BUSINESS ADMINISTRATION

Home

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Production and Operations Management

Production and Operations Management (POM; P/OM): Quản trị vận hành sản xuất

11-6-2012 (VF) — Production and Operations Management (POM hoặc P/OM) – Tiếng việt: Quản trị vận hành-sản xuất.
Sản xuất được hiểu là quá trình sử dụng các nguồn lực để tạo ra hàng hóa và dịch vụ. POM là các hoạt động liên quan tới quá trình tạo ra hàng hóa và dịch vụ của sản xuất thông qua việc chuyển đổi các đầu vào sản xuất thành đầu ra là hàng hóa và dịch vụ.
Các hoạt động tạo hàng hóa-dịch vụ diễn ra trong mọi tổ chức. Trong các công ty sản xuất-chế tạo, các hoạt động tạo ra hàng hóa có thể thấy rõ ngay, vì chúng tạo ra những vật thể trực giác có thể quan sát được như ti-vi, xà-phòng hay xe hơi. Khi này ta có ngay khái niệm Quản trị sản xuất.
Nhưng trong một số loại hình tổ chức khác, con người lại không nhất thiết tạo ra hàng hóa vật chất, vì thế chức năng sản xuất khó có thể nhìn thấy rõ rệt. Loại tổ chức ta có thể lấy ví dụ minh họa thuộc nhóm này bao gồm ngân hàng, hãng hàng không, hay trường học. Đây chính là các tổ chức cung ứng dịch vụ, chiếm tới trên 70% sản lượng nền kinh tế ở các nước giàu như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… Hoạt động sản xuất-chế tạo lúc này được gọi chung là “vận hành” và chúng ta có khái niệm tương ứng là Quản trị vận hành.
POM là các hoạt động thuộc khoa học ra quyết định nhằm hỗ trợ các quyết định về sản xuất và vận hành tối ưu trong các điều kiện cho phép. Chức năng POM nằm rải rác ở các bộ phận chức năng chuyên môn của các doanh nghiệp. Về lịch sử, loài người ghi nhận các thành tựu đột phá của khoa học quản trị liên quan tới POM như nhà công nghiệp Eli Whitney (1800) với ý tưởng phụ tùng lắp lẫn; Frederick Taylor (1881) được xem là cha đẻ của ngành Khoa học quản trị công nghiệp với các ý tưởng về tuyển dụng lao động, phương pháp luận lập kế hoạch tối ưu và quản trị thời gian, phân chia chức năng lao động quản lý và sản xuất-vận hành trực tiếp; Henry Ford và Charles Soreson (1913) về dây chuyền lắp ráp phụ tùng sản xuất hàng loạt và đưa ra khái niệm dây chuyền lắp ráp được điều phối khoa học. Trong Thế chiến II, chính Sorenson là người thiết kế dây chuyền Willow Run nổi tiếng góp phần sản xuất máy bay ném bom B-24 The Liberator.
Tới 1924, lại xuất hiện tư tưởng quản trị chất lượng chế tạo của Walter Shewhart nhằm ứng dụng kiến thức thống kê toán đáp ứng nhu cầu kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra bằng việc lấy mẫu ngẫu nhiên.
Tới 1950, Edwards Deming đưa ra tư tưởng phát biểu rằng bộ máy quản trị cần làm việc hiệu quả hơn nữa để cải thiện các quá trình vận hành và môi trường làm việc để cuối cùng dẫn tới cải thiện chất lượng tổng thể TQM. Nhật Bản đã áp dụng hoàn hảo và phát triển mạnh mẽ tư tưởng của Deming để trở thành nhà sản xuất công nghiệp chất lượng cao nhất thế giới trong mọi lĩnh vực hàng hóa mà Nhật Bản tham gia sản xuất.
POM đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tận dụng các thành tựu khoa học hiện đại nhất để tự vận động thành một ngành khoa học quản trị tiên tiến. Ngày này POM chứa các nội dung quan trọng trong quản lý có nguồn gốc từ: (i) Kỹ thuật công nghiệp; (ii) Khoa học quản trị; (iii) Công nghệ sinh học và khoa học vật lý; (iv) Khoa học về thông tin.
Các mốc lịch sử huy hoàng của POM trong thế giới kinh doanh và công nghiệp có thể lược qua với những tên tuổi lớn, rất dễ nhận biết và tìm kiếm thông tin được liệt kê dưới đây (cho dù là không đầy đủ):
1. Phân chia lao động xã hội (Adam Smith 1776)

2. Chuẩn hóa phụ tùng lắp lẫn (Eli Whitney 1880)
3. Quản trị khoa học (Frederick Taylor 1881)
4. Sơ đồ Gantt (Gantt 1916)
5. Nghiên cứu chuyển động hợp lý (Gilbreth 1922)
6. Dây chuyền lắp ráp có điều phối (Henry Ford/Sorenson 1913)
7. Kiểm soát chất lượng (Shewhart 1924)
8. Máy tính (Atanasoff 1938)
9. Kiểm soát chất lượng tổng thể (Edwards Deming 1950)
10. CPM/PERT (DuPont 1957)
11. MRP (Orlicky 1960)
12. GERT (Pritsker 1963)
13. Thiết kế công nghiệp sử dụng phần mềm CAD (1965)
14. Hệ thống sản xuất linh hoạt (1973)
15. Giao thức tự động hóa chế tạo (1980)
16. Sản xuất có tích hợp công nghệ điều khiển máy tính (1990)

Danh sách này còn tiếp tục kéo dài nhờ sự tiến bộ của khoa học-công nghệ và những phát triển mới của mô thức kinh tế trong xã hội hiện đại, hậu công nghiệp hóa.

* Vietfin.net; 11-6-2012.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét