BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Viết về ca khúc “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh.



Bài hát Hàn Mặc Tử đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào năm 1965. Đây là một trong những ca khúc rất thành công của ông, khi kể về cuộc đời tình ái sự nghiệp của một thiên tài trong thi ca Việt Nam, là thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940).

Bài hát bắt đầu bằng các câu thơ của HMT, được ngâm lên cho đoạn dạo đầu (prélude):

Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò


Sau đó thì tác giả chuyển qua điệu nhạc Bolero :

Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
LẦU ÔNG HOÀNG đó, thuở nao chân HÀN MẶC TỬ đã qua.
Ánh trăng treo nghiêng-nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người
Tìm về giữa đêm buồn …

“Đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm, xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên, chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tan thương
Mà khổ đau niềm riêng
…"

Bài hát “Hàn Mặc Tử” này đã trở nên thật nổi tiếng ở Việt Nam kể từ lúc được ca sĩ Trúc Mai trình bày ở Đại nhạc hội tại rạp hát Thanh Bình, Sài Gòn vào năm 1965. Sau đó bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi cho đến tận ngày hôm nay. Đi đâu cũng nghe người ta hát “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” từ nhà hàng, quán cà-phê, bến xe đò, bến phà, các xe bán hàng rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Ca sĩ Trúc Mai đã bắt đầu đi hát từ năm 1959. Cô là một trong bốn ngôi sao của phòng trà Hòa Bình, gồm Bạch Yến, Bích Chiêu (chị của Khánh Hà), Thùy Nhiên và Trúc Mai. Giọng hát của cô rất ngọt ngào, đầm ấm. Cô diễn tả bài hát thật nhẹ nhàng, thoải mái như ru nhè nhẹ vào tai người nghe. Nhờ vậy mà Trúc Mai đã tiếp tục sự nghiệp ca hát của cô trong hơn ba mươi năm. Sau một thời gian dài vắng bóng, cô đã tái ngộ khán giả khắp nơi ở chương trình Paris By Night 78 “Đường Xưa” khi song ca với Phương Hồng Quế trong liên khúc “Giọt lệ đài trang”. Đến với chương trình Asia 50 để tưởng niệm Nhật Trường, ca sĩ Trúc Mai sẽ kể lại các kỷ niệm vui buồn của cô trong những năm trình diễn bài hát Hàn Mặc Tử này. Nhưng hôm nay cô không hát lại ca khúc này, mà để cho giọng ca trẻ Y Phụng ngợi ca Hàn Mặc Tử. Trước đây cũng có vài ca sĩ ở hải ngoại đã hát bài “Hàn Mặc Tử” này. Trong đó có cô ca sĩ mang hai dòng máu Việt-Mỹ là Thúy Hằng đã hát bài này đúng 6.41 phút trong CD “Thúy Hằng 3: Tình Thiên Thu” do Mây Productions sản xuất năm 1998.

Cuộc đời ngắn ngũi 28 năm của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã được không biết bao nhiêu người nhắc đến. Từ những bài báo, tiểu thuyết, cải lương, thoại kịch, phim truyện và hiện nay ở các đài truyền hình bên Việt Nam cũng đang cho trình chiếu một bộ phim truyện vài chục tập về cuộc đời Hàn Mặc Tử. Ông đúng là một thiên tài bất hạnh trong làng thi ca Việt Nam.

Tên thật của ông là Nguyễn Trọng Trí, sanh tại làng Lệ Mỹ , Đồng Hới, Quảng Trị vào ngày 22 tháng 9 năm 1912, trong một gia đình theo đạo Công giáo. Vóc mình ốm yếu, tính tình ông hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Thân phụ ông làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở. Vì vậy, Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926). Năm 1930 thì Hàn Mặc Tử thôi học vào Qui Nhơn sống với mẫu thân và năm 1932 thì ông xin được việc làm ở sở Đạc Điền tại đó. Trong thời gian này ông có yêu một thiếu nữ tên là Hoàng Cúc ở gần nhà, nhưng mộng ước không thành. Người yêu theo chồng ra Huế sống. Buồn tình, năm 1935 HMT xin thôi việc vào Sài Gòn viết báo. Từ nhỏ Hàn Mặc Tử đã làm thơ đăng báo khắp nơi và ký các bút hiệu như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử (người ở sau tấm rèm lạnh: hàn là lạnh, mạc là bức rèm) và cuối cùng là Hàn Mặc Tử (anh chàng với bút mực: hàn là cây viết, mặc là mực) .

Rất nhiều người vẫn thắc mắc là Hàn Mặc Tử có tất cả bao nhiêu người yêu chính thức?

Có người từng nói rằng “thi nhân muôn đời luôn luôn là giống đa tình”, nên Hàn Mặc Tử cũng có rất nhiều người yêu và cũng có rất nhiều độc giả yêu thơ của chàng, viết thư làm quen. Trong số đó có Mộng Cầm (tức Huỳnh Thị Nghệ) là một thiếu nữ xinh đẹp từ Quảng Ngải vào và trọ học ở nhà người cậu nơi tỉnh Phan Thiết. Sau nhiều lần trao đổi thơ từ, thì họ cùng hẹn nhau để gặp mặt. Cuối tuần, Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn đi Phan Thiết bằng xe lửa để tìm thăm Mộng Cầm. Họ đã dạo chơi khắp các thắng cảnh của Phan Thiết, trong đó có “Lầu Ông Hoàng”. Trần Thiện Thanh đã viết: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nao chân HMT đã qua". Ai đã ở tỉnh Phan Thiết thì chắc cũng đã có lần nghe nhắc đến Lầu Ông Hoàng. Đó là một dinh thự to lớn, nguy nga tráng lệ, xung quanh có vườn tược, cây cảnh rất xinh đẹp và nằm trên một ngọn đồi nhìn ra biển xanh. Lâu đài này do một ông hoàng (công tước) người Pháp tên là De Montpensier mua khu đất này và xây cất lên vào năm 1911 để làm nơi nghỉ hè, vui chơi cho gia đình ông. Năm 1917 thì một doanh nhân Pháp mua lại để làm khách sạn cho du khách thuê. (Trong thời chiến tranh sau này, khu Lầu Ông Hoàng này đã bị bom đạn phá hũy hoàn toàn, nay chỉ còn cái nền cao mà thôi). Thuở xa xưa đó, những cặp tình nhân thường hẹn hò nhau đến khu vực này để ngắm cảnh và tâm tình với nhau nơi các băng ghế đá xung quanh vườn, nhứt là trong những đêm trăng sáng. Qua Mộng Cầm, HMT làm quen với cậu của nàng là Thi sĩ Bích Khê (1916-1946) và hai chàng thi sĩ này trở nên thân nhau như tri kỷ. Cuối tuần nào HMT cũng tới ở trọ nhà Bích Khê và hẹn gặp Mộng Cầm (Mộng Cầm ở trọ nhà một người cậu khác). Thời gian đó, không rõ vì lý do gì mà HMT bị bịnh phong cùi (leprosy), hai vành tai ửng đỏ, ngứa ngái khắp nơi. Tuy vẫn thơ từ qua lại, nhưng Mộng Cầm lãng tránh dần thi sĩ, ít khi hò hẹn với nhau. Hàn Mặc Tử âm thầm tìm thầy chạy chửa thuốc men, bịnh tình cũng thuyên giảm dần dần, và thi sĩ vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo ở Sài Gòn.

Nhưng qua năm 1938, căn bịnh quái ác này trở nên nặng hơn, nên thi sĩ bèn quay về Qui Nhơn thuê một căn nhà nhỏ trên đồi, sống biệt lập cách xa thành phố, tuyệt giao với tất cả bạn bè. Hàng ngày có một tiểu đồng về nhà mẹ của HMT gần đó lãnh cơm nước, thuốc men đem đến cho chàng. Trần Thiện Thanh đã viết:

HÀN MẶC TỬ xuôi về quê cũ dấu thân nơi nhà hoang,
MỘNG CẦM hởi thôi đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi,
Tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi,
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi
.”

Từ khi phát bịnh, cơ thể đau nhức đến phát điên, nhứt là vào những đêm trăng sáng. Hàn Mặc Tử lại càng làm thơ hay hơn, như những câu thơ mà Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc:

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò

Bao giờ đậu trạng, vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ

Không, không, không ! Tôi chẳng bán hòn trăng
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt là anh dại quá
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang
?”

Có đêm ông nằm mơ thấy Đức Mẹ hiện về, nên ông đã viết bài “Thánh nữ Đồng Trinh” để tạ ơn:

Maria! Linh hồn con ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương

Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn Thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi
..”

Trong lúc cô đơn, tuyệt vọng chán chường, thi sĩ lại nhận được tin Mộng Cầm đi lấy chồng, nên HMT lại càng đau khổ hơn:

Trời hởi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẳn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng
?”

Trần Thiện Thanh đã viết lời ca:

Tìm vào cô đơn, đất Qui nhơn gầy đón chân chàng đến.
Người xưa nào biết chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa,
Chốn hoang liêu tiêu sơ HÀN âm thầm nghe trăng vỡ
.”

Hình như cái bịnh phong cùi này thường làm cho Hàn Mặc Tử đau đớn nhiều hơn trong những đêm có trăng. Thi sĩ đã thức trọn đêm để làm thơ:

Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi


Có lúc thi sĩ Bích Khê ghé thăm, thấy HMT buồn, nên giới thiệu chàng làm quen với người chị của BK là Lê Thị Ngọc Sương (tức là dì ruột của Mộng Cầm) để hai người thơ từ qua lại. HMT đã làm liền một bài thơ sau khi nhìn vào tấm ảnh của Ngọc Sương:

Ta đề chữ NGỌC trên tàu chuối
SƯƠNG ở cung thiềm nhỏ chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Nư giận đòi phen cắn phải môi


Đây chỉ là một mối tình đơn phương, vì Ngọc Sương không hề yêu HMT nhưng cô cũng khiến thi sĩ sáng tác được nhiều bài thơ hay. Lúc đó lại có nữ thi sĩ Mai Đình (tên thật Lê Thị Mai) yêu HMT tha thiết, tình nguyện đến ở bên chàng săn sóc, lo thuốc men. Nhưng thi sĩ đã từ chối và chỉ tiếp chuyện với cô được vài lần. Tuy vậy HMT cũng đã làm những bài thơ trong đó có câu:

Đây MAI ĐÌNH tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt …
Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật
…”

Thơ từ qua lại với Mai Đình trong hai năm (1938-1939) rồi HMT tuyệt giao. Có lúc tưởng như bớt bịnh, bạn bè đến thăm, lại mang thơ độc giả ái mộ cho HMT xem (1940). Trong đó có một nữ sinh trung học tên Thương Thương đã làm cho HMT cảm động, và thi sĩ lại tìm được tình yêu trong mộng, như:

Sầu lên cho tới ngàn khơi
Ai lau ráo lệ cho lời nói ra
chiều nay tàn tạ hồn hoa
nhớ THƯƠNG THƯƠNG quá, xót xa tâm bào
…”

Gần cuối năm 1940, căn bịnh của HMT trở nên nặng hơn. Gia đình đành phải đưa ông vào nhà thương phung cùi Qui Hòa, cách Qui Nhơn 5 cây số, nơi có các dì phước người Pháp săn sóc cho bịnh nhân. Lúc này thi sĩ đã bớt điên loạn và dần dần chấp nhận cái chết gần kề. Ông đã mơ ước:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
!”

Ông luôn luôn nhớ đến Phan Thiết, nhớ đến Mộng Cầm và những kỷ niệm thời hoa bướm ngày xưa. Thi sĩ đã viết những câu thơ dưới đây như những lời trăn trối sau cùng trong đớn đau tuyệt vọng:
‘…
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông-Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết

Ôi ! Trời ơi ! là Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi
Ta đến nơi : nàng ấy vắng lâu rồi !
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ !

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng

Ta vãi tung thơ lên tận cung Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết.
Hỡi Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư !”


Rời túp lều hoang không đầy hai tháng, thì Hàn Mặc Tử yếu dần và tạ thế tại nhà thương Qui Hòa, ngày 11 tháng 11 năm 1940. Được tin ông mất, các tờ báo trên khắp nước đã viết bài, đăng tin, ra số đặc biệt tưởng niệm thi sĩ tài hoa nhưng bất hạnh này. Bạn bè, người yêu, độc giả khắp nơi đều thương tiếc, nhưng không một ai đến đưa đám tang thi sĩ HMT. Trần Thiện Thanh đã kết thúc bài hát Hàn Mặc Tử bằng:

Xót thương thân bơ vơ cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
MẶC TỬ nay còn đâu
!

Trăng vàng ngọc trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
!...”


Khi sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” này cách đây đúng 40 năm (1965-2005), có lẽ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không ngờ rằng sau này cuộc đời ông cũng có nhiều điểm giống như thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Nơi tỉnh nhà Phan Thiết, từ nhỏ Trần Thiện Thanh đã cùng bạn bè dạo chơi ở những nơi mà ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm từng in dấu. Nên ông đã viết: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa, Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân HMT đã qua”.
Vào Sài Gòn lập nghiệp, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã mang theo ông những kỷ niệm này và sáng tác nên “Hàn Mặc Tử”. Trong khoảng thời gian bắt đầu ca hát và viết nhạc từ năm 1958 cho đến năm 1975, ca sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã cống hiến cho đời những lời ca tiếng nhạc thật tuyệt vời. Tên tuổi và danh vọng của ông đã sáng rực lên khắp mọi nơi. Đã có không biết bao nhiêu thiếu nữ, khán giả ở mọi lứa tuổi yêu nhạc và yêu thương ông tha thiết. Nhưng kể từ sau năm 1975, thì sự nghiệp của ông dần dần đi xuống, kể cả khi ra hải ngoại, những sáng tác mới của ông cũng không còn xuất sắc được như ngày xưa. Cuối cùng thì ông lại mắc phải một chứng bịnh nan y là ung thư phổi. Những tháng ngày cuối cùng của ông thật là cô đơn, hiu quạnh. Đâu còn thấy lại “ánh đèn sân khấu”, đâu còn thấy lại những khán giả thân thương, những bạn bè xưa, người yêu cũ. Ngay cả bà mẹ già 82 tuổi và cô em gái Như Thủy trong ban Tứ ca Nhật Trường ngày xưa, những đứa con, đứa cháu của ông vẫn còn ở bên Việt Nam nghìn trùng xa cách. Những tuần lễ sau cùng, khi đã tuyệt vọng, ông không chịu nằm trong bịnh viện mà muốn trở về nằm nghỉ nơi nhà riêng. Bên cạnh ông trong giờ hấp hối chỉ có người vợ sau là ca sĩ Mỹ Lan và đứa con trai út mới vừa 3 tuổi, tên là Trần Thiện Anh Chí. Ông đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ sau mấy tháng chịu nhiều đau đớn, dày vò vì căn bịnh quái ác này. Cho đến ngày 13-5-2005 thì “trời đất như quay cuồng, khi hồn phách vút lên cao”. Trần Thiện Thanh đã thực sự vĩnh biệt chúng ta khi vừa đúng 62 tuổi đời, là cái tuổi vẫn còn rất trẻ trên đất tạm dung Hoa Kỳ. 

(Sưu tầm...)



Hàn Mặc Tử & Trần Thiện Thanh (1)


TÁC PHẨM - TÁC GIẢ
HUYỀN THOẠI VỀ HÀN MẶC TỬ
người tình và thi ca (bài 1)

- Nguyễn Việt

Nhà thơ Hàn Mặc Tử có tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình. Con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy. Tổ tiên nhà thơ khi trước vốn mang họ Phạm, quê quán Thanh Hóa, vì ông cố tên Phạm Chương có liên can về quốc sự nên gia đình bị truy nã. Ông nội là Phạm Bồi trốn vào tỉnh Thừa Thiên đổi ra họ Nguyễn. Và cụ thân sinh của nhà thơ Hàn Mặc Tử là Nguyễn Văn Toản, tức con trưởng cụ Phạm Bồi tức Nguyễn Bồi đã đổi họ.
Từ năm 1930 – 1931, Hàn Mặc Tử đã làm thơ và bắt đầu có tiếng tăm. Ngoài bút hiệu Hàn Mặc Tử (có nghĩa Chàng bút mực), ông còn ký với nhiều tên khác như Lệ Thanh, Phong Trần.
Thời thanh niên lúc Hàn Mặc Tử vừa tròn 20 tuổi (1932), ông vào làm việc ở sở Đạc Điền, Quy Nhơn, thỉnh thoảng gửi thơ đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, ký tắt bút hiệu P.T.Quy Nhơn.
Đầu năm 1935, Hàn Mặc Tử xin thôi việc, do ông từng gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, lúc đó cụ Phan mở ra “Mộng Du thi xã”, kêu gọi mọi người gửi thơ văn đến xướng họa. Lời kêu gọi của nhà yêu nước được mọi người hưởng ứng sôi nổi. Vào khoảng năm 1931 thơ từ các nơi gửi về cho “Mộng Du thi xã” rất nhiều. Và trong số các bài thơ gửi đến, cụ Phan Bội Châu đặc biệt tâm đắc với ba bài thơ Đường luật có tên là “Thức khuya”, “Chùa hoang” và “Gái ở chùa” của Hàn Mặc Tử. Vì vậy Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng khá lớn tâm hồn người chí sĩ cách mạng này.
Khi được cụ Phan Bội Châu giới thiệu thơ của ông lên báo, Hàn Mặc Tử trở nên thân thích với cụ Phan. Lúc này thực dân Pháp đang chú ý đến những ai có mối quan hệ mật thiết với nhà yêu nước Phan Bội Châu, và sau một thời gian theo dõi, cuối cùng mật thám Pháp quyết định gạt tên Hàn Mặc Tử ra khỏi danh sách những người được bảo trợ sang Pháp du học. Tiếp đó, Chánh sở mật thám Huế còn gửi công văn vào Quy Nhơn yêu cầu điều tra về ông. Người anh đầu của ông phải gửi thư ra Huế nhờ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, một người quen thân với gia đình xưa nay nhờ can thiệp chuyện mới êm.
Chính điều này, khi Hàn Mặc Tử không được học bổng đi du học ở Pháp, ông quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm đó ông vừa 21 tuổi. Khi lên Sài Gòn, Hàn Mặc Tử vừa làm phóng viên vừa phụ trách trang thơ cho báo Công luận, Tân Thời, Trong Khuê Phòng. Ngoài báo tiếng Việt, ông còn viết cho một số báo tiếng Pháp như Impartial, Opinion, La Lutte... Ở đây Hàn Mặc Tử mới quen với Mộng Cầm, vì Mộng Cầm ở Phan Thiết làm thơ gửi bài cho báo Trong Khuê Phòng đang do Hàn Mặc Tử phụ trách trang thơ. Từ đó hai người bắt đầu trao đổi thư từ, và ông quyết định ra Phan Thiết để gặp Mộng Cầm, bắt đầu một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.
Tuy vậy do phụ trách thơ trên báo, nên cuộc đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều phụ nữ khác nhau. Những mối tình này đều để lại nhiều dấu ấn trong đời văn thơ của ông. Có những người Hàn Mặc Tử đã gặp, có những người chỉ giao tiếp qua thư từ, có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện…
Ở Sài Gòn được một năm ông trở về Quy Nhơn, rồi mắc bệnh phong cùi, điều trị tại nhà khá lâu không hết, sau bị cưỡng bức vào nằm trong nhà thương Quy Hòa. Chẳng bao lâu ông mất vào ngày 11/11/1940, hưởng dương 28 tuổi.
Khi qua đời nhà thơ Hàn Mặc Tử được an táng tại nghĩa trang của bệnh viện Quy Hòa. Mười chín năm sau, gia đình và bạn bè của ông xin được đất ở một ngọn đồi thấp tại Gành Ráng, và cải táng hài cốt về đó chôn cất vào ngày 13/01/1959, như Nguyễn Thị Như Ngãi, Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Bá Hiếu, Quách Tấn cùng một số văn nghệ sĩ đứng ra thực hiện.
Về thơ, Hàn Mặc Tử đã xuất bản gồm Gái quê (1936) do chính tác giả ấn hành còn Thơ Hàn Mặc Tử (1959) do thân hữu tập hợp xuất bản.
Vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước, đã có nhiều nhạc sĩ phổ thơ của Hàn Mặc Tử trong đó có Phạm Duy, nhưng chưa có ca khúc nào nổi tiếng bằng nhạc phẩm “Hàn Mặc Tử” do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác (tức nam ca sĩ Nhật Trường). Tựa nhạc phẩm này lấy theo ý thơ “Trăng vàng Trăng ngọc” và các bài thơ trong tập “Thơ Hàn Mặc Tử” để sáng tác.
Chúng tôi xin giới thiệu sau đây và một bài “Về thôn Vĩ Dạ” được nhiều người biết đến :

TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
oOo
Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hòn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
oOo
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!


Nhạc phẩm HÀN MẶC TỬ của Trần Thiện Thanh
Phổ theo ý thơ “Trăng vàng trăng ngọc” và câu chuyện tình với nữ sĩ Mộng Cầm.
Thơ : Ai mua trăng, tôi bán trăng cho / Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ / Ai mua trăng, tôi bán trăng cho / Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Nhạc : Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa / Lầu ông Hoàng đó thuở nào trăng tròn / Hàn Mặc Tử đã qua / Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng / Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương / Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về những đêm buồn
Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến / Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân / Tiếc thay cho thân trai một, nửa đời chưa qua hết / Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan / Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất củng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.
Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang / Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi / Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi / Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi / Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến / Người xưa nào bíêt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa / Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm ôm trăng vỡ / Khóc thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia / Trời đất như điên cuồng khi hồn phách vút lên cao / Mặc Tử nay còn đâu ? Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ / Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng .

VỀ THÔN VĨ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
oOo
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
oOo
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


NHỮNG MỐI TÌNH CỦA HÀN MẶC TỬ

MỘNG CẦM
Mộng Cầm sinh ngày 17/7/1917 mất ngày 23/7/2007 tại Phan Thiết. Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), và nhà văn Quách Tấn thì giữa Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm từng quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang thơ cho tờ Trong khuê phòng. Bà là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu, vì "lây nhiễm tinh thần thơ văn" của ông cậu nên bà cũng làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và đăng, và từ đó hai người quen nhau.
Hai mươi năm sau ngày Hàn Mặc Tử mất, tức vào năm 1961, nhà thơ Nguyễn Vỹ đang là chủ báo tờ tạp chí Phổ Thông, đã cử ký giả Châu Mộng Kỳ tìm gặp Mộng Cầm để thực hiện một bài phỏng vấn về mối tình giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm trong thời gian đó.
Nhờ mối quan hệ đặc biệt, vì ký giả Châu Mộng Kỳ từng là thầy dạy cho con riêng chồng của Mộng Cầm, nên bài phỏng vấn mới thực hiện được, trước đó nhiều ký giả đã bị từ chối.
Trong bài trả lời, Mộng Cầm phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa bà và Hàn Mặc Tử. Mộng Cầm nói :
- "Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh (Hàn Mặc Tử) thổ lộ mối tình đó với tôi. Tôi có trả lời : Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối : Em thiết nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu em".
Bài phỏng vấn này đăng lên, chủ báo Nguyễn Vỹ cho biết bà Mộng Cầm đã đọc và không có điều gì thắc mắc rồi ông kết luận : "đã giải đáp dứt khoát một nghi vấn thường bị nhiều người xuyên tạc". Tuy nhiên với độc giả, bài trả lời phỏng vấn của Mộng Cầm đã gây sốc. Bởi mối tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử đã được người đời nâng lên thành huyền thoại. Ngay cả Ngọc Sương, dì ruột của Mộng Cầm cũng phản đối. Rồi đến Quách Tấn, người đã ủng hộ việc Mộng Cầm đi lấy chồng, cũng giận dữ trước lời phát biểu của bà.
Quách Tấn viết : "Cuộc tình duyên giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, tôi biết rõ lắm. Nhưng tôi chỉ nói những gì có thể nói được, nói những gì có thể giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tâm hồn Hàn Mặc Tử, văn chương của Tử mà thôi".
Vậy Mộng Cầm đã nói thật hay nói dối ?
Nhưng rất dễ nhận thấy, đó là những lời nói dối của những phụ nữ khi đã có chồng, họ muốn chôn đi quá khứ để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Còn thật ra mối tình Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm đã được rất nhiều người gần gũi xác nhận.
Trần Thanh Mai, một người bạn của Hàn Mặc Tử đã công bố mối tình này trong cuốn sách viết về Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1942 : "Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau, câu chuyện muôn đời ấy mà ! Người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyền cùng nhau những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm. Thường thường họ hay gặp nhau ở hai tỉnh Qui Nhơn và Phan Thiết, đưa nhau đi chơi bãi biển, viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là lầu Ông Hoàng. Rồi họ xa nhau. Họ nhớ nhau và tặng ảnh cho nhau. Họ coi như một cặp vợ chồng chưa cưới rồi".
Vì thế nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đầy nước mắt về mối tình này. Trong bài “Muôn năm sầu thảm”, ông đã kêu tên Mộng Cầm lên một cách thảm thiết:
"Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi".

Còn bài “Phan Thiết Phan Thiết”, ông nhắc đến những kỷ niệm xưa về lầu Ông Hoàng, nơi ông và Mộng Cầm từng dạo chơi thuở nào :
"Ta lang thang tìm tới chốn lầu
Trăng Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi".


HOÀNG CÚC
Hoàng Cúc là một người đẹp liên quan đến bài thơ tình hay nhất “Bài thơ thôn Vĩ”, tên thật Hoàng Thị Kim Cúc, sinh ngày 5/12/1913, kém Hàn Mặc Tử 1 tuổi.
Năm 1933, khi Hàn Mặc Tử vào làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen em thúc bá của Hoàng Cúc là Hoàng Tùng. Anh em thường tụ tập bên nhau để bình phẩm văn thơ. Hoàng Cúc cũng đang tập tành viết báo làm thơ với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ, nên quen biết Hàn Mặc Tử từ dạo đó. Với bản tính đa tình, Hàn Mặc Tử đã đem lòng si mê Hoàng Cúc. Ông đã làm một số bài thơ tặng bà như bài Vịnh hoa cúc, Trồng hoa cúc... Một số bài đã đến tay Hoàng Cúc qua Hoàng Tùng. Cho nên Hoàng Cúc biết rất rõ tình cảm của Hàn Mặc Tử đối với bà.
Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế. Sau đó bà bắt đầu ăn chay trường trở thành cư sĩ tại gia, sống cuộc đời lặng lẽ bí ẩn. Cũng năm đó, Hàn Mặc Tử in tập thơ “Gái quê”, là tập thơ đầu tiên kể từ khi ông bỏ làm thơ Đường luật.
Và Hàn Mặc Tử đã tìm đến thôn Vĩ Dạ, nơi ở của Hoàng Cúc, nhưng chỉ đứng ngoài một lúc rồi bỏ đi, có lần ông gặp Hoàng Cúc trong một dịp hội chợ nhưng ông không dám tặng thơ cho bà. Nhiều năm sau đó, giữa hai người không có liên lạc, khi Hoàng Cúc nghe tin ông bị bệnh phong, liền gửi thư an ủi. Và ông đã cảm động sáng tác bài “Đây thôn Vĩ Dạ” gửi tặng bà.
Chuyện tình Hoàng Cúc - Hàn Mặc Tử cũng có nhiều điều gây tranh cãi như trường hợp Mộng Cầm. Quách Tấn cho rằng hai người không thành duyên nợ là do thân sinh bà Hoàng Cúc chê Hàn Mặc Tử không xứng. Hoàng Cúc đã đọc được hồi ký của Quách Tấn viết về bà với Hàn Mặc Tử, nên bà đã gửi thư để "nói lại cho rõ" :
"Hồi ấy tuy anh Trí ở gần nhà tôi, song anh ấy và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi. Anh Trí thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng ! Tuy thế anh Trí cũng đã tìm cách để gặp, nhưng vẫn chưa toại nguyện..."
Cho nên việc Hoàng Cúc phủ nhận chuyện tình cảm với Hàn Mặc Tử là điều dễ hiểu, phần do bà đã ăn chay niệm Phật tu tại gia. Tuy vậy bà Hoàng Cúc vẫn "dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hoa tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt giữa Hàn Mặc Tử mà cũng là mối tình đầu của bà".

MAI ĐÌNH
Nói đến Mai Đình thực ra không phải là một người thơ, cũng không phải là người tình của Hàn Mặc Tử... Đúng nghĩa, bà chỉ là người bạn văn chương của ông. Mai Đình gặp Hàn Mặc Tử khi ông đã lâm bệnh, phải xa lánh mọi người ẩn mình trong cái chòi ở Gò Bồi, cách thành Quy Nhơn khoảng 15 km.
Nói về thân thế, Mai Đình xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng mang trong người dòng máu lãng mạn, từng theo tiếng gọi bốn phương cất bước ra đi. Nhờ có nghề dạy nữ công gia chánh nên bà kiếm kế sinh nhai khá dễ dàng. Mai Đình đã đặt chân đến nhiều vùng đất xa xôi, có khi bà qua tận Nam Vang. Năm 1937, bà đến Quy Nhơn.
Trước đó Mai Đình đã nghe danh nhà thơ Hàn Mặc Tử đã lâu. Là người có cá tính mạnh mẽ, nên bà không câu nệ, tìm cách giáp mặt ông. Lần đầu tiên, Hàn Mặc Tử vì tự ti bệnh tật hiểm nghèo nên không tiếp. Mai Đình bèn vào Nha Trang, thông qua Quách Tấn để "tiếp cận”.
Trong hồi ký của mình, nhà văn Quách Tấn nhớ lại : "Gặp tôi, nàng không chút e lệ, ngồi nói chuyện như người quen biết đã lâu. Nàng tỏ thật nỗi lòng đối với Hàn Mặc Tử : " Biết anh Trí mang bệnh ngặt nghèo, lòng tôi hết sức thương cảm. Tôi mong sao chia sớt được nỗi đau khổ của anh một đôi phần". Sau đó nàng còn trách Mộng Cầm sao đành lòng bỏ rơi Hàn Mặc Tử trong lúc hoạn nạn".
Sau lần chuyện trò cùng Quách Tấn, Mai Đình gửi bài thơ “Biết anh” để tặng Hàn Mặc Tử với những câu thơ thật lãng mạn :
"Còn anh em đã gặp anh đâu!
Chỉ cảm vần thơ có những câu
Âu yếm say sưa đầy cả mộng
Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu".

Đây là bài thơ đầu tiên mở ra một tình bạn văn chương thú vị giữa hai người. Hàn Mặc Tử nhận được thơ, liền hồi âm nhưng Mai Đình đã đi khỏi Nha Trang. Ông buồn rầu sáng tác bài “Lưu luyến” :
"Chửa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì".

Điều đặc biệt nhất trong mối quan hệ Mai Đình - Hàn Mặc Tử là nàng đã hành xử rất đúng tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ”. Vào mùa hè năm 1938, Mai Đình từ biệt Quy Nhơn để vào Sài Gòn thu xếp công việc. Khi trở ra, bà đưa cho Hàn Mặc Tử một món tiền để lo thuốc thang và nói ý định của mình, bà sẽ ở lại trong cái chòi cùng với ông, khiến Hàn Mặc Tử phải từ chối. Nhưng Mai Đình vẫn mặc kệ, cứ đi chợ nấu ăn, sắc thuốc cho ông, không hề ngần ngại bệnh tật rất hay lây lan của ông.
Hàn Mặc Tử xúc động trước việc làm của Mai Đình nên ông đã có nhiều câu thơ tặng bà :
"Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn
Đêm muộn xuống gieo vào muôn sóng mắt
Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay!".

(Còn 1 kỳ : tiếp tục với những người tình và huyền thoại về Hàn mặc Tử)
Nguyễn Việt

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét