Tiệm bánh dù lớn hay nhỏ đều cần sự
chuẩn bị chu đáo từ việc nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, tìm địa
điểm phù hợp, có lượng tiền mặt đủ dùng cho 6 tháng đầu
1. Ước mơ lớn nhưng khởi đầu nhỏ
Bạn cố gắng giảm chi phí đến mức thấp nhất có thể. Ví dụ, bạn có thể
bắt đầu làm bánh tại nhà, đơn giản là bán những ổ bánh nướng, bánh ngọt
cho người dân trong khu phố hoặc các sự kiện như sinh nhật, họp mặt gia
đình… trước khi chuyển sang mở tiệm lớn hơn.
Một cách lựa chọn khác là bạn có thể sử dụng thương hiệu bánh theo hình
thức nhượng quyền kinh doanh hoặc mua một tiệm bánh do người khác sang
lại. Việc mua lại tiệm bánh là cách nhanh nhất để trở thành chủ sở hữu,
nhưng bạn nên thận trọng xem xét lý do tại sao họ lại muốn bán tiệm.
2. Chọn địa điểm mở tiệm
Bạn có thể chọn một vị trí trong khu phố nơi bạn biết rõ số lượng người
mua bánh hoặc quyết định mở gần khu vực nào có đối tượng khách mục
tiêu. Bạn cần chọn phân khúc dựa vào một số yếu tố như địa lý, đặc điểm
dân cư và môi trường cạnh tranh ở khu vực đó. Nếu có được một địa điểm
thuận lợi, bạn nên tìm hiểu loại bánh nào người dùng thích ăn.
3. Lên bản kế hoạch
Viết một bản kế hoạch kinh doanh gồm 4 phần chính gồm mô tả về tiệm
bánh, chiến lược tiếp thị, kế hoạch quản lý tài chính và quản lý hành
chính. Về mặt tài chính, bạn có thể huy động vốn từ các nguồn khác nhau
như tiền tiết kiệm, những khoản đầu tư cá nhân, vay ngân hàng, vay từ
quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, mượn từ gia đình hay người thân hoặc
có thể nhận được sự đầu tư của một cá nhân mà thành công ở lĩnh vực
này.
Bạn nên lường trước rủi ro, quản lý chi phí và cung cấp loại bánh chất lượng để giữ chân khách hàng. Ảnh: eHow
|
4. Các hoạt động trước khai trương
Tiến hành các hoạt động tiền khai trương như chuẩn bị đầy đủ các giấy
phép kinh doanh cần thiết, mở tài khoản ngân hàng, thực hiện hợp đồng
với các nhà cung cấp, mua các thiết bị… Song song đó, bạn cần theo dõi
các nhiệm vụ để xem mọi thứ bảo đảm đúng tiến độ hay chưa.
5. Quảng bá tiệm bánh
Trước khi đưa vào hoạt động, bạn nên quan tâm đến việc quảng bá và đặt
bảng hiệu càng sớm nếu có thể. Bạn trao danh thiếp bất cứ khi nào cần
thiết và phát tờ rơi thông báo tiệm bánh sắp khai trương. Bạn có thể mở
bữa tiệc nhỏ xem như sự kiện ra mắt trước dành cho gia đình và bạn bè.
Ngoài ra, bạn thiết kế website với thông tin cơ bản như giới thiệu các
loại bánh, thời gian hoạt động và địa điểm hoặc viết blog hàng tuần để
đưa ra lời khuyên, hướng dẫn cách làm bánh.
6. Chuẩn bị tiền mặt
Bạn nên chuẩn bị lượng tiền mặt để có thể xoay xở ít nhất trong vòng 6
tháng. Bên cạnh đó, bạn cần có đủ vốn hoạt động trong vài tuần đầu tiên
trước khi dựa vào dòng tiền có được từ bán hàng.
7. Biết tiết kiệm
Trước tiên, bạn có thể đầu tư vào thiết bị nhỏ hơn và mở rộng quy mô
chỉ khi nào việc kinh doanh phát triển. Nếu bạn muốn phát triển lớn hơn
và cần thêm nhân viên, hãy thuê người làm bán thời gian để giúp bạn
trong những giờ đông khách.
8. Phản hồi từ khách hàng
Bạn có thể yêu cầu khách hàng đánh giá về sản phẩm cũng như thái độ
phục vụ. Điều này giúp bạn cải tiến chất lượng bánh và khách hàng trung
thành cũng cảm thấy họ như một thành viên tiệm bánh của bạn.
Mai Phương
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét