục này không ghi chính xác tên Ngân hàng thì vận đơn cũng không được chấp nhận.
 Kiểm tra mục thông báo (Notify): Mục “Notify” trên B/L sẽ ghi tên và địa chỉ đầy đủ của người làm đơn xin mở L/C;
 Kiểm tra tên cảng xếp hàng (port of loading) và cảng dỡ hàng (port of discharge) có phù hợp với quy định của L/C hay không;
 Kiểm tra điều kiện chuyển tải;
Nếu L/C quy định không cho phép chuyển tải (transhipment prohibited), trên B/L không được thể hiện bất cứ bằng chứng nào về sự chuyển tải. Nếu việc chuyển tải xảy ra, Ngân hàng chỉ chấp nhận chứng từ này khi tên cảng chuyển tải, tên tầu và tuyến đường phải được nêu trên cùng một vận đơn.
 Kiểm tra nội dung hàng hoá được nêu trên B/L có phù hợp với quy định trong L/C và các chứng từ khác hay không;
Nội dung này bao gồm: tên hàng hoá, ký mã hiệu hàng hoá, số lượng, số kiện hàng hoá, tổng trọng lượng hàng hoá. Đặc biệt Ngân hàng thường chú ý đến mục ký mã hiệu hàng hoá ghi trên thùng hàng, số hiệu container hoặc số hiệu lô hàng được gửi trên tầu với nội dung L/C và Packing List.
 Kiểm tra đặc điểm của vận đơn: có thể là vận đơn đã xếp hàng (shipped on board B/L) hoặc vận đơn nhận hàng để xếp (received for shipment B/L) - loại vận đơn này không được Ngân hàng chấp nhận và từ chối thanh toán trừ khi có sự chấp nhận của người nhập khẩu;
 Kiểm tra mục cước phí: có phù hợp với quy định của L/C hay không;
Do ở nước ta, hàng hoá nhập khẩu chủ yếu theo điều kiện giao hàng CIF và CFR nên hầu hết các L/C quy định cước phí trả trước “freight prepaid”. Nếu vận tải đơn nêu cước phí phải thu “freight to collect” thì nhà nhập khẩu sẽ không chấp nhận chứng từ này.
 Cần lưu ý các sửa đổi bổ sung trên B/L phải được xác nhận bằng chữ ký và con dấu đồng thời kiểm tra các thông tin như số L/C và ngày mở, các dẫn chiếu các chứng từ khác như hoá đơn, hợp đồng...
 Nhà nhập khẩu phải kiểm tra ngày ký phát vận đơn có hợp lệ hay không;
 Các bất hợp lệ thường gặp ở vận đơn:
 Tên, địa chỉ và các thông tin khác về người gửi hàng, người nhận hàng, người được thông báo không phù hợp theo quy định của L/C;
 Các thay đổi bổ sung trên vận đơn không có xác nhận của người lập (chữ ký và con dấu);
 Vận đơn thiếu tính xác thực do người lập vận đơn không nêu rõ tư cách pháp lý đối với trách nhiệm chuyên chở lô hàng này;
 Số L/C và ngày mở L/C không chính xác;
 Các điều kiện dóng gói và ký mã hiệu hàng hoá không theo đúng quy định của L/C ;
 Số hiệu container hay lô hàng không khớp với các chứng từ khác như chứng từ bảo hiểm, hoá đơn...;
4. Chứng từ bảo hiểm
 Kiểm tra loại chứng từ bảo hiểm được xuất trình có đúng quy định hay không: chứng thư bảo hiểm (Insurance Policy) hay chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate);
 Kiểm tra số lượng bản chính được xuất trình theo quy định của L/C;
 Kiểm tra tính xác thực của chứng từ bảo hiểm: Chứng từ bảo hiểm có được ký xác nhận của người có trách nhiệm hay không;
 Kiểm tra loại tiền và số tiền trên chứng từ bảo hiểm;
Trong thực tế các L/C đều quy định giá trị bảo hiểm bằng 110% trị giá hoá đơn. Do vậy thanh toán viên sẽ đối chiếu số tiền trên chứng từ bảo hiểm và hoá đơn theo quy định của L/C.
 Kiểm tra tên và địa chỉ của người được bảo hiểm có đúng theo quy định của L/C hay không? Đồng thời kiểm tra việc chuyển nhượng quyền bảo hiểm hàng hóa có hợp lệ hay không? Ngoại trừ có quy định khác, tên và địa chỉ của người được bảo hiểm phải là nhà xuất khẩu (người thụ hưởng) và việc chuyển nhượng quyền bảo hiểm hàng hoá cho nhà nhập khẩu phải được thể hiện bằng hình thức ký hậu để trắng (blank endorsed) tương tự như trường hợp chuyển quyền sở hữu đối với chứng từ vận tải;
 Kiểm tra ngày lập chứng từ bảo hiểm: Căn cứ theo điều 34e UCP 600 chứng từ bảo hiểm phải được lập trước hoặc trùng với ngày B/L. Nếu ngày lập chứng từ bảo hiểm sau ngày lập vận đơn, Ngân hàng sẽ từ chối thanh toán;
 Kiểm tra nội dung hàng hoá trên chứng từ bảo hiểm: Các mô tả về hàng hoá và số liệu khác phải phù hợp với L/C và các chứng từ khác. Theo điều 37c UCP 600, việc mô tả hàng hoá có thể chung chung nhưng không được mâu thuẫn với L/C;
 Kiểm tra các dữ kiện về vận chuyển hàng hoá trên chứng từ bảo hiểm: Tên tầu, cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng có phù hợp với L/C hay không;
 Kiểm tra các cơ quan giám định tổn thất và nơi khiếu nại, bồi thường phải phù hợp với quy định của L/C;
 Kiểm tra phí bảo hiểm đã được thanh toán hay chưa? (đối với trường hợp L/C quy định phải ghi rõ);
 Kiểm tra các điều kiện bảo hiểm có phù hợp với yêu cầu của L/C hay không;
Thông thường trong L/C quy định điều kiện bảo hiểm mọi rủi ro (all risks), rủi ro chiến tranh (war risk), rủi ro đình công (strike risk)... Kiểm tra phần này, thanh toán viên căn cứ theo điều 35a và 35b UCP 600.
 Các bất hợp lệ thường gặp đối với chứng từ bảo hiểm:
 Số bản chính được xuất trình không đủ theo yêu cầu của L/C;
 Tên hoặc địa chỉ của các bên liên quan đến chứng từ bảo hiểm không chính xác;
 Chứng từ bảo hiểm không ký hậu chuyển quyền sở hữu bảo hiểm hàng hoá cho nhà nhập khẩu;
 Mô tả hàng hoá và những thông tin khác không khớp với L/C hoặc các chứng từ khác;
 Mua bảo hiểm sau khi giao hàng lên tầu hoặc không nêu ngày lập chứng từ bảo hiểm;
 Không nêu số lượng bản chính được phát hành;
 Không nêu hoặc nêu không đầy đủ các điều kiện bảo hiểm;
 Không nêu tổ chức giám định hàng hoá hoặc nơi khiếu nại, bồi thường theo quy định L/C;
5. Phiếu đóng gói
 Mô tả hàng hoá, số lượng, trọng lượng hàng trên một đơn vị bao gói có phù hợp với quy định của L/C hay không;
 Ðiều kiện đóng gói có được nêu chính xác hay không;
 Các thông tin khác không được mâu thuẫn với nội dung của L/C và các chứng từ khác;
 Các bất hợp lệ thường gặp đối với phiếu đóng gói:
 Không nêu hoặc nêu không chính xác điều kiện đóng gói theo quy định trên L/C;
 Thông tin về các bên liên quan không đầy đủ và chính xác;
 Tổng trọng lượng từng đơn vị hàng hoá không khớp với trọng lượng cả chuyến hàng;
6. Các chứng từ khác
Ngoài các chứng từ kể trên, thanh toán viên cũng sẽ chú ý kiểm tra các chứng từ sau theo nguyên tắc đã nêu ở trên, trong đó có các chứng từ sau:
 Giấy chứng nhận kiểm nghiệm, Giấy chứng nhận hun trùng/Giấy chứng nhận kiểm dịch… phải được lập hoặc có xác nhận ngày tiến hành kiểm nghiệm/kiểm dịch là trước ngày giao hàng;
 Hoá đơn bưu điện gửi chứng từ (Courier receipt) ngày nhận chứng từ phải nằm trong thời hạn của L/C, kèm theo xác nhận của người nhận chuyển bộ chứng từ;
 Giấy chứng nhận chất lượng và số lượng phải được lập theo quy định của L/C;
 Giấy chứng nhận xuất xứ do Phòng thương mại và Công nghiệp hoặc người sản xuất hoặc người thụ hưởng lập theo quy định của L/C;
 Các điện, fax thông báo giao hàng: Thời hạn thông báo phải phù hợp với quy định của L/C.


CHƯƠNG 8: VẤN ĐỀ CHIẾT KHẤU CHỨNG TỪ TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ

Bàn về vấn đề chiết khấu trong giao dịch L/C dưới góc độ của UCP 600.
I. Negotiation nghĩa là gì?
Điều 10(b) UCP 500 định nghĩa thuật ngữ “negotiation” như sau: “Negotiation means the giving of the value for Draft(s) and/or document(s) by the bank authorised to negotiate”. Rắc rối của định nghĩa trên là đã sử dụng cụm từ “giving of the value” để mô tả hành động “negotiation”.
Các chuyên gia cho rằng bất cứ hành động nào bao gồm trả tiền, chấp nhận hối phiếu hoặc cam kết trả tiền… đều có thể cấu thành hành động “giving of the value”. Như vậy, theo định nghĩa trên, “negotiation” có thể được hiểu và sử dụng cho những hành động sau đây: (i) trả tiền có truy đòi theo L/C trả ngay (paying an amount with recourse under sight L/C); (ii) trả tiền miễn truy đòi (paying an amount without recourse); (iii) chiết khấu (trả tiền có khấu trừ lãi - paying an amount with deduction of interest); hoặc (iv) hứa sẽ trả tiền khi đáo hạn (a promise to pay at maturity)…
Do định nghĩa trên hàm ý quá rộng nên những người thực hành L/C ở những khu vực khác nhau trên thế giới hiểu và sử dụng thuật ngữ “negotiation” theo những cách khác nhau và đã có không ít những cuộc tranh chấp liên quan đến vấn đề chiết khấu L/C.
Trong quá trình dự thảo UCP 600, có nhiều ý kiến trái ngược về thuật ngữ này. Có ý kiến cho rằng nên loại bỏ “negotiation” khỏi UCP và cũng có ý kiến cho rằng cần giữ lại thuật ngữ này với một định nghĩa rõ ràng hơn. Cuối cùng, các chuyên gia đã thống nhất giữ lại thuật ngữ “negotiation” với định nghĩa mới.
Điều 2 UCP 600 định nghĩa thuật ngữ “negotiation” như sau: “Negotiation means the purchase by the nominated bank of drafts (drawn on a bank other than the nominated bank) and/or documents, by either advancing or agreeing to advance funds to the beneficiary on or before the banking day on ưhich reimbursement is due to the nominated bank”.
So với định nghĩa tại Điều 10 (b)(ii) UCP 500, định nghĩa mới tại Điều 2 UCP 600 rõ ràng và dễ hiểu hơn rất nhiều. Cụm từ “the giving of the value” tại Điều 10 (b)(ii) UCP 500 nổi tiếng vì sự khó hiểu nay được thay thế bằng từ “purchase” (mua) rất đơn giản, đó là việc Ngân hàng được chỉ định mua các hối phiếu và/hoặc các chứng từ bằng cách trả tiền trước hoặc đồng ý trả tiền trước cho người hưởng lợi vào ngày hoặc trước ngày làm việc của Ngân hàng mà vào ngày đó, số tiền hoàn trả đến hạn phải trả cho Ngân hàng được chỉ định. Hành động mua hối phiếu và/hoặc chứng từ của Ngân hàng được chỉ định được hiểu là hành động chiết khấu hối phiếu và/hoặc chứng từ. Thuật ngữ “negotiation” nay được hiểu với một nghĩa duy nhất, đó là “chiết khấu”.
II. Có thể chiết khấu loại L/C nào?
Xét theo phương thức trả tiền của L/C (availability of L/C), có 4 loại L/C khác nhau như sau: (i) L/C chiết khấu (Negotiation L/C – L/C available by negotiation), (ii) L/C trả ngay (Sight Payment L/C – L/C available by sight payment), (iii) L/C chấp nhận (Acceptance L/C – L/C available by acceptance) và (iv) L/C trả chậm (Deferred Payment L/C – L/C available by acceptance).
Theo định nghĩa “negotiation” tại Điều 2 UCP 600, Ngân hàng được chỉ định có thể chiết khấu hối phiếu và/hoặc chứng từ xuất trình theo L/C, bao gồm: L/C chiết khấu, L/C chấp nhận và L/C trả chậm.
1. Chiết khấu hối phiếu/hoặc chứng từ xuất trình theo L/C chiết khấu (Negotiation of drafts and/or documents under a negotiation L/C)
L/C chiết khấu có thể quy định việc trả tiền được thực hiện tại Ngân hàng được chỉ định bằng cách chiết khấu hối phiếu trả ngay. Ngân hàng được chỉ định có thể là một Ngân hàng bất kỳ (any bank) hoặc là một Ngân hàng được chỉ định đích danh (a named nominated bank) hoặc là một Ngân hàng xác nhận L/C (confirming bank). Phương thức trả tiền của loại L/C này thường được thể hiện tại trường 41D (Available with) và 42C (Drafts at) của L/C với nội dung như sau:
FIELD 41D: AVAILABLE WITH ANY BANK/XYZ BANK/CONFIRMING BANK BY NEGOTIATION
FIELD 42 C: DRAFTS AT SIGHT
L/C quy định chiết khấu tại một Ngân hàng bất kỳ được gọi là L/C chiết khấu tự do hoặc chiết khấu không hạn chế (a freely negotiable L/C or unrestricted L/C), theo đó người hưởng lợi có thể tự do xuất trình hối phiếu và chứng từ tại bất kỳ Ngân hàng nào để chiết khấu. L/C quy định việc chiết khấu được thực hiện tại một Ngân hàng được chỉ định đích danh (ví dụ tại XYZ Bank) hoặc tại Ngân hàng xác nhận được gọi là L/C chiết khấu hạn chế (restricted L/C), theo đó thông thường người hưởng lợi sẽ phải xuất trình tại Ngân hàng được chỉ định đích danh hoặc tại Ngân hàng xác nhận để chiết khấu.
Sau khi chiết khấu (trả tiền cho người hưởng lợi), Ngân hàng được chỉ định gửi hối phiếu và chứng từ đến Ngân hàng phát hành hoặc đến Ngân hàng xác nhận (tuỳ theo quy định của L/C) để được Ngân hàng phát hành hoặc Ngân hàng xác nhận hoàn trả tiền.
Khái niệm chiết khấu hối phiếu và/hoặc chứng từ xuất trình theo L/C chiết khấu trong UCP 600 không có gì mới so với UCP 500.
2. Chiết khấu hối phiếu trả chậm đã được chấp nhận (Discounting an accepted Bill of Exchange)
L/C đã được chấp nhận quy định việc trả tiền được thực hiện tại Ngân hàng phát hành hoặc tại một Ngân hàng được chỉ định (có thể một Ngân hàng được chỉ định đích danh hoặc là Ngân hàng xác nhận), bằng cách chấp nhận hối phiếu trả chậm 30, 60 hoặc 90… ngày kể từ ngày nhìn thấy hối phiếu hoặc kể từ ngày ghi trên vận đơn. Hình thức trả tiền của loại L/C này thường được thể hiện bằng tiếng Anh tại trường 41D (Available with) và 42C (Drafts at) của L/C với nội dung như sau:
FIELD 41D: AVAILABLE WITH ISSUING BANK/XYZ BANK/CONFIRMING BANK BY ACCEPTANCE.
FIELD 42 C: DRAFTS AT 30/60/90… DAYS SIGHT/FROM B/L DATE.
Sau khi thực hiện giao hàng, người hưởng lợi xuất trình hối phiếu trả chậm cùng với chứng từ cho Ngân hàng phát hành hoặc Ngân hàng được chỉ định để đổi lấy chấp nhận. Ngân hàng phát hành/Ngân hàng được chỉ định nhận được chứng từ phù hợp với điều kiện L/C sẽ chấp nhận hối phiếu trả chậm và thông báo bằng điện cho người hưởng lợi về việc hối phiếu đã được chấp nhận hoặc gửi trả lại cho người hưởng lợi hối phiếu đã được chấp nhận. Ngân hàng phát hành/Ngân hàng được chỉ định thực hiện nghĩa vụ trả tiền khi hối phiếu đáo hạn.
Về lý thuyết, một khi hối phiếu đã được chấp nhận nó đã trở thành một công cụ tài chính độc lập với L/C và có thể được mua bán, chuyển nhượng tại bất cứ Ngân hàng nào hoặc bán cho công ty forfaiting. Như vậy, người hưởng lợi L/C đã được chấp nhận có thể nhận được tiền hàng trước ngày đáo hạn bằng cách chiết khấu hối phiếu trả chậm đã được chấp nhận.
Điểm mới đáng lưu ý của UCP 600 là Ngân hàng được chỉ định có thể chiết khấu hối phiếu đã được chấp nhận bởi Ngân hàng được chỉ định đó. Điều này được quy định tại Điều 12 (b) UCP 600 như sau: “Sự chỉ định bởi Ngân hàng phát hành cho Ngân hàng được chỉ định chấp nhận hối phiếu hoặc cam kết trả chậm bao gồm cả sự uỷ quyền cho Ngân hàng được chỉ định được thực hiện trả trước hoặc mua lại hối phiếu đã được chấp nhận hoặc cam kết trả chậm của Ngân hàng được chỉ định.”
3. Chiết khấu L/C trả chậm (Discounting a deferred payment undertaking)
Khác với L/C chấp nhận, L/C trả chậm không yêu cầu người hưởng lợi phải xuất trình hối phiếu trả chậm kèm theo chứng từ. L/C trả chậm quy định việc trả tiền được thực hiện tại Ngân hàng phát hành hoặc tại một Ngân hàng được chỉ định (có thể là một Ngân hàng được chỉ định đích danh hoặc là Ngân hàng xác nhận), bằng cách cam kết trả chậm 30, 60 hoặc 90… ngày kể từ ngày nhìn thấy chứng từ hoặc kể từ ngày ghi trên vận đơn. Phương thức trả tiền của loại L/C này thường được thể hiện bằng tiếng Anh tại trường 41D (Available with) của L/C với nội dung như sau:
FIELD 41D: AVAILABLE WITH ISUING BANK/XYZ BANK/CONFIRMING BANK BY DEFERRED PAYMENT AT 30/60/90… DAYS SIGHT/FROM B/L DATE.
Sau khi thực hiện giao hàng, người hưởng lợi xuất trình chứng từ cho Ngân hàng phát hành hoặc Ngân hàng được chỉ định để đổi lấy cam kết trả chậm. Ngân hàng phát hành/Ngân hàng được chỉ định nhận được chứng từ phù hợp với điều kiện L/C sẽ gửi thông báo bằng điện cho người hưởng lợi cam kết trả tiền bộ chứng từ khi đáo hạn. Ngân hàng phát hành/Ngân hàng được chỉ định thực hiện trả tiền khi cam kết trả chậm đáo hạn.
UCP 500 không quy định rõ về việc Ngân hàng được chỉ định có thể chiết khấu cam kết trả chậm, đặc biệt là cam kết trả chậm của chính mình hay không, do vậy, trước đây đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp liên quan đến vấn đề này, điển hình là vụ tranh chấp giữa Banco Santander và Banque Parisbas.
Vụ tranh chấp nói trên đã dẫn đến sự thay đổi của UCP, theo đó UCP 600 cho phép Ngân hàng được chỉ định có thể chiết khấu (trả trước) cam kết trả chậm của chính mình và Ngân hàng phát hành có nghĩa vụ phải hoàn trả tiền cho Ngân hàng được chỉ định khi cam kết trả chậm đáo hạn. Điều 7 (a) (vi) UCP 600 quy định “Việc hoàn trả số tiền trên chứng từ được xuất trình theo L/C chấp nhận hoặc L/C trả chậm sẽ được thực hiện khi đáo hạn, cho dù Ngân hàng được chỉ định đã trả trước hoặc mua lại trước khi đáo hạn hay không. Cam kết của Ngân hàng phát hành về việc hoàn trả cho Ngân hàng được chỉ định độc lập với cam kết của Ngân hàng phát hành đối với người thụ hưởng”.
Quy định tại Điều 7 và Điều 12 UCP 600 đã xác lập rõ những quyền độc lập của các Ngân hàng được chỉ định; sự chỉ định của Ngân hàng phát hành về việc chấp nhận hối phiếu hoặc cam kết trả chậm sẽ bao gồm cả sự uỷ quyền cho Ngân hàng được chỉ định được thực hiện trả trước hoặc mua lại những nghĩa vụ trả tiền của chính họ; và quyền được nhận tiền hoàn trả của họ không bị ảnh hưởng bởi những hành động trả trước hay mua lại hối phiếu đã được chấp nhận hoặc cam kết trả tiền của chính họ.
4. Chiết khấu chứng từ xuất trình theo L/C trả ngay
L/C trả ngay (Sight Payment L/C) và L/C chiết khấu (Negotiation L/C) đều là L/C trả ngay. Tuy nhiên, L/C trả ngay có một số đặc điểm khác với L/C chiết khấu như sau: (i) L/C trả ngay không yêu cầu người hưởng lợi xuất trình hối phiếu trả ngay kèm theo chứng từ khi thanh toán; (ii) L/C trả ngay quy định việc trả tiền được thực hiện tại quầy của Ngân hàng phát hành hoặc tại một Ngân hàng được chỉ định bằng cách trả ngay (available with Issuing Bank/XYZ Bank/Confirming Bank by sight payment); và (iii) Ngân hàng phát hành L/C trả ngay không uỷ quyền về việc chiết khấu.
Như vậy, về lý thuyết, với L/C trả ngay, người hưởng lợi không có cơ hội nhận được tiền trước bằng cách chiết khấu chứng từ L/C tại Ngân hàng của mình như L/C chiết khấu mà thông thường phải đợi cho đến khi Ngân hàng phát hành hoặc Ngân hàng được chỉ định nhận được chứng từ phù hợp và trả tiền.
Thực tế cho thấy nhiều Ngân hàng, mặc dù không được uỷ quyền, vẫn sẵn sàng chiết khấu chứng từ phù hợp xuất trình theo L/C trả ngay, đặc biệt đối với những L/C được phát hành bởi những Ngân hàng có uy tín trong thanh toán.
Xét về tính pháp lý, Ngân hàng thực hiện chiết khấu L/C trả ngay có thể gặp rủi ro, đó là không thể nhân danh chính mình để khởi kiện Ngân hàng phát hành trong trường hợp không nhận được tiền hoàn trả từ Ngân hàng phát hành/Ngân hàng được chỉ định khi chứng từ xuất trình phù hợp với điều kiện L/C.
5. Ngân hàng được chỉ định có nghĩa vụ phải chiết khấu?
Điều 12 (a) UCP 600 quy định rằng trừ phi Ngân hàng được chỉ định là Ngân hàng xác nhận, uỷ quyền thực hiện chiết khấu không ràng buộc Ngân hàng được chỉ định phải có nghĩa vụ chiết khấu trừ khi Ngân hàng được chỉ định đồng ý và thông báo điều đó cho người hưởng lợi.
Như vậy, mặc dù được uỷ quyền bởi Ngân hàng phát hành nhưng Ngân hàng được chỉ định có quyền từ chối chiết khấu hối phiếu và/hoặc chứng từ xuất trình theo L/C.
III. Chiết khấu truy đòi và chiết khấu miễn truy đòi
Về hình thức chiết khấu, chiết khấu có 2 loại, gồm: chiết khấu truy đòi (negotiation with recourse) và chiết khấu miễn truy đòi (negotiation without recourse).
1. Chiết khấu truy đòi:
Là việc Ngân hàng được chỉ định có quyền yêu cầu người hưởng lợi hoàn trả lại số tiền đã được Ngân hàng Ngân hàng được chỉ định trả cộng với lãi phát sinh trong trường hợp Ngân hàng được chỉ định không nhận được tiền hoàn trả từ Ngân hàng phát hành hoặc Ngân hàng xác nhận (nếu có).
2. Chiết khấu miễn truy đòi:
Là việc Ngân hàng chiết khấu mua đứt hối phiếu và/hoặc chứng từ và chịu rủi ro trong trường hợp Ngân hàng chiết khấu không nhận được tiền hoàn trả từ Ngân hàng phát hành hoặc Ngân hàng xác nhận (nếu có).
Định nghĩa tại Điều 2 UCP 600 không đề cập đến hình thức chiết khấu: có truy đòi và chiết khấu miễn truy đòi. Tuy nhiên, trên cơ sở quy định tại Điều 12 (a) UCP 600, có thể hiểu rằng Ngân hàng được chỉ định hoàn toàn có quyền quyết định đồng ý hoặc từ chối chiết khấu cũng như hoàn toàn có quyền lựa chọn hình thức chiết khấu: truy đòi hoặc miễn truy đòi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu như Ngân hàng được chỉ định đồng thời cũng là Ngân hàng xác nhận thì Ngân hàng được chỉ định có nghĩa vụ phải chiết khấu và phải chiết khấu miễn truy đòi khi chứng từ phù hợp được xuất trình (Điều 8 (a)(ii) UCP 600 và Điều 12(a) UCP 600).
 Kết luận
Định nghĩa mới về thuật ngữ “negotiation” cùng với một số Điều quy định liên quan của UCP 600 chắc chắn sẽ làm cho cộng đồng những người thực hành L/C ở những khu vực khác nhau trên thế giới, cả Đông và Tây, đi đến một cách hiểu chung và thống nhất về nghiệp vụ chiết khấu trong giao dịch L/C.


CHƯƠNG 9: TÌM HIỂU VỀ HỆ THỐNG SWIFT

1. Khái niệm
Một số các phương tiện truyền tin sử dụng trong thanh toán quốc tế:
 Truyền thông tin qua Thư tín: Đây là phương tiện truyền tin từ khi mới hình thành nghiệp vụ TTQT, đến nay phương tiện này vẫn còn đang được sử dụng. Đặc điểm của phương tiền này là chậm vì phải mất một khoảng thời gian luân chuyển trên đường mặc khác chi phí cao, không an toàn.
 Truyền thông tin qua Telex: Đặc điểm của phương tiện Telex là chậm (thời gian truyền một bức điện dài, nếu là L/C phải mất 20-30 phút), chi phí điện tín cho một giao dịch cao. Telex là phương tiện công cộng nên bản thân nó không an toàn, chưa có một chuẩn mực chung cho các giao dịch TTQT.
 Truyền thông tin qua SWIFT
 …….
SWIFT là Hiệp hội viễn thông liên Ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế (Society for Worldwide Interbank and Finacial Telecommunication). Đây là một hiệp hội mà thành viên là các Ngân hàng và các tổ chức tài chính, mỗi Ngân hàng tham gia là một cổ đông của SWIFT. Phương châm hoạt động của hiệp hội là phục vụ các Ngân hàng chứ không phải lợi nhuận. Lý do sử dụng SWIFT của các Ngân hàng trên thế giới là dựa vào những ưu điểm của nó như:
 Nó là một mạng truyền thông chỉ sử dụng trong hệ thống Ngân hàng và các tổ chức tài chính nên tính bảo mật cao và an toàn.
 Tốc độ truyền thông tin nhanh cho phép có thể xử lý được số lượng lớn giao dịch.
 Chi phí cho một điện giao dịch thấp.
 Sử dụng SWIFT sẽ tuân theo tiêu chuẩn thống nhất trên toàn thế giới. Đây là điểm chung của bất cứ Ngân hàng nào tham gia SWIFT có thể hòa đồng với cộng đồng Ngân hàng trên thế giới.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng SWIFT là một trong các phương tiện truyền tin TTQT chính, bên cạnh đó vẫn phải sử dụng các phương tiện truyền tin khác.
 Ví dụ:
Khi chuyển bộ chứng từ TTQT vẫn phải sử dụng thư tín mà không thể dùng SWIFT để chuyển được. Hoặc khi chuyển một bức điện tới Ngân hàng ở Myanma ta không thể dùng SWIFT mà phải sử dụng TELEX vì các Ngân hàng ở Myanma chưa tham gia SWIFT.
Như vậy khi tham gia vào hệ thống SWIFT, mỗi Ngân hàng cần phải có một địa chỉ SWIFT cụ thể hay gọi là BIC (Bank identifier Code).Thông qua địa chỉ này mà các Ngân hàng có thể trao đổi nghiệp vụ TTQT và các dịch vụ khác do SWIFT cung cấp.
Địa chỉ BIC có hai loại, loại 8 ký tự dùng cho các Ngân hàng độc lập và loại 11 ký tự dùng cho các chi nhánh. Ngoài ra không có loại nào khác. Kết cấu 2 loại như sau:
Loại 8 ký tự:
XXXX XX XX
Bank country area
Code Code Code
 Ví dụ:
VBAA VN VX
Code Code Code
NH nông nghiệp Việt Nam Hà Nội.
Loại 11 ký tự:
Là địa chỉ SWIFT thường được dành cho các chi nhánh giống như loại 8 ký tự nhưng có thêm ba ký tự phía sau để phân biệt chi nhánh:
XXXX XX XX XXX
Bank country area Branch
Code Code Code Code
2. Cách phân chia mẫu điện SWIFT
Tất cả các mẫu điện được phân chia thành 10 nhóm điện, mỗi nhóm điện được sử dụng cho một phương thức TTQT hoặc một loại giao dịch Ngân hàng quốc tế.
 Ví dụ
Nhóm 3: Sử dụng cho mua bán ngoại tệ
Nhóm 7: Sử dụng cho thư tín dụng và bảo lãnh
Nhóm 1: Sử dụng cho chuyển tiền phục vụ khách hàng
Trong mỗi nhóm điện lại bao gồm nhiều mẫu điện sử dụng cho từng trường hợp khác nhau:
 Ví dụ
Nhóm 7:
Để phát hành thư tín dụng dùng mẫu điện 700 và 701
Để tu chỉnh thư tín dụng dùng mẫu điện 707
Như vậy cấu trúc của một mẫu điện SWIFT sẽ gồm 3 phần như sau:
 Phần đầu điện (header) chứa các thông tin sau:
1. Loại điện giao dịch;
2. Ngân hàng gửi và Ngân hàng nhận điện;
3. Giờ gửi và giờ nhận điện;
4. Xác nhận tình trạng điện;
5. Tham chiếu điện gửi và điện nhận.
 Phần nội dung điện (Text) :
Phần này chứa đựng nội dung giao dịch, nó bao gồm các trường với các khuôn dạng và các tiêu chuẩn được quy định bởi tổ chức SWIFT.
 Phần kiểm tra khóa SWIFT:
Phần này chỉ ra kết quả kiểm tra mã SWIFT tại sở giao dịch và Ngân hàng đại lý.
1. Một số tiêu chuẩn điện SWIFT phổ biến
Khi nhìn vào một mẫu điện SWIFT sẽ nhận diện được nó thuộc phương thức thanh toán nào (phần này thiên về nghiệp vụ nhiều vì chỉ có nhân viên phòng thanh toán quốc tế mới cần quan tâm còn khách hàng thì cũng không cần phải tìm hiểu).
 Tiểu chuẩn điện SWIFT dùng trong phương thức chuyển tiền
o Mẫu điện 100: Chuyển tiền phục vụ khách hàng
o Mẫu điện 103: Chuyển tiền phục vụ khách hàng
o Mẫu điện 200: Mẫu điện điều vốn
o Mẫu điện 202: Chuyển tiền giữa các Ngân hàng
 Tiểu chuẩn điện SWIFT dùng trong phương thức L/C
o Mẫu điện 700: Phát hành thư tín dụng
o Mẫu điện 707: Sửa đổi một thư tín dụng
o Mẫu điện 742: Đòi hỏi trả theo thư tín dụng
 Tiểu chuẩn điện SWIFT dùng trong phương thức nhờ thu
o Mẫu điện 400: Thông báo thanh toán nhờ thu
 Ngoài ra còn một số mẫu điện khác

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét