Lối suy nghĩ và hành động trong độ tuổi từ ngoài 20 đến
dưới 30 có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai nghề nghiệp và cuộc
sống sau này của bạn. Dưới đây là 10 bài học mà bạn nên cân nhắc áp dụng
nếu đang ở trong độ tuổi này:
Ảnh minh họa.. |
1. Những việc bạn làm ở độ tuổi 20 sẽ định nghĩa bạn là ai
Theo bà Meg Jay, tiến sỹ tâm lý học, tác giả cuộc sách
“The Defining Decade: Why your twenties matter - and how to make the
most of them now” (tạm dịch: “Thập kỷ định hình: Vì sao tuổi 20 của bạn
có ý nghĩa - và làm thế nào để sống có ý nghĩa nhất trong độ tuổi này”),
nhiều người trong độ tuổi 20 cho rằng, họ có tất cả thời gian trên thế
giới và tuổi 20 như thế nào sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến tương lai.
Tuy nhiên, bà Jay khẳng định, độ tuổi từ 20 đến dưới
30 là giai đoạn có ảnh hưởng lớn nhất trong đời. Nền móng mà bạn xây
dựng trong độ tuổi này sẽ định nghĩa phần còn lại trong cuộc đời của
bạn. Bởi thế, bà Jay thúc giục những nhân viên đang ở độ tuổi này nhìn
nhận mọi chuyện một cách nghiêm túc.
2. Những trách nhiệm của người trưởng thành khiến bạn hạnh phúc hơn
Nhiều người trẻ tuổi có thể không muốn tìm một “công
việc thực sự” hoặc sống tự lập. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Jay nhấn
mạnh, có những việc liên quan tới trách nhiệm của một con người trưởng
thành làm bạn cảm thấy hạnh phúc và đem tới cho bạn mục đích sống. “Một
số người xem nhẹ sự thỏa mãn mà lao động đem lại, họ nghĩ sẽ thật là khổ
sở khi ngồi ôm chân bàn”, bà Jay viết. “Nhưng tuổi 20 có việc làm sẽ
hạnh phúc hơn những ai thất nghiệp hoặc không có đủ việc làm”.
3. Hãy tìm công việc tốt nhất có thể
Nếu bạn đầu tư sớm vào sự nghiệp, bạn sẽ có nhiều thời
gian hơn để xây dựng cho mình một sự nghiệp thành công. Theo tiến sỹ
Jay, 70% tăng trưởng lương đạt được trong 10 năm đầu tiên của sự nghiệp,
nên bạn cần tìm công việc tốt nhất có thể và hãy đàm phán mức lương để
được trả xứng đáng nhất. “Những người đợi tới ngoài 30 tuổi mới làm
những việc này sẽ luôn bị tụt hậu”, bà Jay viết.
4. Không đưa ra lựa chọn cũng là một lựa chọn
Theo bà Jay, nhiều người trong độ tuổi 20 không biết
họ muốn làm gì, nên thường lãng phí thời gian vào những công việc “không
ra đâu vào đâu”, thậm chí không tìm việc làm.
“Không đưa ra lựa chọn cũng là một lựa chọn”, bà Jay
cảnh báo. “Những người trong độ tuổi 20 cứ nghĩ họ đang để ngỏ các lựa
chọn cho mình, nhưng thực ra họ đang đóng lại những cánh cửa”. Lý lịch
công việc của những người như thế bắt đầu trở nên nghèo nàn, họ bắt đầu
bị đồng nghiệp vượt lên, và rốt cục họ sẽ bị rơi vào cảnh thất nghiệp
nửa chừng.
5. Sẽ mất thời gian để bạn trở thành một nhân viên giỏi
Tiến sỹ Jay nói rằng, những người trong độ tuổi 20 mới
bắt đầu đi làm sẽ mất khoảng 10.000 giờ đồng hồ, tương đương khoảng 5
năm làm việc, để thực sự có tay nghề. Nếu bạn băn khoăn không biết vì
sao mà các đồng nghiệp dường như quá hiểu công việc và tự tin, đó một
phần là do họ đã có thời gian làm việc lâu hơn bạn. Bà Jay khuyên những
người trẻ cố gắng học hỏi nhiều nhất có thể trong công việc đầu tiên và
nhớ rằng, sẽ phải mất thời gian để thực sự giỏi việc.
6. Có cách nhìn thoáng hơn
Bộ não của lứa tuổi 20 vẫn đang phát triển thùy trước,
bà Jay cho biết. Đây là thùy não chịu trách nhiệm điều chỉnh các cảm
xúc. Thực tế này cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp còn non kém khiến
những người trong độ tuổi 20 nhạy cảm hơn trước những điều ngạc nhiên và
những lời chỉ trích. Họ thường có xu hướng nhìn nhận những nhận xét
bằng quan điểm cá nhân, và “thổi phồng” trong suy nghĩ những chuyện xảy
ra.
Bà Jay khuyên, những nhân viên tuổi 20 nên bước lại
một chút và có cái nhìn thoáng hơn. Bạn sẽ không bị sa thải vì sếp nổi
giận. Hãy nghe những lời phê bình và rút ra bài học từ đó.
7. Nghiêm túc trong các mối quan hệ tình cảm
Nhiều người kết hôn muộn, nhưng điều đó không có nghĩa
là tình yêu trong độ tuổi 20 nên bị xem nhẹ - theo tiến sỹ Jay. Bà Jay
xem tuổi 20 là quãng thời gian mà bạn nên học cách làm thế nào để có
những mối quan hệ lành mạnh. Điều đó có nghĩa là hẹn họ với những người
có phẩm chất phù hợp cho một mối quan hệ lâu dài, và không trì hoãn
chuyện yêu đương chỉ vì bạn nghĩ bạn có thể hoặc nên làm như thế.
8. Suy nghĩ chín chắn về chuyện “sống thử” trước hôn nhân
Theo bà Jay, tỷ lệ sống thử ở Mỹ đã tăng 15 lần kể từ
năm 1960 tới nay. Ngày nay, có tới 7,5 triệu cặp đôi ở nước này chung
sống mà chưa đăng ký kết hôn, và hơn một nửa tất cả các cuộc hôn nhân là
kết quả của một thời gian “sống thử”. Tuy nhiên, bà Jay cảnh báo rằng,
những cặp đôi còn trẻ thường không trao đổi rõ ràng với nhau về việc
“sống thử” có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ của họ.
“Rất dễ để “sống thử”, nhưng bước ra khỏi cuộc sống đó
thì không dễ như thế”, bà Jay nói. Chuyên gia này lưu ý, “sống thử” có
thể dẫn tới những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vì một khi đã “sống
thử”, sự ràng buộc giữa hai người sẽ gia tăng, trong khi có thể họ không
thực sự hợp nhau.
9. Nên nghĩ sớm về kế hoạch hóa gia đình
Phần đông những người trong độ tuổi trên 20 đến dưới
30 không nghĩ tới chuyện sinh đẻ có kế hoạch như thế nào, nhưng tiến sỹ
Jay cho đây là một việc nên làm. Bà nêu rõ, những người trẻ tuổi vẫn
nghĩ mình có nhiều thời gian để lập gia đình. Trên thực tế, khả năng
sinh sản của con người giảm mạnh sau tuổi 35 và “lao dốc” sau tuổi 40.
Đây không chỉ là vấn đề của nữ giới mà của cả nam giới. Tinh trùng của
nam giới có tuổi thường không khỏe, và người vợ sẽ khó thụ thai hơn.
Bởi thế, bà Jay cho rằng, bạn không cần phải kết hôn
trong độ tuổi 20, nhưng nên hiểu rõ những vấn đề y học này để lên kế
hoạch phù hợp.
10. Thay đổi bộ não cho toàn bộ cuộc đời
Bà Jay cho biết, bộ não của con người chưa trưởng
thành hoàn toàn cho tới khoảng 25 tuổi, nhất là những phần của bộ não
chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho tương lai và kiểm soát các cảm xúc.
Điều đó không có nghĩa là bạn chỉ ngồi chờ não phát
triển. Trên thực tế, những gì bạn học được và trải nghiệm trong độ tuổi
20 sẽ gắn chặt vào bộ não của bạn, và quãng thời gian này chính là cơ
hội tốt nhất để bạn điều chỉnh bộ não, thay đổi cách bạn suy nghĩ và
phản ứng trước các sự vật, sự việc. “Những gì mà mọi người làm trong độ
tuổi 20 sẽ quyết định họ là ai khi họ thực sự trưởng thành”, bà Jay nói.
Theo Phương Anh
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét