-
Các nhóm cổ phiếu gối đầu tăng giá ồ ạt, nhiều mã tăng hàng chục phiên
trần liên tiếp cùng với nhiều nhận định tích cực đang kéo hàng nghìn tỷ
đồng dồn vào chứng khoán. Kỳ vọng vào một đợt sóng chứng khoán ngàn tỷ
đang được đẩy lên.
Tăng trần hàng chục phiên
Không nóng bỏng như
trong phiên liền trước nhưng sáng 19/11 TTCK vẫn nóng bỏng khi dòng tiền
đổ mạnh vào các cổ phiếu thị giá thấp.
Tới cuối giờ sáng, cổ
phiếu VNH của Công ty Cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật tiếp tục tăng trần
phiên thứ 22 liên tiếp từ mức 1.700 đồng hôm 18/10 lên 5.200 đồng. Cổ
phiếu này đang nằm trong diện cảnh báo (từ đầu tháng 5) do lợi nhuận
2012 âm.
Một cổ phiếu khác cũng đang nằm trong diện cảnh báo từ
tháng 4/2013 KMR của Công ty TNHH Mirae Fiber Việt Nam tiếp tục tăng
nóng cho dù từ đầu tháng 9/2013 đến nay cổ phiếu này đã tăng gần 150%
lên mức 7.000 đồng/cổ phiếu.
FLC của Tập Đoàn FLC trong khi đó vẫn
ở mức giá sát trần với hơn 7,1 triệu cổ phần được chuyển nhượng. Cổ
phiếu này đã tăng mạnh từ mức 4.400 đồng hồi đầu tháng 9 lên 6.200 đồng
như hiện tại.
Cổ phiếu VNE của Xây dựng điện Việt Nam và TNT của
CTCP Tài Nguyên tiếp tục chứng kiến sức cầu khá mạnh với tương ứng 4,2
triệu và 1,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong chỉ một buổi sáng. Cả
hai cổ phiếu này đều tăng trần và sát trần trong suốt buổi sáng.
PVT
của Vận tải Dầu khí, trong khi đó, giữ được lực hút lớn với giới đầu tư
với hơn 2,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong nửa phiên giao dịch
ngày 19/11. Cổ phiếu này đã tăng một mạch từ mức 6.000 đồng/cp lên gần
11.000 đồng/cp như hiện tại. PXI, TTF, VST, VOS, FCM, DCT… đều tăng trần
với giao dịch lớn. Trên sàn Hà Nội, Hanoimilk (HNM) tăng trần lên 8.200
đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu lớn không sốt nóng như trong các phiên
trước nhưng vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường với giao dịch khá ổn
định. VIC của Vingroup tăng 500 và MSN của Masan; VNM của Vinamilk đứng
giá; STB và HPG tăng 100 đồng; HSG của Hoa Sen tăng 700 đồng; FPT và GMD
tăng 400 đồng; PPC và OGC tăng 200 đồng …
Chỉ trong sáng 19/11,
giao dịch trên hai sàn dù giảm nhưng vẫn ở mức cao với 59 triệu trên sàn
TP.HCM (gần 700 tỷ đồng) và 25 triệu trên sàn Hà Nội (gần 200 tỷ đồng).
Trong phiên 18/11, TTCK thực sự nóng bỏng với VN-Index tăng hơn 1%, còn
HNX-Index tăng hơn 0,7% và giá trị giao dịch bùng nổ lên hơn 1.930 tỷ
đồng.
Nhìn
nhận về sự bùng nổ về giao dịch của thị trường và cú bứt phá qua ngưỡng
500 điểm của VN-Index nhiều NĐT cho rằng thị trường đang bước vào một
đợt sóng mới khi dòng tiền đang vào thị trường. Dường như có một chu kỳ
tăng giá vào thời điểm cuối năm trước đầu năm sau giống như vài năm gần
đây. Tuy nhiên, sau một thời kỳ lỗ nặng, nhiều NĐT vẫn nghi ngờ về điều
này.
DN sống lại hay dòng tiền quá nóng?
Cổ
phiếu gối đầu tăng giá ồ ạt, nhiều mã tăng hàng chục phiên trần liên
tiếp đã khiến tài khoản nhân đôi, nhân ba trong một khoảng thời gian
ngắn.
Sự bứt phá của nhiều mã cổ phiếu là nhờ kết quả ấn tượng của DN trong quý III/2013 vừa được công bố.
VNH
tăng trần 22 phiên liên tiếp có thể là do DN vừa báo lãi sau hơn một
năm thua lỗ. Quý III/2013, VNH ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6,7 tỷ đồng
sau khi thua lỗ trong nửa đầu năm nay và cả năm 2012. KMR tăng nóng có
thể nhờ cú hích từ lợi nhuận vượt kế hoạch năm trong 9 tháng và kỳ vọng
vào chu kỳ thu hoạch mới…
Các DN khác đều có những tín hiệu khá
tốt như: FLC có lợi nhuận sau thuế quý III/2013 tăng vọt; VNE đạt lợi
nhuận khá ấn tượng 10 tỷ đồng; PVT lợi nhuận quý III tăng gần 120% so
với cùng kỳ; TTF tái cấu trúc nợ tương đối thành công; VOS ghi nhận lợi
nhuận thực dương quý III…
Trong trường hợp VNH, DN này có lợi
nhuận quý III/2013 tăng vọt là nhờ doanh thu thuần tăng đột biến và chi
phí tài chính giảm. Tuy nhiên, doanh thu tăng mạnh lại là do DN chuyển
nhượng quyền sử dụng đất tại Huyện Bình Chánh, TP.HCM và bởi DN có đăng
ký mảng BĐS nên ghi nhận vào doanh thu.
Với VNE, DN này vẫn đang
duy trì tỷ lệ nợ cao. Vay ngắn hạn tới cuối quý III/2013 tăng gần 84%
(+97 tỷ) khiến tỷ nợ phải trả/vốn chủ lên gần 1,8 lần. Điều đáng chú ý
là chi phí xây dựng dở dang (gồm Thủy điện Hồi Xuân) tiếp tục tăng mạnh
và chiếm tới gần 63% tài sản dài hạn.
TNT được giao dịch với khối
lượng lớn gần đây nhưng trên thực tế thị giá thấp. Tình hình kinh doanh
của DN này vẫn khá u ảm, chưa có cải thiện trong quý vừa qua. Doanh thu
vẫn ở mức đáng lo ngại, chưa đầy 1 tỷ đồng, lãi gộp chưa tới 40 triệu
đồng…
DN từng thuộc tốp đầu ngành gỗ TTF vẫn chứng kiến chi phí
tài chính là một gánh nặng trong kỳ. Dù nỗ lực nhiều nhưng tình hình
kinh doanh chưa mấy cải thiện. Doanh thu quý III giảm gần 60% so với
cùng kỳ, lãi vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng.
Có thể thấy, hiện tượng dòng
tiền vào TTCK và nhiều cổ phiếu tăng mạnh gần đây là thực tế. Các cổ
phiếu blue-chips tăng mạnh không chỉ vì kết quả ổn định mà có lẽ còn do
thông tin nâng “room” ngoại; cổ phiếu nhỏ lẻ tăng do thị giá thấp và tín
hiệu DN hồi phục nhất định. Bên cạnh đó, lịch sử giao dịch gần đây còn
cho thấy dòng tiền vào cuối năm trước và đầu năm sau đổ vào chứng khoán
trong vài năm gần đây thường tăng mạnh… và thị trường tăng có thể còn do
tích lũy trong một thời gian dài…
Tuy nhiên, sự hưng phấn được
đánh giá có thể quá đà ở một số mã bởi thực tế dòng tiền trong vài phiên
gần đây chủ yếu đến từ khối nội, khối ngoại vẫn đang bán ròng. Soi vào
quá khứ gần có thể thấy những lần bùng nổ và những lần vượt ngưỡng 500
điểm không trụ được lâu bởi áp lực cung cổ phiếu lớn, cầu không hấp thụ
hết.
Hiện tượng một số cổ phiếu xuống giá quá thấp và tăng mạnh
trở lại, gấp vài ba lần do có tín hiệu cho thấy DN vẫn có thể “sống” như
trong một số lĩnh vực BĐS, liên quan tới BĐS… tạo ra sự hấp dẫn lớn với
các NĐT. Mặc dù vậy, những bài học đau trong quá khứ vẫn khiến không ít
người thủ thế trước những đợt sóng có thể xuất hiện.
Huấn Tú