Các đầu mối dịch vụ ngân hàng (NH) sẽ nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề
tài chính của anh” - một “cò” chuyên “chạy” nợ ngân hàng tiếp thị khi
biết tôi đang đứng trước áp lực trả nợ NH. Sau đó, người này chuyển cho
tôi tin nhắn qua điện thoại có nội dung: “Cho vay NH, nợ xấu chuyển sang
vay dài hạn, gia tăng số tiền vay… chỉ cần sổ hồng thế chấp, mức phí
5%-6%, liên hệ anh Cường số điện thoại 090….236”.
Tranh thủ thu phí
Liên
lạc số điện thoại trên, chúng tôi nhận ra nhạc chờ từ máy điện thoại là
nhạc hiệu của một NH lớn ở TP HCM. Sau khi hẹn địa điểm để gặp, Cường
cho biết anh là nhân viên của NH S. và sẵn sàng làm môi giới cho vay bất
cứ NH nào trên địa bàn TP HCM.
Tôi trình bày đang vay tại NH V.
400 triệu đồng, thời hạn vay 5 năm. Do không đủ khả năng trả vốn và lãi
khoảng 10 triệu đồng/tháng nên cần chuyển đổi thời hạn vay dài hơn sao
cho hằng tháng chỉ trả khoảng 5 triệu đồng. “Việc này không khó, chỉ cần
bên vay có sổ hồng là được NH khác cho vay” - Cường nói rồi đưa ra
phương án: Anh ta sẽ cho tôi vay nóng 400 triệu đồng trong 3 ngày để tất
toán số tiền đã vay và rút sổ hồng đã thế chấp tại NH V. ra; tuy nhiên,
tôi phải chi cho anh ta mức phí 1,5%. Sau đó, Cường sẽ trực tiếp hướng
dẫn tôi đến NH A., thế chấp số hồng để vay 500 triệu đồng, thời hạn vay
15 năm. Thế nhưng, khi tiếp cận với NH A., nhân viên NH này đưa ra lãi
suất cho vay 13%/năm, tôi từ chối vì lãi suất cao và phải trả cho Cường
phí dịch vụ là 5%/số tiền vay.
Để ứng phó với việc trả nợ cho NH
V., tôi tiếp tục tiếp cận với Linh, nhân viên tín dụng NH H.B. Linh cho
biết phương án trả nợ cho NH V. và các chi phí liên quan được thực hiện
tương tự phương án của “cò” Cường. Tuy nhiên, nếu khách hàng chuyển sang
quan hệ tín dụng với NH H.B thì với số tiền vay 400 triệu đồng, thời
hạn vay 1 năm, lãi suất 12,5%/năm, bên vay chỉ trả lãi hằng tháng hơn 4
triệu đồng, còn vốn gốc trả sau. Đến các năm tiếp theo, NH sẽ làm thủ
tục đáo hạn theo từng năm. Cứ thế, người vay trả lãi hằng tháng cho đến
khi trả hết vốn gốc ban đầu thì chấm dứt. “Tuy nhiên, để được NH giải
ngân, ngoài lãi suất, khách hàng phải trả thêm phí dịch vụ 4%/số tiền
vay” - Linh nói.
“Tại sao lại có số phí này?” - tôi thắc mắc. “Do
phải hợp thức hóa các chứng từ chứng minh thu nhập, mục đích vay, hợp
đồng công chứng, đăng ký tài sản bảo đảm… nên tụi em phải thu thêm phí
dịch vụ để “bôi trơn” hồ sơ vay” - Linh cho biết đồng thời khuyến cáo
tôi nên tìm cách tất toán số tiền đã vay của NH V. bởi nếu trễ hạn trả
nợ khoảng 2 tháng thì NH sẽ chuyển nhóm nợ và đưa thông tin người vay
lên Trung tâm Thông tin tín dụng của NH Nhà nước. Khi đó, người vay sẽ
hết cửa đến vay NH khác.
Nhân viên sợ mất việc, khách hàng có nhu cầu
Theo
giới phân tích, với mức phí của số tiền vay để trả nợ cho NH đầu tiên
là 1,5%, cộng phí dịch vụ 4%-5% và lãi suất cho vay 12,5%/năm của NH thứ
hai, tính ra lãi suất vay vốn để “chạy” nợ NH lên tới 18%-19%/năm.
Trong khi đó, hầu hết các NH huy động vốn với lãi suất cao nhất là
9%/năm cộng với chi phí kinh doanh khoảng 4%, tính ra lãi suất cho vay
tối đa 13%/năm là NH đã có lời. Còn nếu khách hàng đã chuyển đến NH thứ
hai vay tiền và chọn thời hạn vay 1 năm thì khi đáo hạn phải tất toán số
tiền vay cũ, tiến hành vay mới gắn liền mỗi năm bên vay tiếp tục trả
phí dịch vụ từ 5%-6%/số tiền vay. Riêng trường hợp “bao cấp” cho khách
hàng chứng minh phương án trả nợ, đòi hỏi nhân viên NH phải bắt tay với
doanh nghiệp hoặc một tổ chức nào đó để xác nhận thu nhập của người vay.
Trao
đổi với chúng tôi, lãnh đạo của nhiều NH lý giải: Do tín dụng của 10
tháng năm 2013 quá thấp nên 2 tháng cuối năm các NH vắt chân lên cổ để
đạt được ít nhất là 70% lợi nhuận. Mặt khác, các NH thường khoán mỗi
nhân viên tín dụng doanh số cho vay bình quân 2 tỉ đồng/tháng. Từ đó,
nhân viên các NH liên kết nhau để “chạy” chỉ tiêu dư nợ cho vay, nếu
không sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc. Còn về phía khách hàng, do nhiều
người đã vay tiền nhưng thu nhập lại giảm sút, không đủ tiền trả góp
hằng tháng cũng muốn kéo dài thời hạn vay để giảm áp lực trả nợ. “Nếu
khách hàng trực tiếp đề nghị, NH có thể xem xét tăng thời hạn vay cho
phù hợp với tình hình thực tế, không cần phải vay vốn lòng vòng, tốn phí
vô ích” - lãnh đạo một NH cho biết.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng ĐH Mở TP HCM, cho biết: Người vay trả hết nợ cũ, rồi tiến hành vay mới với thời hạn dài hơn là bình thường. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra khi lãi suất giảm, người vay đủ khả năng trả nợ mới được NH chấp nhận và phải trả cho NH một khoản phí nhất định. NH nào chạy theo mục tiêu lợi nhuận, sẵn sàng ứng tiền cho khách hàng trả nợ cũ, cho vay mới với điều kiện duy nhất là thế chấp “sổ hồng”, rồi “bao sân” hồ sơ vay, không thẩm định năng lực tài chính, phương án trả nợ, mục đích sử dụng vốn… của khách hàng sẽ đối mặt với nguy cơ gia tăng nợ xấu. Bởi bên vay có thể sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ. Khi đó NH chỉ biết khởi kiện khách hàng ra tòa nhưng chưa chắc đã thu hồi được nợ. |
(Theo NLĐ)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét