Một cựu phi công của Không quân Hoàng gia Anh đang
cùng nhóm nghiên cứu chế tạo chiếc Bloodhound SSC để phá kỷ lục tốc độ
của chiếc xe nhanh nhất thế giới hiện do mẫu Thrust SSC nắm giữ.
Bloodhound SSC sẽ lập kỷ lục với vận tốc 1.600 km/h. Ảnh: bloodhoundssc.com
Với chiếc xe Thrust SSC, hay còn được biết đến với tên
gọi là chiếc xe nhanh nhất trên thế giới, Trung tá Andy Green, một cựu
phi công chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh (RAF), đã đạt kỷ lục
chạy xe vượt tốc độ âm thanh (1.238 km/h) vào năm 1997, với vận tốc trên
mặt đất đạt gần 1.300 km/h.
Tuy nhiên, Andy Green cùng nhóm nghiên cứu sẽ thiết
lập một kỷ lục mới với sự ra đời của chiếc xe Bloodhound SSC và mục tiêu
đạt vận tốc 1.600 km/h.
Các chuyên gia cho biết họ đã dành nhiều năm để hoàn
thiện chiếc xe Bloodhound SSC một cách hoàn hảo nhất. Về cơ bản,
Bloodhound SSC trông vẫn giống một chiếc tên lửa được lắp bánh xe, nhưng
mang nhiều đặc điểm khác biệt khiến nó có hình dáng như một chiếc máy
bay chiến đấu không cánh.
Theo CNN, chiếc xe sử dụng động cơ EJ2000,
loại động cơ được thiết kế cho máy bay phản lực Eurofighter Typhoon, một
trong những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới. Thử thách mà
người lái xe phải đối mặt khi chạy trên đường đua với Bloodhound SSC đó
là những đợt sóng xung kích gây ra bởi các bánh xe khi di chuyển với tốc
độ cao.
Andy Green và chiếc xe nhanh nhất thế giới Thrust SSC lập kỷ lục với vận tốc gần 1.300 km/h vào năm 1997. Ảnh: AP
Quá trình thử nghiệm xe Bloodhound SSC dự kiến sẽ diễn
ra tại Aerohub, Newquay, tây nam nước Anh, vào đầu năm tới. Nếu không
có vấn đề gì xảy ra, chiếc xe sau đó sẽ được vận chuyển đến sa mạc
Hakskeen ở Nam Phi, nơi mà Green và nhóm của anh muốn lập kỷ lục với vận
tốc 1.600 km/h vào năm 2016. Trong thời gian chuẩn bị, nhóm nghiên cứu
đang hoàn thành kế hoạch làm đường chạy dài gần 20 km và rộng 3 km tại
khu vực này.
Chiếc xe Bloodhound SSC và kế hoạch lập kỷ lục chạy xe
vận tốc cao thuộc dự án Bloodhound. Đây là một dự án nhằm truyền cảm
hứng cho các nhà khoa học và các kỹ sư trên thế giới chế tạo các phương
tiện thế hệ mới với tốc độ ngày càng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng
trong các hoạt động nghiên cứu cũng như quân sự. Dự án hiện thu hút sự
chú ý của giới khoa học Anh và nhận được sự ủng hộ của cơ quan khoa học
và công nghệ của chính phủ, các trường đại học, quân đội cũng như một số
tổ chức khác.
Green, 51 tuổi, từng là phi công chiến đấu ở Bosnia,
Iraq và chịu trách nhiệm điều hành các nhiệm vụ bay trong chiến dịch
không kích của không quân Anh tại Lybia vào năm 2011.
Theo Thùy Linh (VNE)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét